Hướng tới kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017)

Giáo dục đạo đức nghề báo cần được đề cao

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/6/2017 | 6:00:26 AM

YBĐT - "Đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước", báo chí Việt Nam trong đó có Báo Yên Bái, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã có sự nỗ lực vươn lên phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Nhưng do tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, dẫn tới sự xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo chuyên nghiệp, bên cạnh đó là sự thịnh hành của mạng xã hội hiện nay, nên vấn đề giáo dục đạo đức nghề nghiệp của người làm báo chuyên nghiệp sao cho hiệu quả đang là vấn đề bức thiết.

Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn còn những cơ quan báo chí chưa thực hiện tốt các nguyên tắc cơ bản của báo chí cách mạng Việt Nam, đó là các nguyên tắc: tính Đảng, tính chân thật, tính quần chúng, tính chiến đấu. Xa rời Nguyên tắc tính Đảng chính là xa rời tôn chỉ, mục đích, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước dẫn tới một số cơ quan báo chí chưa làm tốt chức năng tư tưởng; chức năng tham gia quản lý, giám sát xã hội.

Vì sa vào khuynh hướng “thương mại hóa”, chạy theo thị hiếu tầm thường; trong thông tin còn sơ hở, thiếu sót, khiến các thế lực xấu lợi dụng, khai thác, xuyên tạc chống phá, trong khi công tác đấu tranh, phản bác các thông tin và luận điệu sai trái, thù địch của ta chưa thật sự sắc bén. Vi phạm nguyên tắc tính chân thật mà không ít cơ quan báo chí, nhà báo đã có những bài viết mang nội dung thông tin thiếu trung thực, chính xác, phản ánh một chiều về mặt trái của xã hội với quá nhiều những vụ việc tiêu cực, tệ nạn xã hội, gây dư luận bất an. Bên cạnh đó, báo chí thiếu quan tâm đến phát hiện, biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước.

Có hiện tượng lạm dụng nguyên tắc tính chiến đấu của báo chí và sức mạnh của công chúng, dư luận xã hội, vi phạm tính khách quan, tính chân thật của báo chí. Biểu hiện rõ nhất là một số nhà báo dùng danh nghĩa chống tiêu cực để thực hiện hành vi tiêu cực. Với những bằng chứng thu thập được dọa dẫm, tống tiền hoặc yêu cầu phải thực hiện những việc làm có lợi cho riêng cho tờ báo hoặc cá nhân nhà báo để ép các doanh nghiệp, đơn vị địa phương làm quảng cáo và viết bài theo hợp đồng thu tiền.

Có thể ví dụ ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có thời gian xuất hiện nhà báo của một báo ngành ở trung ương tới Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện và các trường lấy tư liệu viết bài, sau đó gửi hợp đồng của cơ quan báo tới đòi thanh toán tiền, khiến Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cùng các trường hết sức bức xúc.

Tính chân thật trong thông tin quảng cáo sản phẩm, thương hiệu không còn, do đăng phát một chiều, "thổi lên" vì lợi ích kinh tế cục bộ của cơ quan báo chí, hoặc vì lợi riêng của nhà báo, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, kinh tế của người tiêu dùng, giảm niềm tin trong nhân dân, vụ nước mắm vừa qua là một minh chứng.

Những tờ báo, hay cá nhân này đã vi phạm nguyên tắc tính quần chúng của báo chí cách mạng, không phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân mà chỉ phục vụ lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của tờ báo ấy bất chấp nguyên tắc tính chân thật.  

Vẫn còn những nhà báo không chịu đi cơ sở, chỉ dựa vào thông tin “chia sẻ” qua thư điện tử, lấy lại tin qua các trang mạng, hoặc ngồi tại chỗ điện thoại lấy số liệu viết bài, đưa tin, tùy tiện, bịa đặt hư cấu thêm, đưa tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục để câu khách, chạy theo xu thế thông tin nhanh, soi mói những chi tiết phản cảm, phi văn hóa để cạnh tranh.

Có tình trạng không phân định được ranh giới giữa quyền của báo chí. Báo chí thực hiện chức năng thông tin thời sự tới quảng đại quần chúng nhưng hiện nay có không ít nhà báo tự cho mình quyền phán xét đưa ra những câu "nên chăng" ngành chức năng phải thế này, "thiết nghĩ" ngành chức năng phải thế kia là đã lấn sân sang nhiệm vụ và trách nhiệm của ngành khác.

Có thể ví dụ: khi đường ở đâu tắc, báo chí có trách nhiệm thông tin, còn giải quyết thế nào thuộc cảnh sát giao thông và ngành giao thông. Thay vì câu thiết nghĩ phải làm thế này thế kia, phóng viên nên phỏng vấn giải pháp của ngành chức năng để giúp bạn đọc được mở rộng thông tin.

Tồn tại nữa là việc công khai xin lỗi, cải chính thông tin sai lệch, không chính xác của một số cơ quan báo chí chưa được thực hiện nghiêm túc. Vẫn có nhà báo ít đưa tin, viết bài phục vụ nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm xã hội với Đảng, Nhà nước và nhân dân mà chạy theo viết những gì có lợi trước mắt cho cá nhân, cố tình khai thác những chi tiết bất lợi, tiêu cực từ các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp để đăng, phát trên báo chí để rung, dọa.

Trong cơ chế thị trường sự cạnh tranh quyết liệt khiến một số doanh nghiệp dùng mọi thủ đoạn để hạ uy tín đối thủ. Có tình trạng báo chí bị lôi kéo viết ca ngợi doanh nghiệp này, bôi nhọ doanh nghiệp kia cạnh tranh thiếu lành mạnh khiến báo chí trở thành công cụ cho một nhóm lợi ích. Một vấn đề đáng lưu tâm nữa là hiện nay mạng xã hội phát triển, toàn dân đều có thể làm báo trên tất cả các trang mạng xã hội, trong khi người dân không nắm được đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của người làm báo, viết và đăng tải một cách vô tâm, vậy làm thế nào để mỗi người dân khi tham gia thông tin, viết báo đều nêu cao trách nhiệm xã hội tuân thủ đạo đức người làm báo, thực sự đang là trăn trở lớn của những người có trách nhiệm với nghề nghiệp với đất nước. 

Thực trạng trên cho thấy, sự xuống cấp đạo đức nghề báo do nhiều nguyên nhân. Trước hết nguyên nhân khách quan là do trong cơ chế thị trường, nhiều tờ báo luôn phải tăng lượng phát hành, tăng nguồn thu quảng cáo để tăng doanh thu, lợi nhuận. Các sai phạm về đạo đức nghề báo phần lớn do người làm báo không chịu được áp lực cạnh tranh thông tin, chạy theo doanh thu, bất chấp cả quy định của pháp luật, đạo đức nghề nghiệp để đưa thông tin nhanh, xem nhẹ nguyên tắc tính chân thật, tính quần chúng, thậm chí cả tính Đảng trong hoạt động báo chí.

Trước đây, khi Luật Báo chí 2016 chưa được công bố, nhiều quy định của pháp luật mà cụ thể là Luật Báo chí chưa được sửa đổi, bổ sung kịp với thực tiễn của hoạt động báo chí. Công tác chỉ đạo, định hướng của cơ quan quản lý báo chí các cấp đối với các cơ quan báo chí chưa sâu sát, kịp thời. Báo chí đang phát triển theo hướng thông tin nhiều, nhanh để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều đối tượng bạn đọc dẫn tới quy trình làm báo thay đổi ảnh hưởng tới chất lượng thông tin…

Không ít cơ quan báo chí chủ yếu là báo điện tử chạy đua thông tin để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của nhóm đối tượng công chúng nhất định và đặc trưng của mình, quản lý thông tin thiếu chặt chẽ, dẫn đến sai phạm. Các phương pháp tuyền truyền của báo chí cách mạng như tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể không còn được coi trọng.

Nguyên nhân chủ quan là do công tác lãnh đạo quản lý báo chí có lúc, có nơi bị buông lỏng. Cơ quan quản lý, lãnh đạo báo chí, hội nhà báo cơ sở, lãnh đạo một số cơ quan báo chí chưa thường xuyên chú trọng giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao trách nhiệm xã hội cho người làm báo. Nhiều nhà báo hành nghề nhưng thiếu ý thức nghề nghiệp, chưa nhận thức được trách nhiệm xã hội cao quý của người làm báo chân chính trước Tổ quốc, nhân dân, trước Đảng, Nhà nước nên dễ sa ngã, sa sút phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Cơ quan quản lý báo chí chưa quản lý chặt, xử lý nghiêm các vi phạm tôn chỉ, mục đích và nguyên tắc của báo chí.

Nhiều tờ báo gần đây chưa thực sự tuân thủ Luật Báo chí, không hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, đăng nhiều tin tức giật gân câu khách, hoặc đe dọa, xin xỏ quảng cáo tạo ra kẽ hở cho nhiều nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Để tăng sức cạnh tranh và tồn tại, phát triển trong cơ chế thị trường, nhiều cơ quan báo chí đã mở văn phòng đại diện, tuyển phóng viên thường trú, cộng tác viên. Nhưng trong tuyển dụng chưa quan tâm đến tư cách đạo đức, năng lực nghề nghiệp, thực tiễn công tác, tác nghiệp… Đa phần các nhà báo làm việc tại các cơ quan báo chí đều được đào tạo theo đúng chuyên ngành báo chí, chuyên sâu về nghiệp vụ, nắm vững cơ sở lý luận báo chí cách mạng, cũng như những qui định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.

Nhưng cũng có không ít nhà báo tốt nghiệp ở các chuyên ngành khác không phải báo chí được tuyển dụng vào làm báo, không nắm được các nguyên tắc cơ bản của báo chí cách mạng, cũng như quy định đạo đức nghề nghiệp, dẫn đến vẫn còn những người thiếu tư cách đạo đức, năng lực nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị được nhận vào làm báo.

Vẫn còn những nhà báo, kể cả lãnh đạo cơ quan báo chí chưa chú trọng tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi, nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị, nắm chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, dẫn tới không có nhãn quan chính trị, thiếu cẩn trọng trong tác nghiệp, kiểm duyệt xuất bản, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật làm suy giảm lòng tin của nhân dân với báo chí.

Báo chí nước ta đang phát triển mạnh nhưng cùng với đó, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đang có biểu hiện xuống cấp đáng ngại. Do vậy, những người làm báo, các cơ quan lãnh đạo và quản lý báo chí cần nắm vững và thực hiện tốt các nguyên tắc cơ bản của báo chí cách mạng Việt Nam và "Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam".

Các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí cần thường xuyên rà soát nhân sự, chú trọng tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí cũng như cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan báo chí; gắn đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá cán bộ với bố trí, bổ nhiệm, đề bạt và sử dụng cán bộ hợp lý sau đào tạo. Nâng cao dân trí, hạn chế tình trạng người dân thiếu thông tin bị nhà báo thiếu đạo đức gây bất an. Nâng cao dân trí chính là nâng cao sự giám sát, chọn lọc thông tin của công chúng, giảm thiểu cách làm báo thiếu trong sáng.

Cùng với nâng cao dân trí, việc tuyên truyền Qui định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và Luật Báo chí tới người dân của ngành chức năng cũng như các cơ quan báo chí là hết sức cần thiết. Khi đã nắm vững các qui định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và Luật Báo chí, người dân sẽ nâng cao trách nhiệm xã hội, biết điều hơn, lẽ thiệt cho đất nước, cho cộng đồng, dân tộc khi tham gia viết bài, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như mạng xã hội. Các cơ quan báo chí cũng cần thường xuyên bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên.

Cùng với các lớp bồi dưỡng chính quy, cơ quan báo chí cần tạo điều kiện cho các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Chi hội Nhà báo thường xuyên giáo dục cho đoàn viên, hội viên về đạo đức nghề báo và nâng cao vai trò giám sát, kiểm tra của các tổ chức này về đạo đức nghề báo.

Người đứng đầu cơ quan báo chí học chuyên ngành khác phải được đào tạo lại, nắm vững cơ sở lý luận báo chí, cũng như Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và Luật Báo chí; phải nêu gương trong giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên tạo điều kiện cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên trong cơ quan vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn vừa bảo đảm đạo đức nghề nghiệp.

Xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên vi phạm về đạo đức nghề báo để phòng ngừa, răn đe những trường hợp vi phạm khác có thể xảy ra. Mỗi cơ quan báo chí phải thường xuyên theo dõi, chấn chỉnh hoạt động của biên tập viên, phóng viên theo đúng pháp luật, đúng quy định về đạo đức, đúng các nguyên tắc tác nghiệp đã đề ra.

Ban Biên tập, các biên tập viên phải luôn sáng suốt trong chọn lựa tác phẩm, thẩm định chủ đề tư tưởng, phát hiện kịp thời sai sót trong từng tác phẩm báo chí để xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, cơ quan báo chí có thể thu nhận ý kiến phản hồi của công chúng về nhiều vấn đề qua đường dây nóng, Email tòa soạn... để xử lý kịp thời và chính xác các thông tin. Trong những thông tin đó có cả vấn đề liên quan đến đạo đức nhà báo trong quá trình tác nghiệp, trong quá trình giao tiếp xã hội khi đi cơ sở. Qua đó có thể theo dõi, giám sát phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi xấu, tiêu cực có thể xảy ra của cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên trong cơ quan.

Những năm gần đây, đề cao đạo đức người làm báo, cụ thể hóa một cách sát thực Qui định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Yên Bái đã phát động chủ trương "3 không" (Không hách dịch, dọa nạt - Không vòi vĩnh, xin tiền - Không say xỉn rượu, bia) đối với hoạt động tác nghiệp của phóng viên khi đi cơ sở. Thông qua các hình thức như sân khấu hóa, tọa đàm xoay quanh chủ đề "3 không" vào các dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, góp phần quan trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo. Báo Yên Bái tự hào về truyền thống chưa có nhà báo nào vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Như ta đã biết, mỗi nhà báo là một chiến sĩ xung kích trên mặt tư tưởng - văn hóa của Đảng, vì thế phải thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, không ngừng học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà báo cách mạng lão thành đi trước là nhiệm vụ thường xuyên. Đối tượng phục vụ chính của báo chí là nhân dân. Mỗi nhà báo phải luôn xác định hoạt động của mình là nhằm góp phần cải thiện đời sống dân sinh, nâng cao dân trí, phát huy dân chủ giúp người dân hiểu được quyền và trách nhiệm mình với đất nước tích cực góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Được như thế là nhà báo đã làm được điều cốt yếu nhất trong đạo đức nghề báo của một nhà báo chân chính. Một nhà báo có uy tín, có đạo đức nghề nghiệp sẽ được quần chúng đặt niềm tin, không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao năng lực chính trị, năng lực nghiệp vụ, và đạo đức cách mạng, tạo cơ sở để nâng cao trách nhiệm xã hội, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp giúp các nhà báo vững vàng hơn trong tác nghiệp.

Báo chí cách mạng Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ, bên cạnh những cái được vẫn còn những tồn tại; giáo dục đạo đức báo chí không chỉ dành riêng cho người làm báo và các cơ sở đào tạo báo chí, cơ quan báo chí mà cần phổ biến rộng rãi trong toàn xã hội, từ người làm báo chuyên nghiệp đến các cộng tác viên và mỗi công dân, bảo đảm thông tin trên báo chí và mạng xã hội tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề báo, để không xâm hại đến lợi ích của quốc gia, cộng đồng, công dân và toàn xã hội.

                                                                       Bùi Minh Đức

Các tin khác

YBĐT - Thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2017, nằm trong khung diễn tập điểm, “1 bên, 3 cấp” tỉnh Yên Bái năm 2017, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Yên Bình đã tham mưu giúp Thường trực Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo và tổ chức cuộc diễn tập chiến đấu phòng thủ cho thị trấn Yên Bình.

YBĐT - Rút kinh nghiệm công tác tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh và tổ chức Lễ khai mạc Năm Du lịch Yên Bái 2017/ Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà làm việc với các ngành, địa phương/ UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 5/ Khai mạc Bảng I - vòng loại Giải Bóng đá Thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2017… là những thông tin đáng chú ý.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng hoa các điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017.

Trong lời phát biểu tại buổi lễ khai mạc Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 1-5-1952 ở Việt Bắc, Bác Hồ nói: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ Tuyên dương

Sáng 10-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu tại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017, Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục