Thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược là quyết tâm của cả hai nước Việt Nam và Australia
- Cập nhật: Thứ tư, 14/3/2018 | 2:02:25 PM
Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới Australia và dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia từ ngày 14-18/3, hãng Fairfax Media đã phỏng vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về quan hệ hai nước. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
|
Hãng Fairfax Media: Năm 2015, cả Việt Nam và Australia đều cho biết sẽ thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, xin Ngài Thủ tướng cho biết khi nào sẽ diễn ra sự kiện đó? Và nó có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ hai nước? Xin Thủ tướng chia sẻ những biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ ngoại giao và quốc phòng giữa hai nước?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đây là quyết tâm của cả hai nước Việt Nam và Australia. Trong chuyến thăm chính thức Australia lần này, tôi và Ngài Thủ tướng Malcolm Turnbull (Man-côm Tơn-bun) sẽ ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Australia, tạo khuôn khổ chính trị và pháp lý để nâng tầm quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ hai nước, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới và đưa hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất, đáp ứng lợi ích của người dân hai nước, đồng thời đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Đặc biệt sự kiện này diễn ra vào thời điểm hai nước đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 20 năm thiết lập quan hệ quốc phòng.
Để đưa quan hệ phát triển tương xứng với tính chất chiến lược, hai nước cần tiếp tục củng cố và mở rộng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Riêng trong trụ cột chính trị - ngoại giao và quốc phòng-an ninh, tập trung vào những nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục củng cố tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc ở các kênh và các cấp, nhất là các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao. Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh chuyến thăm của Toàn quyền Australia tới Việt Nam vào tháng 5/2018 và coi đây là một hoạt động đối ngoại quan trọng của năm 2018. Đồng thời rà soát, thúc đẩy thực hiện hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có, trên cơ sở đó xem xét nâng cấp hoặc thiết lập cơ chế mới để trao đổi, tham vấn các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế quan trọng, mang tính chiến lược.
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là ASEAN, APEC, ASEM, Liên hợp quốc…, phối hợp triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); đồng thời tăng cường hợp tác trong các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực và các vấn đề cùng quan tâm như giảm đói nghèo, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững…
Thứ ba, về quốc phòng - an ninh, hai bên cần triển khai tích cực hợp tác đa dạng trên nhiều lĩnh vực theo các thỏa thuận đã đạt được; duy trì hiệu quả các cơ chế hợp tác; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, chống khủng bố, chống buôn người, an ninh mạng, an ninh nguồn nước; đồng thời tích cực tham vấn, ủng hộ nhau tại các cơ chế hợp tác khu vực về quốc phòng - an ninh như ADMM, ADMM+, ARF.... Việt Nam đánh giá cao và mong muốn Australia tăng cường trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo tiếng Anh, huấn luyện lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Hãng Fairfax Media: Trong số các nước ASEAN, Việt Nam đang trở thành thị trường xuất khẩu phát triển nhanh nhất của Australia. Xin Ngài Thủ tướng chia sẻ những đánh giá của mình về cơ hội cho doanh nghiệp Australia?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Australia thời gian qua có những bước phát triển mạnh mẽ. Hiện nay Australia là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam với kim ngạch gần 6,5 tỉ USD năm 2017. Tuy nhiên tiềm năng hợp tác giữa hai nước và cơ hội cho các doanh nghiệp Australia kinh doanh và đầu tư vào Việt Nam còn rất lớn.
Thứ nhất, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực. Trong năm 2017, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,81%, cao nhất trong 10 năm gần đây. Đồng thời với vị trí địa chiến lược tại khu vực, duy trì ổn định chính trị, quy mô thị trường gần 100 triệu dân với thu nhập 2400 USD/người và ngày càng tăng…, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, với việc quyết tâm đẩy mạnh cải cách kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam đang ngày càng cải thiện. Nhiều chỉ số kinh tế như chỉ số Môi trường kinh doanh (DB 2018 của WB) tăng 14 bậc, chỉ số Năng lực cạnh tranh (GCI 2018 của WEF) tăng 5 bậc đang tạo ra sân chơi hấp dẫn, minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Thứ ba, là một nền kinh tế có tính mở cao với kim ngạch thương mại 2017 đạt 425 tỷ USD tương đương 190% GDP, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng và toàn diện. Việt Nam hiện đang thực hiện và đàm phán 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, mở ra nhiều cơ hội mới cho hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác, trong đó có Australia. Việc hai nước cùng triển khai FTA ASEAN – Australia và New Zealand và ký Hiệp định CPTPP ngày 08/3/2018 vừa qua sẽ giúp khơi thông luồng thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Trong bối cảnh đó, việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược sẽ mang đến những cơ hội mới cho doanh nghiệp của hai nước. Với ưu thế về vốn, kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm quản lý, các doanh nghiệp Australia có thể tranh thủ cơ hội này để mở rộng kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực Australia có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu như công nghệ cao, chế tạo, chế biến, năng lượng thân thiện môi trường…
Hãng Fairfax Media: Việt Nam là một trong những nền kinh tế hưởng lợi chính từ TPP, nhưng một số lợi ích đó đến từ cải cách kinh tế để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của bản thỏa thuận ban đầu. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi TPP, điều này khiến Hiệp định mới, nhìn chung là có những tiêu chuẩn thấp hơn ban đầu, vậy xin Ngài Thủ tướng cho biết Việt Nam có tiếp tục đưa ra các phương án cải cách kinh tế hay không?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việc cải cách kinh tế là quyết sách, là nhu cầu Đổi mới và phát triển của chính Việt Nam dù có hay không có TPP. Mặc dù không có sự tham gia của Hoa Kỳ, CPTPP vẫn là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, độ mở lớn, cân bằng lợi ích các bên, mang tính toàn diện và tiến bộ, là "hình mẫu” cho hợp tác, liên kết kinh tế khu vực trong bối cảnh bảo hộ mậu dịch xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng tôi coi việc tham gia các FTA, trong đó có CPTPP, sẽ tạo thêm động lực để cải cách. Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách và tạo dựng sân chơi bình đẳng, môi trường kinh doanh thuận lợi gắn với việc thực thi nghiêm túc và đầy đủ các cam kết về tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mở cửa thị trường.
Hãng Fairfax Media: Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Australia lần này, xin Ngài Thủ tướng cho biết đánh giá về tiềm năng phát triển của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Australia thời gian tới?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sau khi nâng cấp lên Đối tác chiến lược năm 2014, quan hệ ASEAN - Australia đã được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị-an ninh, kinh tế-thương mại-đầu tư đến văn hóa-xã hội và hợp tác phát triển. Tuy nhiên, dư địa và tiềm năng hợp tác ASEAN - Australia còn rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực sau:
Thứ nhất, ASEAN và Australia cần tiếp tục khẳng định cam kết cao nhằm duy trì liên kết kinh tế ở khu vực. Theo đó, triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Australia - New Zealand (AANZFTA), một khuôn khổ toàn diện với mức tự do hóa cao lần đầu tiên được ASEAN ký với các đối tác và trong tương lai sẽ có Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Thứ hai, trong kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt, hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực như doanh nghiệp mới khởi nghiệp, kết nối doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, đóng góp vào đa dạng hóa chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu...
Thứ ba, hai bên chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề mang tầm chiến lược, do đó có thể đẩy mạnh hợp tác, xây dựng lòng tin, cùng kiến tạo một cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch và thu nạp, trong đó các diễn đàn hợp tác do ASEAN chủ trì với các đối tác, trong đó có Australia là khuôn khổ quan trọng để thúc đẩy các nỗ lực theo hướng này.
Thứ tư, hợp tác ứng phó với các thách thức phi truyền thống như khủng bố, cực đoan, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… là những lĩnh vực ASEAN và Australia có lợi ích chung, cần quan tâm thúc đẩy với mục tiêu đem lại cuộc sống bình yên và an toàn cho người dân.
Các tin khác
Ngay sau khi rời New Zealand, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân và Đoàn cấp cao Việt Nam đã lên đường thăm chính thức Australia.
YBĐT – Sáng 14/3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi đua - khen thưởng năm 2017, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 và phát động phong trào thi đua hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018), kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ lên thăm Yên Bái (25/9/1958 – 25/9/2018).
YBĐT- Thực hiện Kế hoạch số 63-KH/ĐUK, ngày 06/02/2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Yên Bái về tổ chức Hội thi tìm hiểu, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ, Ban Tổ chức Hội thi ban hành Thể lệ vòng thi chung kết Hội thi như sau:
Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ, chúng ta nên gọi sự kiện Gạc Ma là: "Trận chiến bảo vệ Trường Sa 1988”.