Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau một ngày làm việc nghiêm túc, xem xét kỹ lưỡng những nội dung phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 30. Đây là phiên họp đầu tiên để triển khai chương trình công tác năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để tiếp tục chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), đồng thời hoàn thiện 3 dự thảo nghị quyết để ký ban hành.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 chỉ còn hơn 1 tuần chuẩn bị cho Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (dự kiến trong hai ngày là 20-21/2/2019), sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tiến hành Phiên họp thứ 32 (dự kiến từ ngày 11-15/3/2019), với rất nhiều nội dung quan trọng cần nghiên cứu sâu, xem xét kỹ lưỡng.
Thời gian chuẩn bị cho hai phiên họp này ngắn, vì vậy Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành khẩn trương, tích cực phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai những công việc theo kế hoạch, tránh chậm trễ trong việc chuẩn bị các nội dung của phiên họp hoặc phải rút nội dung ra để dồn phiên họp sát vào kỳ họp của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội theo dõi đôn đốc việc chuẩn bị, bảo đảm chất lượng, tiến độ các nội dung cho phiên họp tiếp theo.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã đi qua hơn nửa chặng đường với nhiều kết quả ấn tượng. Để góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ của năm 2019, yêu cầu cần phải nỗ lực, quyết liệt hơn nữa để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là tồn tại về tiến độ gửi báo cáo và chất lượng chuẩn bị cho các nội dung; nỗ lực cải tiến cách thức chuẩn bị và tiến hành để đảm bảo rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả phiên họp. Mỗi phiên họp tiến hành không quá 5 ngày.
Trước đó chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua việc điều chỉnh địa giới hành chính hai xã của huyện Hồng Ngự và thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; việc nhập đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương.
Thành lập thị trấn đầu tiên của huyện Hồng Ngự
Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH biểu quyết tán thành việc thành lập thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; sáp nhập 2 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ đề xuất thành lập thị trấn Thường Thới Tiền trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính 2 xã Thường Thới Tiền và Thường Phước 2. Thị trấn Thường Thới Tiền được thành lập trên cơ sở điều chỉnh 1,43 km2 diện tích tự nhiên và 2.651 nhân khẩu của xã Thường Phước 2 nhập vào xã Thường Thới Tiền. Đồng thời, cũng điều chỉnh 16,16 km2 diện tích tự nhiên và 507 nhân khẩu của xã Thường Thới Tiền nhập vào xã Thường Phước 2. Tuy phần diện tích của xã Thường Phước 2 được sát nhập vào có số dân lớn hơn so với phần diện tích của xã Thường Thới Tiền, nhưng Chính phủ đề xuất để tên thị trấn như nêu trên. Bởi lẽ, nhân dân, Đảng bộ và chính quyền huyện Hồng Ngự đã nhất trí đặt tên thị trấn là thị trấn Thường Thới Tiền.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng khẳng định, việc thành lập thị trấn Thường Thới Tiền trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính hai xã Thường Thới Tiền và Thường Phước 2 đã bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Đề án thành lập thị trấn Thường Thời Tiền đã được lấy ý kiến cử tri xã Thường Thới Tiền và xã Thường Phước 2, với kết quả cử tri tán thành cao (97,64% và 100%). Kết quả lấy ý kiến cử tri của 2 xã đã được đăng tải công khai trên Trang thông tin điện tử của Chính phủ. Đề án đã được HĐND tỉnh Đồng Tháp, Hội HĐND huyện Hồng Ngự, HĐND xã Thường Thới Tiền và HĐND xã Thường Phước 2 tán thành thông qua. "Trên địa bàn huyện Hồng Ngự hiện chưa có thị trấn. Việc thành lập thị trấn Thường Thới Tiền sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa theo quy hoạch được duyệt và nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp. Tiêu chuẩn và điều kiện để thành lập thị trấn Thường Thới Tiền bảo đảm đạt theo quy định của pháp luật. Hồ sơ Đề án đáp ứng đúng yêu cầu theo quy định của pháp luật. Qua thảo luận, một số ý kiến thành viên Ủy ban đề nghị cơ quan trình Đề án giải trình, làm rõ về việc cần chuyển hơn một nửa diện tích đất nông nghiệp cùng với 3,3% số dân của xã Thường Thời Tiền sang xã Thường Phước 2 (chuyển nhiều đất nhưng chuyển rất ít dân), có thể dẫn đến tình trạng người dân của thị trấn Thường Thới Tiền (sau khi thành lập) khiếu kiện về việc thiếu đất để sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt. Tuy nhiên, đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, người dân khu vực Nam Bộ có thói quen sống ở một nơi, làm việc ở một nơi, nên sẽ không làm xáo trộn đời sống của người dân xã Thường Phước 2.
Thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương
Theo Tờ trình của Chính phủ về sáp nhập 2 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập TP Chí Linh, Hải Dương, trong thời gian qua, triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25.10.2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo rà soát các tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính cấp xã tại thị xã Chí Linh. Qua rà soát nhận thấy, xã Kênh Giang không đạt cả về tiêu chí diện tích và dân số, nên phải tiến hành sáp nhập vào xã Văn Đức (xã giáp ranh). Việc sáp nhập 2 xã này nhằm tạo điều kiện tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, phát triển; góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.
Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, việc thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập TP Chí Linh, Hải Dương đều bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ngoài ra, các xã Văn Đức, Cổ Thành, Đồng Lạc, An Lạc, Tân Dân và Hoàng Tiến đã đạt 4/4 tiêu chuẩn thành lập phường theo quy định tại Điều 8 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Thị xã Chí Linh đã đạt 5/5 tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Hồ sơ, thủ tục đề nghị sáp nhập 2 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập TP Chí Linh, Hải Dương đã đáp ứng đủ theo quy định.
Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật nêu rõ, việc sát nhập 2 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập TP Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương là cần thiết, phù hợp với quy hoạch chung, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên một địa bàn được đô thị hóa cao, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nhưng để các cơ quan, tổ chức và địa phương có thời gian tiến hành chuẩn bị, kiện toàn tổ chức, thay đổi tên gọi, con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới được thành lập, Ủy ban Pháp luật đề nghị Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần quy định rõ hiệu lực thi hành từ 1/3/2019, thay vì không quy định như dự thảo được Chính phủ trình.
(Theo Công Lý)