73 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946 - 6/1/2019)

  • Cập nhật: Thứ bảy, 5/1/2019 | 2:57:47 PM

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 đã khai sinh Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trải qua 73 năm hình thành và phát triển, Quốc hội đã ngày càng khẳng địhh vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày 05/01/1946, hàng nghìn người Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Ảnh: Tư liệu
Ngày 05/01/1946, hàng nghìn người Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Ảnh: Tư liệu

Nhớ về ngày tổng tuyển cử đầu tiên

Ngày 03/9/1945, chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị 1 trong 6 nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là "tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội.

Ngày 08/9/1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 14/SL về việc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Tiếp đó, ngày 17/10/1945, Chính phủ ký Sắc lệnh số 51/SL quy định thể lệ Tổng tuyển cử.

Để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện chủ trương "thống nhất, thống nhất và thống nhất”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh quyết định mời tất cả những người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử. Hành động này chứng tỏ, Chính phủ và Việt Minh luôn tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, tôn trọng người có tài, đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, thiện tâm, thiện chí vì quyền lợi tối cao của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”.

Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 06/01/1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân Việt Nam từ Bắc đến Nam, trên khắp mọi miền của Tổ quốc nô nức tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối, góp phần mang đến sự thành công cho cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946.

Trong đợt bầu cử, cả nước, số cử tri tham gia bỏ phiếu là 89%, trong khi đó theo quy định của Điều 56 Sắc lệnh số 51 về thể lệ Tổng tuyển cử, chỉ cần một phần tư (1/4) số cử tri có quyền bầu cử đi bầu cử thì cuộc bầu cử đã có giá trị. Cuộc Tổng tuyển cử bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái; có 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số.



Nhân dân lao động thủ đô cũng hòa vào không khí ngày bầu cử, treo cờ đỏ sao vàng, băng rôn cổ động. Ảnh Tư liệu

Sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên mang nhiều ý nghĩa, không những là sự hợp pháp hóa, chính đáng hóa quyền lực của Nhà nước mà còn là giải pháp mang tính gốc rễ, căn bản để giải quyết những mâu thuẫn, xung đột giai cấp, đảng phái trong điều kiện hòa bình.

Cuộc Tổng tuyển cử vĩ đại đầy ý nghĩa đó thắng lợi do có sách lược ứng phó khéo léo: Giương cao ngọn cờ đoàn kết, tất cả vì mục tiêu độc lập dân tộc với những giải pháp "dĩ bất biến, ứng vạn biến” đầy nghệ thuật, không phải sử dụng bạo lực trong điều kiện "chưa bao giờ trên đất nước ta có nhiều kẻ thù đến thế”.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại.

Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - Nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.


Cử tri ngoại thành Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I ngày 06/01/1946. Ảnh Tư liệu

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đồng thời, đó cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, là "Kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.

Số báo đặc biệt của Quốc hội ra ngày Tổng tuyển cử. Ảnh Tư liệu

Cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 là một sự kiện lịch sử trọng đại, mở đầu cho quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới; là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội, một thiết chế dân chủ, trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. 73 năm đã trôi qua, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu.

Tổng tuyển cử đầu tiên và sự ra đời của Quốc hội ghi dấu vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại phiên họp ngày 30/10/1946, Quốc hội đã chuẩn y "đề nghị suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh là người công dân thứ nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sự hoạt động, lãnh đạo toàn dân của Quốc hội là một trong những nhân tố quan trọng khởi đầu tạo nên mọi thắng lợi của cách mạng nước ta.


Sau tổng tuyển cử, nhân dân đã bầu ra 333 đại biểu Quốc hội trong số hàng nghìn người ứng cử và đề cử. Trong đó, Bắc Bộ có 152 người, Trung Bộ 108 và Nam Bộ 73. Có 10 đại biểu nữ. Ảnh Tư liệu

Trải qua 73 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trong đó, hoạt động lập pháp ngày càng được quan tâm, quy trình nâng cao chất lượng của các văn bản luật, pháp lệnh nhằm từng bước hoàn thiện, hệ thống pháp luật phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, bảo đảm việc thực hiện quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, góp phần củng cố, xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

(Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội)

Các tin khác
Các chiến sỹ Quân khu 9 tiêu diệt quân Pol Pot đến gây tội ác ở Phú Cường, xã An Nông, huyện Bảy Núi (An Giang), ngày 19/1/1978.

Nhân dịp "40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979-7/1/2019), trân trọng giới thiệu chùm 2 bài viết mang tính toàn cảnh về sự kiện bi thương nhưng vô cùng anh dũng này.

Quân tình nguyện Việt Nam ở mặt trận Campuchia.

Trong chiến tranh biên giới Tây Nam đã có biết bao cán bộ, chiến sĩ Việt Nam và Campuchia hy sinh hoặc để lại một phần máu, thịt của mình ở chiến trường.

Tăng cường đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc đường lối, chủ trương, pháp luật của Nhà nước. Đây là một nhiệm vụ quan trọng của báo chí. Ảnh minh họa: congluan.vn

Ngày nay, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh chống phá Đảng, Nhà nước ta trên tất cả các mặt trận từ đường lối lãnh đạo của Đảng, Hiến pháp đến pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của các cơ quan báo chí cách mạng hiện nay.

YBĐT - Chiều 4/1/2019, đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái để kiểm tra, giám sát, đôn đốc và chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương. 



Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục