Những năm gần đây, công tác phòng chống tham nhũng được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm và chỉ đạo rất quyết liệt. Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Ðại hội XII đến nay, nhiều vụ việc, nhiều cán bộ, đảng viên liên quan đến tham nhũng đã được điều tra làm rõ, kỷ luật và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Điển hình như vụ ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, do mắc nhiều sai phạm đã bị khởi tố, điều tra đưa ra xét xử lĩnh án tới 30 năm tù. Điều đó khẳng định sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, không loại trừ bất cứ một ai.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định "Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”. Điều này cho thấy quan điểm không phân biệt giữa những người giữ các vị trí khác nhau dù đương chức hay đã nghỉ hưu nếu vi phạm pháp luật đều bị xử lý.
Từ các vụ việc được công khai và xử lý nghiêm minh trong thời gian qua, ông Đinh Văn Tôn, ở huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La cho rằng, giữa lời tuyên bố, ý kiến phát biểu với việc thực thi phòng, chống tham nhũng của Ðảng rất chặt chẽ, thống nhất, "nói đi đôi với làm”. Ông Tôn kỳ vọng Ðảng, Nhà nước sẽ tiếp tục xử lý nghiêm những cán bộ có hành vi tham nhũng, làm cho bộ máy chính quyền trong sạch, để nhân dân tin tưởng hơn và đất nước ngày càng phát triển hơn.
"Chống tham nhũng từ Trung ương cho đến huyện, không chỉ riêng đảng viên tin tưởng, mà cả quần chúng nhân dân rất hoan nghênh, tin tưởng. Mong các đồng chí Trung ương chỉ đạo xuống dưới chặt chẽ, cụ thể, sâu sát hơn nữa và xử lý kiên quyết, nhanh chóng hơn nữa”- ông Đinh Văn Tôn nói.
Ông Lê Thanh Tùng, ở thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau mong muốn, Ðảng, Nhà nước, các cấp, các ngành tập trung thể chế hóa các quy định sao cho chặt chẽ, không để các đối tượng có hành vi tham nhũng lách luật.
"Tôi nhận thấy công tác phòng chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước làm rất quyết liệt trong thời gian qua. Những vụ tham nhũng lớn được đưa ra xét xử và làm rất công khai, quyết liệt và đã có kết quả. Chúng tôi mong muốn sắp tới có quy định chống tham nhũng sao cho những người có chức vụ họ sợ tham nhũng, không dám tham nhũng. Tạo được chế tài nghiêm, từng bước tham nhũng sẽ giảm”- ông Lê Thanh Tùng chia sẻ.
Thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp. Ông Trần Văn Đại ở phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho rằng, chưa bao giờ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng lại mạnh mẽ, quyết liệt như hiện nay, nhưng cần phải khắc phục tình trạng "trên nóng dưới lạnh”.
"Đúng như Tổng Bí Thư đã nói trong chống tham nhũng ở Việt Nam là không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ. Qua những vụ án vừa qua, cũng như xử lý từ UVBCT có vi phạm nhân dân rất yên tâm. Quan điểm chống tham nhũng của Đảng và nhà nước rất đúng và trúng. Tuy nhiên nhân dân mong rằng Đảng và Nhà nước chỉ đạo ráo riết và làm mạnh đến cả cấp địa phương.”- ông Trần Văn Đại nói.
Để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, cần kiểm soát tài sản cá nhân, kê khai tài sản cụ thể minh bạch, tài sản phải được kiểm soát và chứng minh. Trong trường hợp không chứng minh được tài sản cần có nhưng giải pháp xác minh cụ thể. Thu hồi tài sản tham nhũng có tác dụng làm triệt tiêu động cơ kinh tế của tội phạm tham nhũng, qua đó ngăn chặn, đầy lùi tình trạng tham nhũng làm trong sạch bộ máy nhà nước, tạo dựng niềm tin của nhân dân.
(Theo VOV)