Cả nước có khoảng 3.948 loại dược liệu thiên nhiên có thể sử dụng làm nguyên liệu thô để chế biến các loại thuốc đông y. Theo Cục Quản lý Dược Việt Nam, mỗi năm Việt Nam sử dụng gần 100.000 tấn dược liệu, nhưng có tới 80% trong số đó phải nhập khẩu. Đó là sự bất hợp lý rất lớn giữa nhu cầu và nguồn cung cấp dược liệu ở Việt Nam, trong khi nước ta có tiềm năng lớn về các cây thuốc và bài thuốc đông y từ ngàn đời nay để chăm sóc sức khỏe cho người Việt.
Được sự tài trợ bởi Phái đoàn liên minh Châu Âu (EU) thông qua Dự án "Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc Nam” (2017- 2021), năm 2018, Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái (YENBAI CDSH) đã tiến hành khảo sát về cây thuốc, bài thuốc tại 4 tỉnh, thành phố là Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La và Hà Nội.
Dữ liệu được thu thập qua khảo sát tập trung vào các cây thuốc nam và vùng trồng cũng như các bài thuốc đông y chữa được những bệnh không lây nhiễm tại 4 tỉnh/thành trên và được đưa lên diễn đàn trực tuyến cây thuốc nam này tại địa chỉ https://diendancaythuocnam.com.
Mục tiêu của Diễn đàn tạo ra sự tham gia của nhiều bên, nhằm mục đích tăng cường sự minh bạch thông tin về các vùng thuốc nam và bài thuốc đông y, từ đó cung cấp, phổ biến thông tin về vùng trồng cây thuốc nam và các bài thuốc đông y có tiềm năng phát triển thị trường.
Tiến sỹ Đào Thị Ngọc Lan - Giám đốc YENBAI CDSH trao đổi: "Qua Diễn đàn, chúng tôi muốn tạo không gian tương tác, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường các mối quan hệ hợp tác đa chiều giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị cây thuốc nam để thực hiện các ý tưởng hợp tác kinh doanh, kết nối thị trường các sản phẩm từ cây thuốc nam và thực hiện các sáng kiến về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, thúc đẩy quan hệ đối tác và xây dựng mạng lưới cho các bên có cùng mối quan tâm và sở thích cụ thể để phát triển thuốc Nam phục vụ mục tiêu chăm sóc sức khỏe”.
Được biết, với 9 chủ đề tương tác chính trên Diễn đàn, trong năm qua đã có 233 bài viết và thu hút gần 33.000 lượt truy cập trang đã tạo điều kiện để mọi người tham gia có những thông tin và kiến thức bổ ích về kinh nghiệm sử dụng cây thuốc nam, các bài thuốc đông y tốt trong chăm sóc sức khỏe.
Có thể kể đến bài thuốc chữa sỏi thận của lương y Hà Thị Thoa ở thôn Gốc Quân, xã Đông Cuông (Văn Yên); bài thuốc thoái hóa đốt sống cổ, lưng của tác giả Nguyễn Văn Tơ ở thôn Ngòi Cát, xã Cảm Ân (Yên Bình); bài thuốc Bổ gan, mát gan, hạ men gan, tăng cường chức năng giải độc gan của tác giả Hoàng Ngọc Ly ở thôn 1, xã Đồng Khê (Văn Chấn)...
Đoàn cán bộ xã và người dân ở một số địa phương của tỉnh Yên Bái tham quan mô hình trồng Cà gai leo ở huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Diễn đàn cũng là nơi để Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái bước đầu hình thành một chủ đề trao đổi về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội để phổ biến trong các cuộc trao đổi của các doanh nhân, các tác giả và diễn giả xung quanh những quan điểm về chủ đề này.
Qua đó góp phần tư vấn, phản biện và giám định xã hội, hình thành chuỗi giá trị đối với cây thuốc nam, thúc đẩy quan hệ đối tác và xây dựng mạng lưới cho các bên có cùng mối quan tâm và sở thích cụ thể để phát triển thuốc nam phục vụ mục tiêu chăm sóc sức khỏe.
Một trong những thành công quan trọng của dự án cũng như Diễn đàn là liên kết được nhóm nông dân trồng thuốc nam ở 4 xã: Đông Cuông, Mậu Đông của huyện Văn Yên; Cảm Ân, Bảo Ái, huyện Yên Bình với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc Đông y - Hợp tác xã Dược liệu Thanh Sơn Yên Bái.
Mối liên kết tạo nên quan hệ giữa người nông dân trồng thuốc với cơ sở sản xuất thuốc, giúp người trồng thuốc theo tiêu chuẩn VietGAP, theo nguyên tắc thực hiện sản xuất, sơ chế các sản phẩm trồng trọt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng sản phẩm. Đảm bảo sức khỏe và an toàn lao động đối với người sản xuất; bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
Cây trồng của dự án là cây cà gai leo, dược liệu có tác dụng đặc biệt trong hỗ trợ điều trị viêm gan B, hạ men gan do gan bị tổn thương, làm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh gan như đau tức hạ sườn, vàng da, mệt mỏi… đã được đề cập tới trong các y văn y học cổ truyền Việt Nam.
Sản phẩm cà gai leo của người dân được doanh nghiệp bao tiêu, tạo thu nhập ổn định cho người nông dân trồng thuốc; doanh nghiệp được cung cấp nguồn dược liệu sạch ổn định.
Với những kết quả bước đầu, Dự án "Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam” đã và đang tạo ra bước phát triển mới đối với thị trường thuốc nam và người trồng thuốc nam ở Yên Bái, nhất là đảm bảo tốt hơn việc thu hái, nuôi trồng sử dụng dược liệu sạch trong chăm sóc sức khỏe.
Từ 962 thành viên tham gia hiện có, diễn đàn kỳ vọng sẽ phát triển và trở thành một hệ sinh thái cho các doanh nghiệp mới thành lập trong ngành dược liệu, bao gồm cả khởi nghiệp cho các nhà kinh doanh, nhà sản xuất - phân phối dược phẩm mới hoặc là sự khởi đầu cho chuỗi giá trị thảo dược mới hình thành.
Qua diễn đàn, sự trao đổi giữa những người làm công tác nghiên cứu, các nhà khoa học, nhà kinh doanh, nhà sản xuất, nhà đầu tư và các tổ chức xã hội có liên quan trên diễn đàn sẽ không bị hạn chế vì Việt Nam đang trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.
Với sự hưởng ứng tích cực của các thành viên trên diễn đàn tại địa chỉ https://diendancaythuocnam.com của YENBAI CDSH sẽ góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của thuốc nam, kinh nghiệm sử dụng các cây thuốc và bài thuốc đông y từ ngàn đời nay trong chăm sóc sức khỏe cho người Việt, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cơ bản cho người dân Yên Bái.
Minh Quang