Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số hóa, internet, truyền thông số, mạng xã hội phát triển bùng nổ đã có tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến phương thức làm báo và phương thức tác nghiệp của nhà báo.
Phát triển báo chí đa phương tiện trong thời kỳ công nghệ
Chưa bao giờ việc tiếp cận thông tin và truyền tin lại có thể dễ dàng và nhanh chóng như hiện nay. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, một tài khoản mạng xã hội, bất cứ ai cũng có thể trở thành người truyền tin mọi lúc, mọi nơi mà không bị giới hạn bởi địa giới hành chính hay lãnh thổ quốc gia.
Để theo kịp sự phát triển của xã hội, báo chí buộc phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và nhu cầu thưởng thức ngày càng đa dạng của công chúng, việc phát triển theo hướng đa phương tiện đang trở thành xu hướng tất yếu của nhiều cơ quan báo chí, truyền thông hiện nay.
Phát triển báo chí đa phương tiện giúp cơ quan báo chí có nhiều sản phẩm đa dạng cùng một lúc, giúp truyền tải một cách chân thực và sinh động các sự kiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của công chúng.
Báo chí hiện đại không đơn giản chỉ là những con chữ riêng biệt mà còn tích hợp nhiều hình ảnh, thông tin đồ họa… với cách trình bày ấn tượng, thu hút người đọc.
Nhưng điều này cũng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ người làm báo khi không chỉ phải đầu tư công sức cho phần nội dung mà còn phải am hiểu công nghệ để có được một bài báo có hình thức hấp dẫn.
Thậm chí, để có một bài báo hoàn chỉnh, người làm báo sẽ phải thực hiện cùng một lúc nhiều kỹ năng như viết tin, bài, chụp ảnh, quay phim…
Và các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp truyền thông cũng buộc phải thay đổi quy trình sản xuất, đổi mới phương thức kinh doanh để thích nghi với tình hình mới.
Cạnh tranh cũng là cơ hội để đổi mới
Sự bùng nổ công nghệ đã tạo ra một thế giới phẳng, cũng như "biển thông tin” đa dạng.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích, giá trị to lớn về nhiều mặt thì sự hỗn độn thông tin trong đó có cả các thông tin xấu, độc, giả đã và đang gây nên nhiều hệ lụy đối với xã hội.
Đồng thời, bùng nổ công nghệ cũng đặt báo chí vào cuộc đua thông tin, cạnh tranh khốc liệt với truyền thông xã hội.
Trong cuộc đua ấy, đã có những tờ báo đã không còn giữ được chức năng cơ bản của báo chí; không giữ được những nguyên tác tác nghiệp căn bản là "đúng, trúng, hay” mà chạy theo mạng xã hội với những thông tin câu view tầm thường.
Nhưng nhìn ở khía cạnh khách, thách thức cũng tạo ra cơ hội để đổi mới. Hàng loạt động thái của các cơ quan báo chí trong thời gian qua đã cho thấy sự chuyển mình rõ rệt.
Nhiều tờ báo đã thích ứng nhanh với xu hướng mới, làm chủ công nghệ, tạo nên những sản phẩm báo chí có chất lượng.
Nhiều tòa soạn đã tận dụng chính mạng xã hội như một mảnh đất tốt để đưa các sản phẩm báo chí chính thông đến người đọc, người xem, qua đó, khẳng định được giá trị, vị trí của mình thông qua những bài báo chân thực, chính xác, sâu sắc, kịp thời.
Đây chính là cơ hội để báo chính thống có điều kiện phát triển, nâng cao sức cạnh tranh để người đọc, người nghe, người xem tin cậy tìm đến.
Khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế trong thời đại kỹ thuật số
Xã hội càng phát triển, báo chí càng có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống. Đó vừa là niềm vinh dự lớn, nhưng cũng đặt ra những yêu cầu và trách nhiệm nặng nề đối với những người làm báo, đặc biệt là trong bối cảnh truyền thông xã hội đang ngày một nở rộ và có thể gây nên những hệ lụy khó lường.
Trong bài viết "Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam", đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, chỉ rõ: "Bài học từ những cuộc "cách mạng màu” cho thấy không thể chủ quan, lơ là mà cần phải chủ động nhận diện, ngăn chặn kịp thời những nhân tố lợi dụng truyền thông xã hội để tác động đến ổn định chính trị, xã hội từ nhiều hướng, nhiều cách thức khác nhau.
Yêu cầu ấy đòi hỏi phải nhìn nhận đúng về truyền thông xã hội ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực, nhận diện và quản lý những tác nhân gây ảnh hưởng để bảo vệ, phát huy những giá trị tiến bộ được xã hội thừa nhận, đồng thời hạn chế, đẩy lùi, triệt phá những tác động tiêu cực bằng những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ và hiệu quả."
Đồng thời, "phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng của báo chí trong thông tin tích cực. Báo chí cách mạng cần khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế của mình trong thời đại kỹ thuật số.
Dòng thông tin tích cực của báo chí vẫn phải là dòng thông tin chủ lưu với thông tin chất lượng, chính xác, kịp thời, khách quan, là bộ lọc đáng tin cậy về mọi vấn đề xã hội, dư luận quan tâm."
Có thể nói, đây là lúc rất cần sự tỉnh táo của báo chí bằng những bài phản biện, phản hồi, phân tích có lý, có tình để công chúng nhận thức được bản chất vấn đề, tránh bị cuốn vào vòng xoáy nhiều khi mang tính cực đoan của mạng xã hội.
Để làm được điều đó, báo chí và người làm báo cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa bản lĩnh chính trị, năng lực nghiệp vụ và trình độ công nghệ.
(Theo Vietnam+)