Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tham gia, góp ý vào báo cáo của Chính phủ
- Cập nhật: Thứ tư, 11/11/2015 | 10:44:46 AM
YênBái - YBĐT - Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, đồng chí Nguyễn Công Bình - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã tham gia, góp ý vào báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) năm 2015 và Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2016. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu với cử tri và bạn đọc:
Đồng chí Nguyễn Công Bình - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái góp ý vào báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT- XH năm 2015 và Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2016.
|
Qua nghiên cứu báo cáo Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015 và Kế hoạch phát triển KT- XH năm 2016. Tôi có một số ý kiến như sau:
1. Về năm 2015
Đây là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011 - 2015. Trong quá trình tổ chức thực hiện gặp không ít khó khăn như: tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp; tranh chấp chủ quyền biển đảo trong khu vực biển Đông ngày càng gay gắt; giá dầu giảm mạnh và ở mức thấp làm cho cân đối ngân sách khó khăn. Bên cạnh đó, thiên tai, hạn hán đã tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta.
Tuy vậy, tôi đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong 10 tháng qua; đã chủ động, tích cực trong tổ chức thực hiện. Từ đó các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2015 theo nghị quyết của Quốc hội đã cơ bản hoàn thành 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt. Nổi bật là:
Tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và phục hồi khá cao; lạm phát ở mức thấp từ 11,7% năm 2010 còn 2% năm 2015, làm cho người dân an tâm, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên; dư nợ tín dung tăng, đi đôi với chất lượng được cải thiện; hoạt động đối ngoại, kinh tế đối ngoại kết quả - đây là cơ sở để thực hiện tốt nghị quyết của Quốc hội về phát triển KT-XH năm 2015; tạo đà cho năm 2016 và các năm tiếp theo.
* Về hạn chế, yếu kém
Chính phủ đã thẳng thắn chỉ rõ 9 hạn chế, yếu kém. Nhưng tôi băn khoan, mặc dù Chính phủ đã có các giải pháp, nhưng một số hạn chế, bất cập kéo dài chưa chuyển biến mạnh, như: tăng trưởng nông nghiệp; xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn, giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu; chưa có nhiều giải pháp để xử lý tình trạng được mùa, mất giá - làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người sản xuất, nhất là nông dân; vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém, xuất hiện nhiều các vụ ngộ độc thực phẩm; chất lượng giảm nghèo chưa thưc sự bền vững; cung cầu trên thị trường lao động mất cân đối, dẫn tới tỷ lệ sinh viên thất nghiệp chưa có việc làm còn nhiều; tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật vẫn còn.
Chính phủ cần đánh giá cụ thể hơn để có các giải pháp tạo sự chuyển biến rõ nét trong năm 2016 và các năm tiếp theo.
2. Về kế hoạch nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2016
Tôi cơ bản nhất trí. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế, tôi kiến nghị một số nội dung sau:
- Một là, về các chỉ tiêu chủ yếu năm 2016. Tôi nhất trí tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5% năm, nhưng đối với các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4% là quá cao. Bởi lẽ, giảm nghèo cần đảm bảo bền vững, giảm tối đa tái nghèo. Mặt khác, số hộ nghèo còn lại phần lớn có nhiều khó khăn; cần có thời gian để vươn lên. Không thể một sớm, một chiều. Vì vậy, tôi đề nghị chỉ 3% là phù hợp.
Hai là, nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế chủ yếu của nước ta, có vai trò quan trọng trong việc cung cấp sản phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu. Mặc dù Chính phủ đã có chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhưng chưa hấp dẫn. Do vậy, thực trạng hiện nay là số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, khoảng trên 1%, với một số địa bàn miền núi, vùng khó khăn hầu như chưa có doanh nghiệp nào. Vì vậy, tôi đề nghị, đi đôi với đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, tránh nỗi lo hội nhập quốc tế, Chính phủ cần rà soát, bổ sung để có cơ chế chính sách đủ mạnh, thu hút doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là về thuế, cấp đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính.
Ba là, về điều chỉnh tăng lương, tôi đồng tình về tăng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công. Tuy nhiên, không nên cào bằng, cần chú ý đến đối tượng người về hưu có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở cần được tăng hơn. Đặc biệt là đối với người đã nghỉ hưu trước tháng 4 năm 1993. Đồng thời, cần được xem xét tăng lương theo lộ trình vì đã qua 3 năm liên tiếp chưa được tăng.
Bốn là, thực tế trên đất nước ta đã liên tiếp xảy ra các vụ giết người dã man tàn ác, đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, vì vậy cần được đưa nội dung này vào nghị quyết của Quốc hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ và cả hệ thống chính trị có những giải pháp mạnh mẽ để bảo vệ an toàn cho cuộc sống người dân.
N.C.B
Các tin khác
Trong phiên làm việc ngày 10/11 tại Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị cần đánh giá lại việc đổi mới chương trình SGK, bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học và kỳ thi tuyển vào lớp 6.
Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2016, trong đó đưa nội dung sử dụng 11.000 tỷ đồng để tăng lương cơ bản 5% từ 1/5/2016.
YBĐT - Ngày 10/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức buổi làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng và các nhà đầu tư Nhật Bản về thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh Yên Bái.
Sáng 10/11, các đại biểu QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 với tỷ lệ đạt 90,49%.