Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, phiên họp diễn ra trong thời điểm các địa phương, bộ, ngành đang tổ chức đại hội đảng bộ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung hoàn thành toàn bộ chương trình phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, về cơ bản, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã phối hợp chặt chẽ, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và hoàn thiện nội dung để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp. Đây là phiên họp chuẩn bị cho Kỳ họp thứ mười, kết thúc sát ngày khai mạc Kỳ họp thứ mười của Quốc hội. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau khi kết thúc mỗi nội dung, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ cần khẩn trương phối hợp nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện, chỉnh lý hồ sơ các báo cáo, các dự thảo nghị quyết, các dự thảo luật để kịp trình Quốc hội.
Sau khi nghe Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành hoạt động giám sát "Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên" với sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó trưởng đoàn Đoàn giám sát của Ủy bạn Thường vụ Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày tóm tắt báo cáo của Đoàn giám sát; nghe ý kiến phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội-Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Phan Xuân Dũng.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả thực hiện các FTA trong thời gian qua. Việc tham gia FTA là đúng đắn, kịp thời, phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa; tăng cường sự đan xen lợi ích trong mối quan hệ với các đối tác, đặc biệt là các nước lớn, các nước có tiềm lực về kinh tế và công nghệ hiện đại, góp phần giữ vững môi trường hòa bình và ổn định chính trị, tranh thủ sự ủng hộ của các nước đối tác, đồng thời nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng lên rõ rệt.
Việc tham gia, thực hiện FTA đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường truyền thống. Nền kinh tế nước ta có sự tăng trưởng cao, phát triển từng bước và vững chắc. Nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì tốt, ngày càng được củng cố. Góp phần tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn từ các nước trong khu vực và thế giới. Tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, đời sống của nhân dân được nâng cao. Dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao của các nước đối tác. Tạo động lực nâng cao chất lượng nhiều sản phẩm về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghệ cao. Văn hóa hội nhập kinh tế quốc tế cũng có phát triển. Tạo động lực để Việt Nam hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý tiếp cận các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, cải cách thủ tục hành chính.
Việc thanh toán, thu ngân sách trong nước, tạo việc làm… cũng có nhiều đổi mới nhờ sự hoàn thiện của luật pháp. Các luật liên quan đến sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, nông nghiệp, chính sách cạnh tranh cũng có bước tiến bộ mới. Luật pháp về mua sắm công được hoàn thiện hơn. Bước đầu nghiên cứu việc tham gia giải quyết các tranh chấp về kinh tế, đầu tư, thương mại quốc tế…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, bên cạnh những lợi ích, cơ hội, việc tham gia FTA còn mang đến nhiều khó khăn, thách thức, nhất là với các doanh nghiệp trong nước. Cần nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu, đây là một trong những yêu cầu nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước. Trong định hướng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cần khẳng định rằng đến thời điểm này, nước ta có quyền lựa chọn, ưu tiên những dự án thân thiện với môi trường, có công nghệ hiện đại. Cần sẵn sàng ứng phó, đặt ra các biện pháp phòng vệ thương mại và giải quyết tranh chấp về kinh tế, đầu tư, thương mại quốc tế…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với kiến nghị của Đoàn giám sát là ban hành kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung giám sát này; nhất trí những kiến nghị với Quốc hội, đặc biệt là việc nâng cao vai trò của Quốc hội, Ủy b an Thường vụ Quốc hội trong giám sát quá trình triển khai thực hiện các FTA sau khi phê chuẩn; ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội để nội luật hóa phù hợp với các cam kết trong FTA. Các cơ quan của Quốc hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách, tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện FTA và các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi FTA…
Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các chính sách theo lộ trình đã cam kết; bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, duy trì ổn định nhưng phải quan tâm cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Quan tâm hơn nữa đến việc thông tin, tuyên truyền, tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp khi tham gia FTA…
Ngày 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc.
(Theo VTV)