Sức lan tỏa của mô hình “Dân vận khéo”
- Cập nhật: Thứ tư, 22/6/2016 | 9:32:13 AM
YBĐT - Qua hơn 3 năm, toàn thị xã đã xây dựng được 629 mô hình "Dân vận khéo" trên 7 lĩnh vực: xây dựng cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, giáo dục - đào tạo, văn hóa, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội và phát triển kinh tế nông nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ hướng tới nâng cao giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: Thu Trang)
|
Thôn Bản Vệ, xã Nghĩa An được chọn làm điểm thực hiện mô hình "Dân vận khéo" (DVK) xây dựng thôn bản văn hóa. Với 100% dân cư là dân tộc Thái, lại là thôn thuần nông nên xuất phát điểm xây dựng thôn bản văn hóa của thôn Bản Vệ gặp nhiều khó khăn.
Đồng chí Đồng Văn Nghĩa - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Vệ cho biết: “Để xây dựng thôn bản văn hóa, trước hết, các tiêu chí thôn bản văn hóa được đưa vào nghị quyết của Chi bộ. Từ nghị quyết, các tiêu chí được triển khai quán triệt tới từng đảng viên và hộ dân để thực hiện". Quá trình thực hiện, đảng viên phải gương mẫu đi đầu để thêm thuận lợi trong vận động nhân dân. Nhờ đó, năm 2006, thôn Bản Vệ đã được công nhận thôn bản văn hóa và duy trì, giữ vững từ đó đến nay.
Thôn Bản Xa, xã Nghĩa Lợi cũng là một thôn điển hình trong thực hiện mô hình DVK về vệ sinh môi trường. Anh Đồng Văn Thảo - Trưởng thôn Bản Xa cho biết: “Thôn đã đưa phong trào vệ sinh môi trường vào hương ước của thôn và được nhân dân đồng thuận, trong đó có qui định vào ngày 13 hàng tháng là bà con nhân dân trong thôn tập trung làm vệ sinh đường làng ngõ xóm, khu vực chăn nuôi… Đến nay, cơ bản đường làng ngõ xóm của thôn đều xanh, sạch, đẹp; chất lượng môi trường ngày càng nâng lên; 100% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; 113/117 hộ có nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi đạt chuẩn”.
Hiện nay, xã Nghĩa Lợi cũng chỉ đạo các hội, đoàn thể trong xã xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản về vệ sinh môi trường. Chi hội Phụ nữ thôn Chao Hạ 1 được chọn thực hiện mô hình "Phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường" với sự tham gia của 66 hội viên. Các hội viên tham gia tổ tự quản được tư vấn, phát tài liệu tìm hiểu về công tác vệ sinh môi trường và thực hiện công việc theo lịch được phân công hàng tháng.
Bà Hà thị Vân - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Lợi chia sẻ: “Mục đích xây dựng mô hình là để nâng cao nhận thức của chị em phụ nữ và nhân dân trên địa bàn về công tác vệ sinh môi trường và xây dựng làng du lịch cộng đồng xanh, sạch, đẹp, ấn tượng với du khách”.
Hơn 10 năm nay, xã Nghĩa Phúc duy trì tốt mô hình DVK "Xã không có tệ nạn ma túy". Trong số những biện pháp thực hiện mô hình, Nghĩa Phúc tập trung, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống tội phạm về ma túy cho các hộ dân; xây dựng các thôn, bản không ma túy; đưa tiêu chí không có người nghiện, người mắc tệ nạn ma túy thành một trong những tiêu chí xét thôn bản văn hóa, gia đình văn hóa; chỉ đạo công an xã nắm bắt tình hình thanh niên đi làm ăn xa, nắm bắt khẩu của các gia đình, các đối tượng đến và đi...
Đồng chí Lò Văn Phan - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Phúc cho biết: "Xây dựng xã không có tệ nạn ma túy đã khó, giữ vững còn khó hơn. Vì vậy, gắn với xây dựng các mô hình DVK trên lĩnh vực an ninh trật tự, Đảng ủy xã đã chọn và chỉ đạo thực hiện mô hình DVK duy trì và giữ vững “Xã không có tệ nạn ma túy”.
Hàng năm, tổ chức cho các hộ đăng ký, cam kết thực hiện gia đình không có ma túy; chỉ đạo các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân, hội viên, đoàn viên tích cực tham gia phòng chống tệ nạn ma túy, HIV/AIDS; tổ chức ký cam kết giữa các chi hội với đoàn thể, tổ chức mình; duy trì các câu lạc bộ, mô hình phòng chống tội phạm đã xây dựng; vận động nhân dân tích cực đấu tranh tố giác tội phạm, phát hiện người nghiện mới...”.
Thôn văn hóa Bản Vệ, xã không ma túy Nghĩa Phúc hay thôn Bản Xa giữ gìn vệ sinh môi trường… chính là những mô hình cụ thể trong những mô hình DVK được thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ. Đây cũng chính là kết quả trong thực tế cuộc sống của Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 14/8/2012 của Ban Thường vụ Thị ủy Nghĩa Lộ về tăng cường lãnh đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình DVK giai đoạn 2012 - 2015.
Đồng chí Lò Văn Vy - Trưởng ban Dân vận Thị ủy cho biết: "Quá trình triển khai Nghị quyết, Thị ủy đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các đảng ủy xã, phường, đặc biệt là cấp ủy chi bộ tổ dân phố, thôn, bản được chọn điểm xây dựng mô hình DVK; khuyến khích lựa chọn những mô hình DVK đối với những tổ dân phố, thôn bản gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ cơ sở cần tập trung tháo gỡ; đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền, mặt trận, đoàn thể, tạo sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và các lực lượng làm công tác dân vận".
Các mô hình làm điểm được Đảng ủy xã, phường thống nhất trên cơ sở rà soát, đánh giá tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đảng bộ, tập trung vào những lĩnh vực, những vấn đề còn nhiều khó khăn, hạn chế, chậm được khắc phục. Công tác tuyên truyền thực hiện các mô hình được thực hiện với nhiều hình thức, đã nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cơ quan, cán bộ, đảng viên về việc thực hiện các mô hình DVK nói riêng và công tác dân vận nói chung.
Việc thực hiện Nghị quyết được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2012 - 2013, mỗi xã, phường xây dựng 6 - 7 mô hình chỉ đạo điểm cấp thôn, bản, tổ dân phố trên các vấn đề trọng tâm, trọng điểm đã được định hướng, mỗi lĩnh vực xây dựng một mô hình. Mỗi đoàn thể và hội quần chúng đăng ký và tập trung chỉ đạo điểm 1 mô hình cấp thị xã (1 trong các lĩnh vực trọng điểm) liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và đối tượng đoàn viên, hội viên mà đoàn thể đó có thế mạnh. Sau 2 năm, Thị ủy đã tiến hành sơ kết triển khai thực hiện Nghị quyết, rút kinh nghiệm những việc đã làm được và chưa làm được, làm cơ sở đẩy mạnh thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2015.
Lãnh đạo Chi bộ và người có uy tín ở thôn Bản Vệ, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện mô hình “Dân vận khéo” xây dựng thôn bản văn hóa.
Qua hơn 3 năm triển khai Nghị quyết, toàn thị xã đã xây dựng được tổng số 629 mô hình trên 7 lĩnh vực: xây dựng cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, giáo dục - đào tạo, văn hóa, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội và phát triển kinh tế nông nghiệp. Lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng tiêu biểu là các mô hình: xây dựng đường giao thông nông thôn của hội viên Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân thị xã, đã vận động nhân dân mở rộng đường liên thôn, bản, đường nội đồng; Chi bộ thôn Nà Vặng, xã Nghĩa An, nhân dân 10 thôn, bản xã Nghĩa Lợi hiến đất làm đường…
Đến nay, kết cấu hạ tầng địa phương được đánh giá phát triển nhanh, 100% đường trục xã, phường, 85,3% đường trục thôn đã được bê tông hóa... Các mô hình trong lĩnh vực vệ sinh môi trường cũng hết sức được chú trọng xây dựng, thực hiện ở 7/7 xã, phường, góp phần xây dựng thị xã văn hóa.
Đến nay, tỷ lệ hộ khu vực nông nghiệp nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 67%; tỷ lệ dân cư dùng nước hợp vệ sinh đạt 95%; đường làng, ngõ xóm nơi thực hiện các mô hình phong quang, sạch đẹp hơn trước… Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp, đã thực hiện nhiều mô hình DVK vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Các mô hình tiêu biểu như trồng nấm sò, trồng ngô tím, nuôi bồ câu Pháp, trồng cà chua trái vụ, nuôi cá nước ngọt… góp phần quan trọng vào những kết quả sản xuất nông nghiệp của thị xã, nâng cao đời sống nhân dân. Hiện, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã đã hướng tới nâng cao giá trị, sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.
Hàng năm, toàn thị xã gieo cấy 100% diện tích đất sản xuất lúa, sản xuất vụ đông đạt 75% diện tích, cây ngô vụ đông đạt trên 400 ha, duy trì vùng lúa sản xuất hàng hóa 500 ha, giá trị thu nhập trên 1 ha đất 2 vụ lúa năm 2015 đạt 126 triệu (gấp 1,26 lần năm 2010); tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản trong sản xuất nông nghiệp đạt 30% năm 2015…
Đồng chí Hà Văn Nam - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Nghĩa Lộ đánh giá: "Việc thực hiện các mô hình DVK trong thời gian qua đã cho thấy, công tác dân vận hướng mạnh về cơ sở, mang lại những kết quả cụ thể, quan trọng trên nhiều mặt của đời sống xã hội, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, góp phần nâng cao chính cuộc sống của người dân. Đồng thời, qua thực hiện Nghị quyết 08 cũng đã phát hiện, bồi dưỡng được những cá nhân điển hình trong công tác dân vận. Để nuôi dưỡng phong trào DVK trong thời gian tiếp theo, cần tiếp tục xây dựng các mô hình thiết thực, phù hợp với đặc thù cơ sở; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận với phẩm chất, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn, hết lòng, hết sức với công việc để mỗi cán bộ làm công tác dân vận thực sự là một điển hình DVK, mỗi mô hình DVK là một điểm sáng để học tập, nhân rộng”.
Hạnh Quyên
Các tin khác
Lễ kỷ niệm 91 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2016) và lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ X năm 2015 đã diễn ra tối 21/6 tại Hà Nội.
YBĐT – Nhân kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2016), chiều 21/6, tại Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Yên Bái, đồng chí Phạm Duy Cường – Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Thông tin - Truyền thông đã đến thăm, tặng hoa và quà chúc mừng cán bộ, phóng viên, nhân viên các cơ quan báo chí của tỉnh.
YBĐT - Hơn lúc nào hết, hoạt động báo chí Yên Bái sẽ luôn giữ vai trò xung kích mở đường bằng công tác thông tin, tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng của Đảng bộ, trong mọi cuộc vận động cách mạng.
YBĐT - Tại buổi gặp mặt kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và trao Giải Báo chí Yên Bái năm 2016 do Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh tổ chức sáng 20/6, đồng chí Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã có bài phát biểu chỉ đạo và định hướng. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.