Công đoàn Yên Bái: 70 năm - chặng đường vẻ vang
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/6/2017 | 10:37:53 AM
YBĐT - Năm 1944 tỉnh Yên Bái đã có tổ chức Công đoàn (CĐ) với hình thức Hội Ái hữu Đề pô xe lửa Yên Bái. Đầu năm 1947, Đảng bộ tỉnh Yên Bái phân công đồng chí Nguyễn Tiến Lãng làm Trưởng ban Công vận để phát triển thêm công đoàn cơ sở (CĐCS).
Công nhân Công ty cổ phần Lâm nông sản, thực phẩm Yên Bái gia công giấy vàng mã xuất khẩu. (Ảnh: S.N)
|
Ngày 28/7/1947 Đại hội Liên hiệp CĐ tỉnh Yên Bái lần thứ Nhất được tổ chức tại thị xã tỉnh lỵ. Đại hội bầu đồng chí Nguyễn Tiến Lãng làm Chánh Thư ký liên hiệp CĐ tỉnh. Sự ra đời của Liên hiệp CĐ tỉnh đã đánh dấu mốc son quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với sự hình thành và phát triển của tổ chức CĐ tỉnh Yên Bái.
Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, CĐ tỉnh luôn động viên công nhân, lao động phát huy bản chất tốt đẹp của giai cấp công nhân Việt Nam, hăng hái tham gia bảo vệ chính quyền cách mạng, tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trang sử hào hùng
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, CĐ tỉnh tập trung chỉ đạo CĐCS, động viên công nhân tích cực tham gia phục vụ kháng chiến. Với khẩu hiệu hành động: “Sống bám cầu bám đường”, “Xe chưa qua ta chưa về”… mặc dù dưới mưa bom đạn lửa của kẻ thù, mạng lưới thông tin vẫn được bảo đảm từ Việt Bắc sang Tây Bắc.
Bấy giờ Bến phà Âu Lâu qua sông Hồng ở thị xã Yên Bái là đoạn đường huyết mạch lên Tây Bắc, Máy trưởng Phạm Trung Tốn cùng các thủy thủ là đoàn viên CĐ, đã nêu cao tinh thần dũng cảm đưa hàng trăm chuyến phà chở vũ khí, lương thực, thực phẩm, cán bộ, chiến sỹ qua sông.
CĐ Vận tải sông Thao đã sáng kiến tháo rời những khẩu pháo, đóng bè mảng vận chuyển trên sông Hồng từ Mông Tự (Trung Quốc) về Bến phà Âu Lâu phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tổ chức CĐ và công nhân cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ (7/5/1954). CĐ Vận tải sông Thao được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba.
Ngay sau hòa bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Yên Bái, lực lượng công nhân, CĐ tỉnh đã tiến hành cải tạo và phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cơ sở vật chất đi lên Chủ nghĩa xã hội. Từ giữa năm 1965 trở đi, đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá hai thị xã Nghĩa Lộ và Yên Bái, CĐ tỉnh tập trung chỉ đạo CĐCS phối hợp với các lực lượng chuyển hàng trăm máy móc, tài sản, tài liệu về nơi sơ tán an toàn, bí mật. Mặt khác, tổ chức phong trào công nhân với khẩu hiệu hành động: “Địch đến là đánh - Địch đi lại sản xuất”, “Địch phá ta sửa, ta đi”; hay các phong trào: “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”…
Với tinh thần kiên cường, tự vệ Nhà máy Cơ khí Yên Bái, Nhà máy Z1… sẵn sàng bắn trả máy bay Mỹ. Nhiều CĐCS như: Lâm trường Việt Hồng, Hạt Giao thông Nghĩa Lộ… đã có 100% thanh niên đăng ký tòng quân. Nhiều nữ công nhân đảm nhận phần việc nặng nhọc trong lao động sản xuất để nam giới lên đường đánh Mỹ. Chặng đường 1965 - 1975 CĐ tỉnh tăng nhanh về số lượng CĐCS. Phong trào công nhân là lực lượng nòng cốt phát triển kinh tế - xã hội, đưa Yên Bái tiến lên trong giai đoạn cách mạng mới, giai đoạn cùng cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chi viện cho cách mạng miền Nam đánh Mỹ, thống nhất Tổ quốc.
Tháng 10/1977, Nhà nước điều chỉnh quản lý địa giới hành chính; CĐ ba tỉnh Yên Bái - Nghĩa Lộ - Lào Cai hợp nhất thành CĐ tỉnh Hoàng Liên Sơn. Tháng 10/1991 CĐ tỉnh Yên Bái được tái lập khi tỉnh Hoàng Liên Sơn tách thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Trong suốt chiều dài lịch sử, CĐ tỉnh Yên Bái đến nay đã qua 18 kỳ đại hội.
Dấu ấn trên chặng đường đổi mới
Trên 30 năm (1986 - 2017) thực hiện đường lối của Đảng, đã có nhiều thời cơ, thách thức đan xen, tác động đến phong trào công nhân viên chức lao động (CNVC-LĐ) và hoạt động CĐ. Vị thế của tổ chức CĐ được nâng lên khi quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức CĐ được Nhà nước luật hóa trong Luật CĐ, Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH)…
Ngày 28/1/2008, Nghị quyết số 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, tạo luồng gió mới thổi vào phương thức hoạt động CĐ trong cả nước. Tuy vậy, trong bước chuyển đổi cơ chế, nhiều doanh nghiệp nhà nước ở Yên Bái không thích ứng được phải giải thể, phá sản. Hàng nghìn lao động phải nghỉ việc hưởng trợ cấp một lần.
Thời kỳ 2004 - 2009 do tác động cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, công nhân các doanh nghiệp thiếu việc làm, nợ đọng BHXH kéo dài… Để vượt lên khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, CĐ tỉnh Yên Bái đã khơi dậy sức mạnh nội sinh, đổi mới phương thức hoạt động hướng về cơ sở, lấy CNVC-LĐ làm đối tượng vận động.
Do đó tổ chức CĐ, đội ngũ CNVC-LĐ không ngừng tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng ngày một nâng cao. Ngày ấy, CĐ tỉnh Yên Bái có khoảng 10 CĐCS, vài trăm đoàn viên. Hiện giờ CĐ tỉnh Yên Bái quản lý và chỉ đạo 6 ban chuyên đề, 7 CĐ ngành, 9 CĐ cấp huyện, 9 CĐ phòng giáo dục; tổng số đoàn viên CĐ là 40.458 người, sinh hoạt tại 1.064 CĐCS thuộc các thành phần kinh tế.
Phong trào CNVC-LĐ và hoạt động CĐ tỉnh Yên Bái phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Mỗi cấp CĐ đều phát huy vai trò đại diện, vừa chủ động, vừa tăng cường phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và thực hiện chế độ chính sách cho CNVC-LĐ. Đồng thời, tư vấn giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động. CĐ các doanh nghiệp thiết lập quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, không để xảy ra tranh chấp lao động tập thể, tạo môi trường lành mạnh thu hút các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.
CĐ các cấp tăng cường các hoạt động xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và tầng lớp nhân dân. Tiêu biểu như các hoạt động: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Mái ấm công đoàn”, “Tấm lưới nghĩa tình”…
Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã có nhiều nội dung, hình thức phù hợp với từng cơ sở, đối tượng. Gần đây, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được CĐ các cấp chỉ đạo xuyên suốt trong hoạt động CĐ. Điểm nhấn trong công tác tuyên truyền là vào “Tháng Công nhân”, “Tháng an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ”...
Để chuyển hóa từ nhận thức đến việc làm, CĐ tỉnh đã sân khấu hóa qua các hội thi: “Cán bộ CĐ giỏi”, “Cán bộ nữ công giỏi”, “An toàn vệ sinh viên giỏi”, “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, “BHXH với người lao động”… Phong trào thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ phát triển đều khắp ở mỗi cơ sở, tạo môi trường lành mạnh trong đời sống CNVC-LĐ. Dù còn khó khăn, CNVC-LĐ luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước.
Trong phong trào thi đua yêu nước, CĐ tỉnh luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tổ chức các phong trào thi đua với các chủ đề: “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, “Thi đua phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn”, Phong trào “Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”. Chủ đề thi đua còn phù hợp với từng ngành nghề: nữ CNVC-LĐ với Phong trào “Giỏi việc nước - đảm việc nhà”; ngành giáo dục và đào tạo thi đua “Dạy tốt - học tốt”…
Hàng năm đã có nhiều cá nhân, tập thể được hội đồng thi đua các cấp khen thưởng. Năm 2013, CĐ tỉnh Yên Bái vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Phong trào CNVC-LĐ và hoạt động CĐ ở Yên Bái không ngừng phát triển về lượng và chất, đã khẳng định vai trò, năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ CĐ. Thấm nhuần lời dạy của Bác “Cán bộ là gốc của mọi công việc…”, thời gian qua, Đảng đoàn CĐ tỉnh Yên Bái luôn thực hiện đúng quy trình về công tác cán bộ: tuyển chọn - đánh giá - đào tạo - bồi dưỡng - luân chuyển - bổ nhiệm, đảm bảo công khai, dân chủ.
Hiện nay đội ngũ cán bộ CĐ chủ chốt cấp cơ sở có 1.980 người; số cán bộ CĐ chuyên trách là 76 người đều qua đào tạo. Cán bộ CĐ là nhân tố quan trọng phát triển và xây dựng CĐCS vững mạnh gắn với xây dựng cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở Đảng trong sạch - vững mạnh.
70 năm qua, CĐ tỉnh đã khơi dậy sức mạnh nội sinh xây dựng và trưởng thành. Đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo của Tỉnh ủy và sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sự phối hợp đồng bộ của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh, đặc biệt là sự tạo điều kiện của các cơ quan, doanh nghiệp cho CĐCS hoạt động có hiệu quả.
Thời gian tới, CĐ tỉnh Yên Bái tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ CNVC-LĐ, khắc phục những hạn chế, không ngừng xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp CNH-HĐH, thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, tỉnh mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Phí Quang Thái
Các tin khác
YBĐT - Sau một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc (từ ngày 22/5 đến ngày 21/6), Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.
YBĐT - Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Yên Bái (30/6/1945 – 30/6/2017), sáng 30/6, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đến thăm và tặng quà các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ trên địa bàn thành phố Yên Bái.
YBĐT - Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Yên Bái (30/6/1945 - 30/6/2017), sáng 30/6, Đoàn đại biểu đại diện Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể do đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã tới dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh.
Theo Đặc phái viên TTXVN, chiều 29/6 theo giờ địa phương (tối cùng ngày theo giờ Hà Nội), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 28/6-1/7, tại Điện Kremlin ở thủ đô Moskva, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp hẹp và hội đàm với sự tham gia của Đoàn đại biểu cấp cao hai nước.