Ngày làm việc thứ 26, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII

Thông qua hai dự án luật

  • Cập nhật: Thứ bảy, 21/11/2015 | 8:25:29 AM

Ngày 20-11, Quốc hội (QH) làm việc tại Hội trường. Buổi sáng, các đại biểu QH biểu quyết thông qua dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân;

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa phát biểu ý kiến tại hội trường.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa phát biểu ý kiến tại hội trường.

Thảo luận ở hội trường về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23-11-2012 của QH và dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; Thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua dự án Luật Kế toán (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Không nên giao quyền tổ chức cưỡng chế cho Thừa phát lại

Đầu giờ làm việc buổi sáng, QH đã biểu quyết thông qua dự án Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, với 83,20% tổng số đại biểu QH tán thành. Luật gồm 10 chương và 91 điều, quy định về hoạt động giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, Đoàn đại biểu QH và đại biểu QH; HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát.

Thảo luận ở hội trường về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL), các đại biểu QH quan tâm đóng góp ý kiến vào những hạn chế, vướng mắc trong thực hiện thí điểm chế định trong thời gian qua. Theo đó, đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) và một số đại biểu khác cho rằng, các quy định về hoạt động TPL chưa rõ ràng, dẫn đến một số cách hiểu không thống nhất, nhất là trong việc đăng ký vi bằng. Trong hoạt động tống đạt cũng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện một cách cụ thể, cho nên việc triển khai thực hiện của các văn phòng TPL trong thực tế cũng chưa thống nhất…

Nêu quan điểm, hoạt động TPL nên triển khai theo hướng xã hội hóa vì dùng ngân sách nhà nước để chi trả cho hoạt động này sẽ dẫn đến tốn kém, tăng biên chế không cần thiết, các đại biểu Lê Bá Thuyền (Lâm Đồng), Phạm Văn Hà (Nghệ An) và một số đại biểu khác cho rằng: Nhà nước không nên cấp tiền cho hoạt động TPL và hoạt động này chỉ nên tiếp tục triển khai nếu không dựa vào ngân sách nhà nước và giảm được biên chế ngành tòa án.Về chức năng, nhiệm vụ của TPL, nhiều đại biểu QH chung một đề nghị, TPL chỉ nên hoạt động hỗ trợ tư pháp trên ba lĩnh vực: tống đạt giấy tờ của Tòa án; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án; không nên quy định TPL tham gia tổ chức thi hành án và áp dụng biện pháp cưỡng chế vì đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhiều ý kiến đề nghị, QH ban hành Nghị quyết cho chấm dứt thí điểm, công nhận kết quả thí điểm và tính pháp lý của các tổ chức TPL, đồng thời quy định, các tổ chức TPL tiếp tục hoạt động theo quy định hiện hành của Chính phủ đến khi QH ban hành Luật Thừa phát lại.

Trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu QH đã cho ý kiến về việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo đó, các ý kiến tán thành việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi là quan trọng và cần thiết, có lợi cho doanh nghiệp và cho đất nước nói chung. Đồng thời tán thành việc nước ta cam kết thực hiện toàn bộ các điều khoản trong Nghị định thư sửa đổi và đồng ý giao Chính phủ, các cơ quan tổ chức liên quan hoàn tất các thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới. Các cơ quan QH có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị định này.

Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân

Đầu phiên họp buổi chiều, các đại biểu QH biểu quyết thông qua Luật Kế toán (sửa đổi) với 79,15% tổng số đại biểu tán thành.

Thảo luận về dự án LuậtTtín ngưỡng, tôn giáo, các đại biểu: Thượng toạ Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh), Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) và nhiều đại biểu đánh giá cao các nội dung đề cập trong dự thảo Luật và cho rằng, dự thảo Luật đã cụ thể hóa được quan điểm, đường lối của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo; có nhiều đổi mới tiến bộ hơn so với pháp luật hiện hành như: mở rộng phạm vi chủ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quy định cụ thể sự tham gia của các tổ chức tôn giáo trong hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo, dạy nghề; bổ sung hoạt động tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam… Luật được ban hành sẽ bảo đảm thông thoáng, minh bạch, bảo hộ tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.

Tuy nhiên, đề cập nội dung tổ chức tôn giáo (điều 18, 19) Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho rằng, dự thảo Luật quy định hoạt động của tổ chức tôn giáo ổn định trong 10 năm mới được công nhận, sẽ khiến các tổ chức tôn giáo hạn chế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đại biểu Thích Thanh Quyết, thời gian không nhất thiết là 10 năm, mà chỉ cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu là công nhận tổ chức tôn giáo. Đồng thời, dự thảo Luật cần làm rõ tổ chức tôn giáo nào được Nhà nước công nhận, tổ chức tôn giáo nào được Nhà nước cấp phép để tránh sự lợi dụng tự do tôn giáo. Cùng với đó, quy định hoạt động tín ngưỡng tôn giáo có yếu tố nước ngoài trong dự thảo Luật cần được mở rộng hơn, vì trong thời kỳ đất nước mở cửa hội nhập, quan hệ quốc tế của các tổ chức, cá nhân tôn giáo ngày càng được mở rộng, là kênh giao lưu văn hóa góp phần vào đối ngoại và ngoại giao nhân dân.

Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) cho rằng, tên gọi là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng phần tín ngưỡng đề cập trong dự thảo Luật còn mờ nhạt; Chương 2 quy định phần tín ngưỡng còn sơ sài, chưa toàn diện. Hiện nay, một số học giả có uy tín muốn nâng tín ngưỡng thờ cúng lên thành một đạo luật; đây là yếu tố nội sinh của dân tộc để chống lại sự xâm lăng văn hóa, là yếu tố sâu sắc về văn hóa dân tộc… Theo đại biểu, không nên đưa nội dung tín ngưỡng vào luật này, mà chỉ nên đề cập, điều chỉnh phần tôn giáo. Theo đó, các cơ quan chức năng nên chuẩn bị nội dung để kỳ họp QH khóa sau sẽ ban hành đạo luật riêng về tín ngưỡng, trong đó cần chú trọng đặc biệt về vấn đề tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

"Cưỡng chế là quyền lực đặc biệt chỉ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng. Nếu văn phòng thừa phát lại, một chế định dưới hình thức công ty, huy động lực lượng chức năng để phong tỏa, khấu trừ tài sản của người phải thi hành án là không phù hợp. Chế định Thừa phát lại để hỗ trợ người dân và cơ quan tài phán. Nhưng trọng tâm vẫn là hoạt động lập vi bằng và tống đạt, cũng như xác minh điều kiện thi hành án dân sự". Đại biểu HUỲNH THÀNH LẬP (TP Hồ Chí Minh)

"Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo còn những quy định nặng tính hành chính, có thể khiến cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo kiểu “xin - cho”, chưa quy định theo hướng Nhà nước bảo hộ cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung nội dung theo hướng Nhà nước bảo hộ cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để phù hợp tình hình thực tế và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước". Đại biểu LƯU THÀNH CÔNG (Vĩnh Long)

(Theo Nhân Dân)

Các tin khác
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Malaysia tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 27.

Chiều tối (20/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia để tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 27 và các Hội nghị cấp cao liên quan được diễn ra từ ngày 21-22/11.

Đại biểu Lê Văn Lai (tỉnh Quảng Nam) phát biểu ý kiến.

Chiều 20/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Nhiều đại biểu cho rằng công tác xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cần được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để giải quyết đầy đủ những vấn đề căn bản về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

YBĐT - Ngày 20/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội nghị báo cáo viên Tỉnh ủy tháng 11/2015 để thông tin về tình hình thời sự thế giới, trong nước và định hướng công tác tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Khánh Toàn - Phó trưởng Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chủ trì Hội nghị (ảnh).

YBĐT - Chiều 20/11, đoàn công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao do đồng chí Nguyễn Hải Phong - Phó viện trưởng Thường trực Viện Kiểm sát nhân dân tối cao làm trưởng đoàn đã lên thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục