Nội dung liên quan đến mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực; việc ra quyết định xử phạt, thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính... là vấn đề lớn được tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Luật trình ra Quốc hội tại kỳ họp này.
Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính), Chính phủ đề xuất tăng mức tiền phạt tối đa của 10 lĩnh vực mà theo quy định hiện hành có mức phạt tối đa thấp, chưa đủ sức răn đe, chưa thực sự tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm hành chính.
Đối với một số lĩnh vực khác được các đại biểu Quốc hội đề nghị như hôn nhân và gia đình, an ninh trật tự, an toàn xã hội, đất đai, xây dựng..., qua tổng kết thi hành không thấy có vướng mắc, bất cập liên quan đến quy định về mức tiền phạt tối đa. Do vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ việc tăng mức tiền phạt tối đa của 10 lĩnh vực như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.
Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực để quy định mức tiền phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm hành chính tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng đồng bộ không chỉ hình thức phạt tiền mà cả các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả, không để xảy ra tình trạng "phạt cho tồn tại", bảo đảm "mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật".
Liên quan đến quyết định xử phạt, thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý còn hai loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, không bổ sung biện pháp "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm", vì qua tổng kết thi hành Luật cho thấy, với các quy định hiện hành, việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trong khi đó, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác có liên quan. Mặt khác, việc áp dụng biện pháp này là can thiệp sâu vào quan hệ dân sự nên cần được cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhằm bảo đảm xử lý hài hòa lợi ích của Nhà nước, bảo vệ trật tự công cộng với quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, việc bổ sung biện pháp này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấm dứt hành vi vi phạm. Tuy nhiên, loại ý kiến này cho rằng quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 là quá rộng, chưa tương xứng với chế tài bị áp dụng trong một số trường hợp, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Do vậy, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định này theo hướng thu hẹp phạm vi áp dụng và bổ sung nguyên tắc việc áp dụng biện pháp này không được làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.
Cho ý kiến về nội dung này tại Phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, thực tế còn một bộ phận chây ỳ trong chấp hành xử phạt vi phạm hành chính. Nguyên nhân xuất phát từ cả cơ quan chức năng và người chấp hành. Vì thế, ông Thanh bày tỏ tán thành với phương án bổ sung biện pháp "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm" là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình chỉ rõ, việc cung cấp dịch vụ điện nước là quan hệ dân sự, theo hợp đồng dân sự. Nếu đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp cung cấp mà trong hợp đồng không quy định người được cung cấp dịch vụ đó phải tuân thủ và đáp ứng các quyền lợi hay các nghĩa vụ đối với xã hội, Nhà nước thì không thể cắt. Do đó, nếu đưa vấn đề này vào dự thảo Luật thì phải rà lại các hợp đồng dân sự đối với cung cấp dịch vụ điện nước. Chủ nhiệm Phan Thanh Bình lưu ý vấn đề này cần hết sức cân nhắc.
(Theo VTV)