Bịt khoảng trống pháp lý
Trên cơ sở quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Bộ Nội vụ đã dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị định của Chính phủ, quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc áp dụng một số quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ.
Cụ thể, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định đối với cán bộ có 4 hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.
Tuy nhiên, hiện nay trong các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy (như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương) chỉ quy định về bãi nhiệm mà không có quy định về hành vi vi phạm, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với các trường hợp xử lý bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ cấp xã.
Bộ Nội vụ cho rằng, điều này tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn trong công tác xử lý kỷ luật cán bộ, chưa bảo đảm nguyên tắc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và nguyên tắc xử lý kỷ luật Đảng không thay thế xử lý kỷ luật hành chính.
Vấn đề này, Bộ Nội vụ thống nhất việc bổ sung quy định xử lý cán bộ trong Nghị định để giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn thực hiện; đồng thời, cũng nhằm mục đích thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Sai phạm nghiêm trọng đều là cán bộ lãnh đạo
Về cách thức quy định, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện vẫn còn 2 loại ý kiến khác nhau. Trong đó, loại ý kiến thứ nhất, đề nghị chỉ quy định việc áp dụng các quy định của Nghị định này để xử lý kỷ luật đối với "một số trường hợp” cán bộ có hành vi vi phạm mà pháp luật và điều lệ chưa quy định, không bổ sung quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử lý kỷ luật, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật riêng đối với đối tượng là cán bộ.
Loại ý kiến này cho rằng, nếu bổ sung quy định riêng đối với đối tượng là cán bộ đang công tác tại các cơ quan dân cử thì về kỷ luật đối với đội ngũ cán bộ sẽ phân hóa thành hai cơ chế riêng. Pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính cũng đã có quy định riêng đối với hình thức bãi nhiệm đối với các chức danh do bầu cử, nếu quy định ở Nghị định này sẽ khó bảo đảm nhất quán.
Bên cạnh đó, người giữ các chức danh do bầu cử hoạt động chuyên trách đều là đảng viên, do đó thông thường sẽ thực hiện quy định kỷ luật Đảng trước, chính quyền sau. Khi đó, đã có hình thức xử lý kỷ luật Đảng, kết luận của cơ quan có thẩm quyền và việc xử lý kỷ luật hành chính cần đơn giản về trình tự, thủ tục.
Còn loại ý kiến thứ hai, lại đề nghị quy định cụ thể các nội dung về xử lý kỷ luật đối với tất cả cán bộ có hành vi vi phạm (bao gồm cả cán bộ công tác trong hệ thống đảng, đoàn thể, chính quyền) để bảo đảm thống nhất.
Dự thảo Nghị định được Bộ Nội vụ xây dựng và trình Chính phủ thể hiện theo phương án 1. Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định áp dụng xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác. Đồng thời bổ sung nguyên tắc xử lý kỷ luật hành chính đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của người đã nghỉ việc, nghỉ hưu được thực hiện sau khi có quyết định xử lý kỷ luật về Đảng.
Lý giải về quy định này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, hầu hết các vị trí lãnh đạo trong hệ thống Đảng, đoàn thể, chính quyền các cấp hiện đều là đảng viên. Những sai phạm nghiêm trọng hầu hết đều ở những người đã từng giữ vị trí lãnh đạo và vì vậy, việc giới hạn kỷ luật hành chính sau khi kỷ luật Đảng đối với đối tượng này là cần thiết, bảo đảm tính răn đe và phù hợp với quy định của Đảng.
(Theo TPO)