Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/2/2017 | 8:58:19 AM

Trước thềm Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20), diễn đàn tập hợp 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm 80% GDP và 75% thương mại toàn cầu, sẽ diễn ra tại Bonn (Đức) trong các ngày 16-17/2, Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng đã trả lời phỏng vấn báo chí, đánh giá về vai trò của G20 và quan hệ giữa Việt Nam với G20.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao G20 tại Seoul (Hàn Quốc), tháng 11/2010.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao G20 tại Seoul (Hàn Quốc), tháng 11/2010.

Theo Đại sứ, được thành lập năm 1999, sau cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ châu Á, G20 họp thường niên ở cấp bộ trưởng để thảo luận các vấn đề kinh tế-tài chính toàn cầu. Đến năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra, G20 quyết định họp thượng đỉnh nhằm khẳng định cam kết chính trị ở cấp cao nhất về phối hợp hành động ứng phó với khủng hoảng. Từ đó đến nay, G20 đã tổ chức 11 hội nghị thượng đỉnh.

Trong điều kiện rất phức tạp và khó khăn của kinh tế thế giới những năm qua, cùng với các thể chế quốc tế khác, G20 đã đóng góp tích cực vào việc tái lập và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu và thúc đẩy kinh tế thế giới vượt qua khủng hoảng thông qua phối hợp chính sách trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tài khóa, tiền tệ, cải cách hệ thống tài chính toàn cầu, thúc đẩy đầu tư và thương mại quốc tế…

Bên cạnh đó, G20 cũng triển khai nhiều sáng kiến, chương trình hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường nhằm hướng tới sự ổn định, bền vững của kinh tế toàn cầu như phát triển cơ sở hạ tầng, chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ các nước chậm phát triển, chống dịch bệnh, bình đẳng giới, chống tham nhũng… Có thể nói, kinh tế thế giới đã vượt qua được các thời khắc hiểm nghèo nhất và từng bước ổn định trở lại.

Đại sứ cho biết quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nền kinh tế thành viên G20 đang phát triển tốt đẹp. Hiện 10 thành viên G20 có quan hệ đối tác chiến lược và 2 thành viên có quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Các quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam với các thành viên G20 ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu và hiệu quả.

Việt Nam lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2010 trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thủ tướng Chính phủ đã đóng góp rất tích cực và hiệu quả vào tiến trình G20 năm 2010. Sau năm 2010, tuy không tham dự các hội nghị thượng đỉnh G20, nhưng Việt Nam vẫn luôn quan tâm theo dõi các chủ đề và trọng tâm nghị sự của G20; chủ động phối hợp với các nước và các tổ chức quốc tế thúc đẩy các vấn đề chung của quốc tế như ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực, thúc đẩy thương mại, đầu tư, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu…

Đại sứ nhấn mạnh năm 2017, Việt Nam lại được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và các hội nghị liên quan, nhưng với tư cách nước chủ nhà "Năm APEC 2017." Đây cũng là lần đầu tiên nước chủ nhà "Năm APEC" không phải là thành viên G20 được mời dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và như vậy là lần thứ 2 Việt Nam tham dự hội nghị thượng đỉnh G20. Đây là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm của Việt Nam tham gia bàn thảo và đóng góp vào các công việc quan trọng toàn cầu.

Đại sứ cho rằng việc Việt Nam được nước chủ nhà G20 - Đức, mời dự các hội nghị G20, trước hết là do các thành viên G20 nói chung và Đức nói riêng coi trọng và đánh giá cao vị trí, vai trò của APEC trong cấu trúc quản trị khu vực và toàn cầu, cũng như vai trò, vị thế và uy tín ngày càng cao, sự đóng góp đầy tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trong các công việc của khu vực và trên thế giới. Hơn nữa, điều này cũng thể hiện mối quan hệ tốt đẹp Việt-Đức và sự tin cậy của Đức đối với Việt Nam.

Theo Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, chủ đề và trọng tâm nghị sự xuyên suốt của hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay là “Định hình một thế giới kết nối."

Với chủ đề này và trên cơ sở kế thừa các kết quả đã đạt được tại các hội nghị thượng đỉnh G20 trong những năm trước, nghị sự của G20 năm nay ưu tiên 3 trọng tâm: Thứ nhất, tạo dựng nền tảng tự cường, theo đó các nước G20 sẽ thảo luận các chính sách, biện pháp củng cố hệ thống kinh tế-tài chính toàn cầu, thúc đẩy thương mại, đầu tư, đổi mới-sáng tạo, phát triển kinh tế số hóa và khoa học-công nghệ, cải cách cơ cấu… nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế;

Thứ hai, tăng cường tính bền vững, trong đó sẽ thảo luận các chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, chống biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải, chống dịch bệnh, y tế, an sinh xã hội…;

Thứ ba, tăng cường tính trách nhiệm, trong đó sẽ thảo luận các hành động cụ thể để thúc đẩy thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 (Agenda 2030) của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, hỗ trợ các nước châu Phi, hợp tác xử lý các thách thức di cư quốc tế, lao động- việc làm, bình đẳng giới…

Đại sứ nêu rõ chủ đề và trọng tâm nghị sự của G20 có nhiều điểm tương đồng với các ưu tiên của Việt Nam và APEC trong "Năm APEC 2017" như cùng hướng đến thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại và đầu tư; khuyến khích đổi mới-sáng tạo; hợp tác chống biến đổi khí hậu… Đây là cơ sở và cơ hội để thúc đẩy việc kết nối các trọng tâm nghị sự của APEC và G20 nhằm tăng cường phối hợp khu vực và toàn cầu trong xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu trong bối cảnh mới.

Đề cập tới Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao G20 sắp tới, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cho biết đây là một trong những hoạt động quan trọng của G20, góp phần tích cực chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7/2017.

Chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao G20 năm nay là “Định hình trật tự toàn cầu – chính sách đối ngoại vượt ra khỏi khuôn khổ quản lý khủng hoảng.” Với chủ đề này, hội nghị sẽ tập trung thảo luận 3 vấn đề: Thúc đẩy thực hiện Nghị sự 2030; Duy trì hoà bình trong bối cảnh mới; Hợp tác, hỗ trợ châu Phi. Đây đều là những vấn đề quan tâm của cộng đồng quốc tế, có tác động đến sự ổn định và phát triển bền vững ở nhiều quốc gia và khu vực.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao G20. Với phương châm chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm, căn cứ chủ đề và nội dung nghị sự của hội nghị, Việt Nam sẽ phối hợp với các nước thúc đẩy các vấn đề quan tâm chung của quốc tế như tăng cường các quan hệ đối tác, hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc; tăng cường hợp tác củng cố môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.

(Theo TTXVN)

Các tin khác
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao đổi về nhiệm vụ thời gian tới với cán bộ chủ chốt huyện Văn Yên

YBĐT - Tiếp tục chương trình công tác tại huyện Văn Yên, chiều 14/2, đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái do các đồng chí: Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hộii khóa XIV tỉnh Yên Bái; Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của huyện Văn Yên để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2017.

YBĐT - Nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017, ngày 14/2, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Yên Bái tổ chức buổi gặp mặt các cơ quan báo chí địa phương và cơ quan thường trú báo chí Trung ương và trên địa bàn.

YBĐT - Sáng 14/2, các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà dự ngày hội giao quân tại thành phố Yên Bái, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Dương Văn Thống dự lễ giao nhận quân tại huyện Trấn Yên, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy tiễn công dân lên đường nhập ngũ tại huyện Yên Bình.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND tỉnh ký kết Quy chế phối hợp công tác.

YBĐT - Chiều 13/2, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác, trao đổi thông tin giữa Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh với đơn vị. Đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh dự và chỉ đạo Hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục