Phó Đức Chính sinh năm 1907, ở làng Đa Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông là con út của một gia đình có 4 anh chị em. Còn nhỏ, ông học hai năm chữ Hán ở trường làng, sau đó ông lên học ở trường huyện Văn Giang, rồi về Hà Nội học trung học ở Trường Bưởi. Đến năm 1925, ông Phó Đức Chính thi đỗ Trường Cao đẳng Công chính.
Những năm tháng học ở Hà Nội, ông ở trọ nhà người bác họ là Phó Đức Sinh. Người bác sau này nhiều lần kể lại với con cháu là Phó Đức Chính đã có lòng căm thù thực dân từ thời còn học sinh. Hồi ấy, trên bức tường ở sân thượng, ông vẽ một khuôn mặt thực dân và sáng nào tập thể dục, cậu học trò Phó Đức Chính cũng đấm vào khuôn mặt đó.
Tháng 12/1927, Phó Đức Chính tham gia Việt Nam Quốc dân đảng (VNQDĐ). Ông là Trưởng ban tổ chức, là cánh tay đắc lực của Nguyễn Thái Học, một lãnh tụ ưu tú của VNQDĐ. Ngày 25/11/1929, các lãnh tụ của VNQDĐ triệu tập hội nghị tại làng Võng La, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, để phân công lực lượng khởi nghĩa ở từng khu vực. Nhưng hội nghị đang họp thì bại lộ do tên Đội Dương phản bội.
Đội Dương cùng mấy tên mật thám định ám sát Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính. Nhưng ý đồ của hắn không thực hiện được vì nhân dân Võng La đã cảnh giác, kịp thời báo tin khi chúng chưa qua bến đò Trung Hà.
Nhận được tin, nhân dân Võng La nhanh chóng đưa quần áo và mang theo cày bừa, dắt trâu bò ra đồng cho họ, giả thành người nông dân đang làm ruộng. Khi ra tới đồng, tất cả nhanh chóng trả lại đồ cải trang cho dân và tản đi theo hướng an toàn.
Riêng ông Phó Đức Chính bị thương nên đã được nhân dân giấu kín trên gác rơm. Sau khi chúng rút, nhân dân Võng La đã đưa ông Chính về nơi an toàn. Mấy ngày sau, giặc Pháp quay trở lại, chúng về làng Võng La đốt cháy 128 ngôi nhà, thiêu rụi lũy tre bao quanh làng. Chúng bắt đi 47 người, đưa về nhà tù Phú Thọ đánh đập, tra tấn dã man.
Trong đó có 8 người con của Xuân Lộc tham gia VNQDĐ bị án khổ sai chung thân, đưa đi đày ở Côn Đảo... Hiện nay ở làng Võng La, Nhà nước cho xây "Bia lịch sử” ghi dấu sự kiện ấy ở giữa làng.
Sau sự kiện trên, các lực lượng của VNQDĐ quyết định khởi nghĩa ở các tỉnh Bắc Bộ vào đêm 9/2/1930. Nơi nổ súng đầu tiên là Yên Bái. Nghĩa quân đã tập trung tại một khu rừng gần thị xã để nghe Phó Đức Chính diễn thuyết và phân phát khí giới.
Nhưng vì chuẩn bị không được kỹ nên cuộc khởi nghĩa đã thất bại. Phó Đức Chính được phân công về chỉ huy đánh chiếm thành Sơn Tây nhưng ông và đồng sự bị giặc Pháp vây bắt tại làng Nam An, huyện Tùng Thiện vào sáng 15/2/1930.
Sau đó, giặc đưa ông về giam ở Hỏa Lò, Hà Nội. Nguyễn Thái Học cũng bị Pháp bắt vào ngày 20/2/1930 tại Chí Linh, Hải Dương. Đến rạng sáng 17/6/1930, Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính và 11 chiến sỹ bước lên đoạn đầu đài tại pháp trường Yên Bái, vốn là sân trại lính. 13 người lần lượt lên máy chém. Phó Đức Chính là người duy nhất đòi được nằm ngửa và không bịt mắt.
Ông đã kịp hô "Việt Nam vạn tuế” vào giây phút cuối của cuộc đời. Phút giây thiêng ấy là 5 giờ 35 phút sáng 17/6/1930. Năm đó, Phó Đức Chính tròn 23 tuổi. Khu tượng đài 13 liệt sỹ nay thuộc phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái, đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử. Trên tượng đài đứng giữa là hình tượng Nguyễn Thái Học và bên cạnh là Phó Đức Chính.
B.T