Ngay sau bài phát biểu khai mạc của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, các đại biểu, chuyên gia trung ương và địa phương đã tập trung đánh giá, phân tích về thực trạng sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh Yên Bái, nhận diện những lợi thế so sánh của địa phương cũng như những khó khăn, thách thức cần vượt lên trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Các chuyên gia cho rằng sau 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Yên Bái đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng. Yên Bái đã xây dựng được hệ thống quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch sản phẩm nông lâm nghiệp, quy hoạch nông thôn mới gắn với ban hành bộ cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới một cách căn cơ, đồng bộ, toàn diện.
Hội thảo đã có 17 ý kiến tham gia của các đại biểu, trong đó có 11 ý kiến của các chuyên gia đến từ các cục, vụ, viện thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Đặc biệt, tỉnh cũng đã xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng, có thương hiệu, gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Tuy nhiên, nông nghiệp và nông thôn của tỉnh Yên Bái vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế bất cập trước yêu cầu của giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn hiện nay. Ông Bùi Quang Vinh - nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cốt lõi để thành công trong việc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp là yếu tố thị trường.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng kinh tế nông nghiệp và nông thôn Yên Bái thời gian qua đã và đang phát triển dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng tiểu vùng sinh thái gắn với các điều kiện giao thương và kinh tế - xã hội của tiểu vùng để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, có giá trị gia tăng cao.
Mặc dù Yên Bái là một tỉnh có tiềm năng về các sản phẩm nông sản chất lượng đặc thù nhưng chỉ số ít trong đó được xây dựng thương hiệu dưới các hình thức khác nhau. Điều này đã làm giảm khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường của nhiều loại nông sản. Nhiều sản phẩm có tiềm năng về chất lượng đặc thù chưa được xây dựng thương hiệu; nhiều thương hiệu được xây dựng dưới dạng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý chưa được hoặc ít được đưa vào khai thác, sử dụng; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm ổn định đầu ra cho các sản phẩm còn rất hạn chế.
Hội thảo cũng tập trung đánh giá hiện trạng, tồn tại, tiềm năng và những giải pháp phát triển sản xuất lúa hàng hóa, cây có múi, chè, dâu tằm, cây dược liệu; hiện trạng, tồn tại, tiềm năng và những giải pháp phát triển sản xuất lâm nghiệp, phát triển sản xuất chăn nuôi, thủy sản hiệu quả, bền vững phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái.
Các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Về phát triển lâm nghiệp, Giáo sư Phạm Văn Điển - Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng mục tiêu phát triển của lâm nghiệp Yên Bái là đúng nhưng việc tiếp cận mục tiêu còn theo số lượng và theo đầu vào. Để có thể phát triển lâm nghiệp một cách hiệu quả, tỉnh Yên Bái nên đi theo hướng phát triển lâm nghiệp môi trường và lâm nghiệp bảo tồn có khai thác đối với rừng tự nhiên và lâm nghiệp khai thác lâm sản thân thiện với môi trường đối với rừng trồng.
Cùng với đó, các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đánh giá về thực trạng, tiềm năng và những giải pháp phát triển sản xuất chè hàng hóa hiệu quả, bền vững phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; thực trạng và giải pháp sản xuất dâu tằm hiệu quả và bền vững tại Yên Bái; công tác phát triển cây dược liệu tại Yên Bái; giải pháp phát triển sản xuất lúa hàng hóa phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
17 ý kiến tham gia của các chuyên gia trung ương, các địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh đã tập trung đi sâu phân tích, đánh giá hiện trạng, những vấn đề còn tồn tại và tiềm năng để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh Yên Bái gắn với xây dựng nông thôn mới như: định hướng xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Yên Bái gồm sản xuất lúa gạo, chè hàng hóa, cây ăn quả có múi, dâu tằm...; làm thế nào để xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách khoa học gắn với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu; vấn đề tiêu thụ lâm nông sản thực phẩm từ rừng trồng gắn với phát triển nông nghiệp bền vững; bảo tồn nguồn gen dược liệu và phát triển nguồn gen có giá trị kinh tế ở tỉnh; định hướng và mô hình phát triển mới của lâm nghiệp Yên Bái...
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng Yên Bái là tỉnh đa dạng điều kiện tự nhiên, khí hậu, văn hóa, giàu tài nguyên. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế. Tỉnh đã hình thành các vùng quế, chè, cây ăn quả; đã xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng, có thương hiệu, gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ.
Tuy nhiên việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất còn hạn chế. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng với tỉnh xem xét, rà soát lại từng vấn đề và sẽ giúp tỉnh xây dựng các đề án, dự án để phát huy tiềm năng thế mạnh, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đến các doanh nghiệp, góp phần giúp tỉnh Yên Bái thực hiện tốt mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Những vấn đề đã được các chuyên gia thảo luận, phân tích tại Hội thảo là những cơ sở khoa học, thực tiễn quan trọng để UBND tỉnh Yên Bái đánh giá một cách toàn diện hiện trạng phát triển ngành nông nghiệp và công tác xây dựng nông thôn mới của tỉnh; xác định rõ hơn các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng cần thực hiện trước mắt và lâu dài nhằm cơ cấu lại, đưa ngành nông nghiệp của tỉnh Yên Bái phát triển một cách bền vững, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngay sau Hội thảo này, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp thu đầy đủ các nội dung của Hội thảo để có những tham mưu cho tỉnh trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp đã được các đại biểu thảo luận, phân tích tại Hội thảo, bổ sung vào dự thảo Nghị quyết về cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 để trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết nghị, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 sẽ được tổ chức vào tháng 7/2018.
Mạnh Cường