Những năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy về làm du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng gắn với phát huy bản sắc dân tộc Mông, bảo tồn Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang, đời sống của người dân vùng cao Mù Cang Chải đã có những chuyển biến tích cực.
Đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng, nằm ngay sát mặt đường, homestay A Lử của anh Phạm Minh Đoàn ở tổ 2, thị trấn Mù Cang Chải vừa hoàn thiện và chính thức đưa vào hoạt động cách đây hơn 1 tháng. Mộc mạc, xinh xắn và cuốn hút nên dù chỉ mới đi vào hoạt động nhưng lúc nào homestay A Lử cũng kín khách đặt phòng. Homestay A Lử không chỉ là nơi anh Đoàn đặt nhiều công sức, tâm huyết mà còn mong muốn có thể phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu từ du lịch.
Anh Đoàn chia sẻ: "Du lịch cộng đồng ở Mù Cang Chải đang là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển. Bản thân tôi xác định rõ, làm homestay phải gắn liền với việc xây dựng bản, làng văn hóa, tạo được cuộc sống ấm no, đẩy lùi tệ nạn xã hội, tích cực bảo vệ môi trường, khơi dậy, giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.
Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có đặc trưng của địa phương, việc vận động bà con đồng bào dân tộc Mông thay đổi tư duy làm kinh tế từ du lịch và bằng du lịch, lấy phát triển du lịch làm mũi nhọn để thúc đẩy phát triển kinh tế huyện nhà, đồng thời chú trọng và đẩy mạnh sản xuất hàng hóa gắn với thương hiệu được coi là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Do đó, vai trò của công tác dân vận càng cần phải rõ nét, hiệu quả, chất lượng hơn bao giờ hết.
Đồng chí Hảng A Ký - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết: "Trong khoảng 20 năm trở lại đây, nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Mông đang bị mai một. Một số nét văn hóa truyền thống có dấu hiệu bị mất đi như: dân ca Mông, truyện cổ tích Mông, câu đối Mông, cối giã gạo, khung cửi dệt vải…
Do đó, mỗi xã phải thành lập 1 đội văn nghệ quần chúng với các tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc; hàng năm, tổ chức cuộc thi trình diễn trang phục, thi múa hát, sân khấu hóa các lễ hội truyền thống; thành lập các tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm, thi thêu thùa trang phục phụ nữ Mông; đưa múa hát truyền thống người Mông vào các trường học…”.
Bên cạnh đó, hàng năm, Huyện ủy còn tổ chức thi chuyên đề: múa khèn, đua ngựa, chọi dê, cày ruộng nhanh, đắp bờ đẹp, thi sàn thóc, giã bánh dày… ; mở rộng, duy trì các lò rèn đúc, nhất là rèn dao, lưỡi cuốc, lưỡi liềm, mở lớp dạy làm khèn, làm sáo cho thế hệ trẻ vừa để duy trì làm nghề vừa tạo ra các sản phẩm mang bản sắc dân tộc phục vụ du khách.
Thời gian tới, để các mô hình "Dân vận khéo” gắn với phát triển du lịch, phát huy bản sắc dân tộc Mông, bảo tồn Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang được duy trì và phát huy hiệu quả, Ban Dân vận Huyện ủy sẽ tiếp tục tham mưu, đề nghị Tỉnh ủy giúp đỡ trong quy hoạch tổng thể du lịch, tránh các dự án, công trình phá vỡ cảnh quan; đồng thời, thu hút thêm các nhà đầu tư vào địa bàn huyện; triển khai đồng bộ các giải pháp để giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc người Mông, tận dụng tốt các kênh thông tin đại chúng để quảng bá, giới thiệu về con người, mảnh đất Mù Cang Chải…
Phong trào "Dân vận khéo” đã thực sự đổi mới về nội dung và hình thức, qua đó nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác dân vận; phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp "không khói” phát triển ở vùng cao Mù Cang Chải.
Mai Linh