Tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/11/2015 | 7:48:19 AM

YênBái -

YBĐT - Nông nghiệp và nông thôn Yên Bái có những bước phát triển không ngừng, từng bước đưa nền nông nghiệp của tỉnh từ chỗ lạc hậu, nghèo nàn, thuần nông, quảng canh, thiếu lương thực, trở thành một tỉnh có nền nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hoá.

 

Đồng chí  Trần Thế Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tình hình sản xuất ngô vụ đông tại huyện Văn Yên.
Đồng chí Trần Thế Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tình hình sản xuất ngô vụ đông tại huyện Văn Yên.

Cách đây tròn 70 năm, ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quyết định thành lập Bộ Canh nông có nhiệm vụ chăm lo chỉ đạo phát triển nền nông, lâm nghiệp nước nhà. Từ đó, ngày 14 tháng 11 hàng năm được lấy làm ngày truyền thống của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Trong suốt 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã vượt qua bao khó khăn thách thức, đấu tranh với đói nghèo, thiên tai, dịch bệnh... để có những bước phát triển mạnh mẽ. Từ một đất nước thiếu lương thực trầm trọng, nay đã trở thành một trong những cường quốc về xuất khẩu gạo, điều, cà phê, cao su và thuỷ sản. Tất cả các lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp, hạ tầng nông nghiệp nông thôn phát triển và không ngừng được đầu tư xây dựng. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao, tỷ lệ đói nghèo giảm theo hàng năm và có bước phát triển nhanh, bền vững.

Cùng với sự lớn mạnh của ngành nông nghiệp cả nước, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Yên Bái cũng có những bước phát triển không ngừng, từng bước đưa nền nông nghiệp của tỉnh từ chỗ lạc hậu, nghèo nàn, thuần nông, quảng canh, thiếu lương thực, trở thành một tỉnh có nền nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hoá, thị trường. Diện tích, năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm đều tăng; sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng.

Từ chỗ chỉ cấy một vụ lúa, nay tăng lên hai vụ, ba vụ, sản xuất biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hoá vào sản xuất nên năng suất các loại cây trồng, vật nuôi tăng trưởng mạnh. Năng suất lúa từ 4 - 5 tấn/ha vào năm 1990 đã tăng lên 8 tấn/ha năm 2000 và đến nay đạt trên 11,5 tấn/ha. Tổng sản lượng lương thực liên tục tăng một cách vượt bậc (năm 1990 đạt 130.000 tấn, năm 2000 đạt 174.458 tấn và năm 2015 ước đạt 300.611 tấn).

Quan trọng hơn là đã hình thành ổn định vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao 2.500 ha (cánh đồng Mường Lò 1.200 ha; cánh đồng Đại Phú An của huyện Văn Yên 600 ha; cánh đồng Mường Lai, Vĩnh Lạc huyện Lục Yên 600 ha; vùng trồng lúa nếp đặc sản Tú Lệ, huyện Văn Chấn 100 ha). Ngoài ra, còn chuyển đổi hơn 3.000 ha đất trồng lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô. Diện tích cây ăn quả ngày càng được mở rộng cả về diện tích và nâng cao giá trị sản phẩm.

Đến nay, diện tích cây ăn quả đạt trên 6.620 ha, tăng trên 3.000 ha so với năm 1995, đã góp phần cải thiện đời sống của nông dân. Nhằm phát triển vùng cây ăn quả, tỉnh đã ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp như: chính sách hỗ trợ, phục tráng và phát triển cây ăn quả đặc sản theo các vùng sinh thái (bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình; cam quýt, huyện Văn Chấn và Lục Yên; nhãn, vải vùng phía bắc huyện Văn Yên và vùng trong của huyện Văn Chấn).

Đặc biệt, là chính sách khuyến khích phát triển cây sơn tra ở huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, đã tạo ra một hướng đi mới cho đời sống và sản xuất của đồng bào vùng cao. Trong giai đoạn 2010 - 2015, mỗi năm bình quân trồng mới, trồng cải tạo thêm được 150 - 200 ha cây ăn quả, đưa sản lượng quả năm 2015 đạt gần 30.000 tấn.

Xác định cây chè là cây thế mạnh, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thâm canh, cải tạo diện tích chè già cỗi ở vùng thấp bằng giống chè lai, chè nhập nội chất lượng cao 2.330 ha. Vùng cao được trồng bằng giống chè Shan để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè. Nguồn thu từ sản xuất chè của nông dân đạt 150 - 170 tỷ đồng, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm ổn định cho hàng vạn hộ nông dân.

Nông dân Văn Chấn thu hái chè.

Về lâm nghiệp, phát triển mạnh cả khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng phòng hộ và trồng rừng mới, giá trị sản xuất lâm nghiệp; bình quân mỗi năm trồng mới 15.000 ha; tỷ lệ giống tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng sản xuất đạt trên 35%; bước đầu đã chú trọng thâm canh rừng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 62%. Hàng năm, cung cấp từ 350.000 - 450.000 m3 gỗ rừng trồng các loại, 120 ngàn tấn nguyên liệu tre, nứa, vầu và vỏ quế khô trên 11.000 tấn, sản lượng tinh dầu quế trên 600 tấn/năm, thu giá trị xuất khẩu về cho tỉnh hơn 31 triệu USD/năm.

Chăn nuôi thuỷ sản phát triển khá rõ nét giai đoạn 2010 - 2015; tốc độ tăng trưởng đàn gia súc chính bình quân hàng năm đạt 3%; tổng đàn gia súc chính năm 2015 đạt trên 635.000 con; sản lượng thịt hơi đàn gia súc chính năm 2015 đạt trên 33.500 tấn; sản lượng nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản năm 2015 đạt trên 6.500 tấn, tăng 1,15 lần so với năm 2010.

Song song với phát triển sản xuất, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất cũng được quan tâm đầu tư đáp ứng cho sản xuất. Toàn tỉnh hiện có trên 3.400 công trình thuỷ lợi lớn nhỏ, bảo đảm nước tưới cho 85% diện tích lúa hai vụ.

Không ngừng đầu tư, nâng cấp các cơ sở kỹ thuật như: nâng cấp Trại Giống lúa Đông Cuông (Văn Yên), Trại Giống lúa Nghĩa Lộ, Trại cá giống Nghĩa Lộ, đầu tư xây dựng Trại cá giống Yên Bình và đầu tư xây dựng Trung tâm Chăn nuôi công nghệ cao. Ngành đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo nông dân tập trung sản xuất hàng hoá và một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung đã được hình thành rõ nét như: vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao 2.500 ha, vùng ngô 15.000 ha , vùng chè trên 11.000 ha, vùng sắn cao sản trên 15.000 ha, vùng măng tre Bát độ trên 3.500 ha, quế trên 33.000 ha, vùng cây nguyên liệu giấy trên 60.000 ha.

Nhằm nâng cao thu nhập từ rừng, gắn quyền lợi với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong khai thác và bảo vệ rừng, tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Tỉnh đã hoàn thành công tác xây dựng quy hoạch cấp tỉnh, huyện và cấp xã (152 xã/tổng số 152 xã đã được phê duyệt đồ án), bảo đảm theo kế hoạch, lộ trình của Chương trình đề ra. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã xây dựng được hệ thống cơ chế, chính sách để triển khai chương trình và đã xuất hiện nhiều điển hình trong việc tham gia và vận động tham gia đóng góp kinh phí, hiến đất, ngày công đối với các chương trình xã hội hóa để cùng với các nguồn vốn đầu tư nhà nước hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn (tổng nguồn vốn đầu tư trong 5 năm đạt trên 2.340 tỷ đồng).

Đến nay, đã có 5 xã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái; xã Báo Đáp, xã Việt Thành, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên và xã Liễu Đô huyện Lục Yên); có 120 xã đạt 5 tiêu chí trở lên, trong đó có 50 xã đạt 10 tiêu chí trở lên.

Cùng với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn, hệ thống tổ chức ngành cũng ngày càng hoàn thiện; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng cao về năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị và tinh thần phục vụ. Đã hình thành một bộ máy quản lý nhà nước tương đối thông suốt từ tỉnh đến cơ sở; các tổ chức về thú y, bảo vệ thực vật, kiểm lâm, quản lý thuỷ lợi… đã không ngừng lớn mạnh với đội ngũ đông đảo cán bộ được đào tạo có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao.

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, ngành nông nghiệp đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; nhiều năm được tặng cờ, bằng khen của Chính phủ, của các bộ và của UBND tỉnh. Nhiều tập thể, cá nhân được Nhà nước tặng Huân chương Lao động, bằng khen của Chính phủ, chiến sỹ thi đua toàn quốc và bằng khen của các bộ, của tỉnh.

Để tiếp tục phát huy truyền thống của ngành, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của cả tỉnh, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đã xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020 tại Quyết định số 992/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2015.

Mục tiêu tổng quát là: phát triển nền nông nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới; duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống của dân cư nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo, ổn định chính trị - xã hội; quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm các tác động tiêu cực đối với môi trường, khai thác, sử dụng có hiệu quả các lợi ích về môi trường. Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 5,0%/năm. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chiếm 70,0%, lâm nghiệp chiếm 23,0% và thủy sản chiếm 7,0%; sản lượng lương thực có hạt là 295.000 tấn; sản lượng chè búp tươi đạt 100.000 tấn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 43.500 tấn; mỗi năm trồng mới 15 ngàn ha rừng... Chú trọng đến việc mở rộng trồng quế và trồng tre măng Bát độ.

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tập trung phát huy cao truyền thống của ngành, tiếp tục đổi mới thể chế, đoàn kết thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế làm ăn có hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật làm cơ sở để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; đẩy mạnh phát triển thuỷ lợi và cơ sở hạ tầng nông thôn làm nền tảng phát triển nông nghiệp bền vững; đào tạo nhân lực, đào tạo nghề nông thôn để tiếp tục thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cổ củng, hoàn thiện bộ máy hành chính để ngày càng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, tăng cường chống tham nhũng, lãng phí.

Ngoài sự nỗ lực của toàn ngành và của bà con nông dân, trong những năm tiếp theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn mong muốn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo tỉnh; sự quan tâm giúp đỡ của các sở, ban, ngành và các địa phương; sự hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh và nhân dân để ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh giao phó; thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển nông nghiệp - nông thôn giai đoạn 2015 - 2020 mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã đề ra.

Trần Thế Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các tin khác

YBĐT - Chiều 11/11, Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái có buổi tiếp và làm việc với đồng chí Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

YBĐT - UBND tỉnh Yên Bái làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng và các nhà đầu tư Nhật Bản/ Đoàn công tác Hội đồng tỉnh Val de Marne (Cộng hòa Pháp) chào xã giao các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái/ Ngân hàng VietinBank bàn giao 100 căn nhà cho cựu chiến binh Yên Bái/ Môn Lịch sử sẽ như một môn tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông/ Liên minh châu Âu tiến hành họp khẩn cấp về vấn đề người di cư/ Bầu cử Myanmar: Đảng NLD tiếp tục giành ưu thế... là những tin tức đáng chú ý.

Thường trực HĐND thị xã giám sát việc triển khai làm nhà theo Chương trình 167.

YBĐT - Thời gian qua, Thường trực HĐND, các ban, các tổ HĐND thị xã Nghĩa Lộ có nhiều đổi mới trong hoạt động, chủ động xây dựng, triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch công tác. Thực hiện Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2015 của HĐND thị xã, Thường trực HĐND và các ban đã chủ động xây dựng chương trình hoạt động, kế hoạch giám sát, cụ thể hoá thành 16 nội dung giám sát, trong đó có 4 chuyên đề giám sát của Thường trực và các ban của HĐND thị xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục