Một mùa xuân mới ấm no, hạnh phúc đang tràn ngập trên khắp các bản làng vùng cao nơi đây. Tiếp nối những thành công đó, năm 2021 và những năm tiếp theo, Yên Bái đã đặt ra định hướng, chiến lược bài bản với tư duy mới trên bước đường phát triển.
Nối đôi bờ ấm no
Trở lại huyện Trấn Yên những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận rõ sự "thay da đổi thịt” nơi đây. Cách đây chưa lâu, người dân 6 xã: Y Can, Quy Mông, Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh, Lương Thịnh muốn qua thị trấn Cổ Phúc đều phải di chuyển bằng đò vô cùng khó khăn. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ, mọi hoạt động giao thương, đi lại gần như bị chia cắt hoàn toàn.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hình ảnh những cảnh đò ngang chơi vơi, cách trở đã dần lùi vào dĩ vãng, thay vào đó là cây cầu mới khang trang rộng rãi, dài 400m nối đôi bờ Cổ Phúc với người dân các xã bên kia sông. Đây có lẽ là niềm vui lớn nhất của người dân huyện Trấn Yên trong những ngày đầu năm mới 2021.
Cây cầu Cổ Phúc nối đôi bờ đã hiện thực hóa ước mơ bao đời nay của người dân Trấn Yên, là minh chứng cho sự gắn kết của "ý Đảng, lòng dân” hòa quyện cùng quyết tâm tạo thời cơ mới, khí thế mới và xung lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian tới.
Vui mừng trước đổi thay của quê hương, Chủ tịch UBND huyện Trần Đông chia sẻ: đầu năm 2020, Trấn Yên là huyện đầu tiên ở khu vực Tây Bắc cán đích và vinh dự được đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Niềm vui đó được nhân lên gấp bội khi cây cầu Cổ Phúc chính thức được khánh thành vào ngày 1.1.2021. Đây là cây cầu thứ 7 bắc qua sông Hồng và là một trong 12 công trình trọng điểm được Tỉnh ủy Yên Bái đưa vào Chương trình hành động số 190.
Cầu Cổ Phúc được hoàn thành đưa vào sử dụng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, thông thương của người dân, tạo tiền đề cho việc phát triển Trấn Yên sang phía hữu ngạn sông Hồng, mà còn là động lực để thu hút đầu tư, xây dựng các khu đô thị mới, trung tâm dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục, du lịch.
Qua đó, góp phần đưa những miền quê nông thôn mới ngày càng khởi sắc, tạo nền tảng vững chắc để thị trấn Cổ Phúc sớm trở thành vùng động lực phát triển kinh tế của Trấn Yên.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Trấn Yên, chứng kiến bao khó khăn, vất vả của người dân nơi đây, ông Nguyễn Xuân Thành (76 tuổi, ở thị trấn Cổ Phúc) không giấu được xúc động: ngày cây cầu khánh thành đi vào sử dụng, người dân chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi.
Đây là niềm mong mỏi của bao thế hệ người dân sinh cơ lập nghiệp tại đây. Tết này, người dân sẽ bán được nhiều hàng hóa; việc đi lại, vui chơi, thăm viếng người thân, bạn bè bên này với bên kia sông sẽ vô cùng thuận tiện.
Kể từ nay, hình ảnh về bến sông trơn trượt, lầy lội những ngày mưa hay những chuyến đò ngang mùa lũ đầy trắc trở, hiểm nguy chỉ còn trong ký ức của người dân Trấn Yên.
Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, cầu Cổ Phúc - công trình thỏa ước mơ và tâm nguyện bao đời của người dân Trấn Yên hôm nay đã đi vào sử dụng.
Các em học sinh không còn nơm nớp nỗi lo mỗi khi mùa mưa bão đến; nông sản người dân làm ra sẽ theo những cung đường đến với người tiêu dùng khắp trong và ngoài tỉnh. Trấn Yên đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới để vươn đến những mục tiêu cao hơn.
Đưa chỉ số hạnh phúc làm mục tiêu phấn đấu
Nhìn từ Trấn Yên, có thể khẳng định, những năm qua, Yên Bái đã đúng đắn khi tập trung đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng kết nối. Hàng loạt công trình trọng điểm được đầu tư đã tạo động lực quan trọng cho sự phát triển.
Cùng với đó, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã giúp địa phương có xuất phát điểm thấp của khu vực Tây Bắc này liên tiếp gặt hái những thành tựu và dấu ấn quan trọng.
Chỉ tính riêng trong năm 2020 vừa qua, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, thu ngân sách tăng gấp 3 lần so với năm 2015; phong trào xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đã trở thành điểm sáng của vùng Tây Bắc.
Đặc biệt, sau nhiều thập niên phấn đấu, Yên Bái đã có một hệ thống giao thông phát triển đồng bộ kết nối liên vùng và trong tỉnh. Những thành tựu trên là minh chứng tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết thống nhất "đồng tâm, đồng ý, đồng chí, đồng lòng” của cả Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Đúng như nhận xét của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” cấp Quốc gia tổ chức dịp đầu xuân Kỷ Hợi năm 2019: "Yên Bái chưa bao giờ có được cơ đồ tốt đẹp như hôm nay”.
Tiếp nối những thành công đó, Yên Bái đã đặt ra định hướng, chiến lược bài bản, với tư duy và cách tiếp cận mới trên bước đường phát triển mới. Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy chia sẻ: Yên Bái xác định "5 phương hướng phát triển, 3 đột phá chiến lược, 7 nhiệm vụ trọng tâm”, với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững trên 3 trụ cột là kinh tế - xã hội - môi trường theo hướng "phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Điểm mới trong chiến lược phát triển chính là đưa chỉ số hạnh phúc làm mục tiêu phấn đấu. Xuất phát từ nhận định, nếu đặt nặng vấn đề tăng trưởng và thu ngân sách thì Yên Bái mãi là tỉnh khó khăn, mãi là tỉnh nghèo, có trình độ phát triển thấp.
Bởi vậy, Yên Bái đã chọn hướng đi làm sao để người dân hài lòng và hạnh phúc. Hay nói rộng ra, không thể để tỉnh có tăng trưởng cao, thu ngân sách nhiều nhưng người dân không hạnh phúc.
Một thực tế ở Yên Bái là người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu chi tiêu không lớn, chỉ cần cuộc sống an toàn trước thiên tai, bão lũ. Hơn nữa, suốt đời gắn bó với rừng thì người dân phải sống được từ rừng, không phải đi xuất nhập cảnh trái phép.
Hay như trong giáo dục, trước đây, trẻ em đi học rất khó khăn, việc vận động cho trẻ đến trường không hề dễ dàng. Nhưng giờ đây, tỉnh đã xây dựng trường nội trú, bán trú, trẻ em vừa được đi học, vừa được chăm sóc nên rất thích đến trường. Cha mẹ cũng yên tâm vì con em mình được học, được ăn, được vui chơi. Với bà con, có được con đường để đi xe máy đã là rất hạnh phúc. Bởi vậy, trước mắt, Yên Bái sẽ tập trung đầu tư cho những thứ thiết thực với cuộc sống, nhu cầu và mong muốn của người dân.
Nói về định hướng phát triển "xanh” của Yên Bái, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cho rằng sứ mệnh của Yên Bái là giữ tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên nguồn nước, là "lá phổi” cho Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Vì vậy, tỉnh không đặt tăng trưởng quá cao mà đặt mục tiêu đa dạng sinh học và các nguồn tài nguyên là cốt lõi. Trong nhiệm kỳ mới, Yên Bái xác định chú trọng yếu tố bản sắc bởi toàn tỉnh có hơn 30 dân tộc mang bản sắc văn hóa độc đáo, tỉnh coi đây là nguồn tài nguyên quý.
Việc phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị văn hóa sẽ trở thành "nguồn sinh lợi” cho địa phương và chính bản thân người dân. Theo đó, Yên Bái sẽ phát triển du lịch theo hướng thân thiện với môi trường. Rừng được giữ nguyên, thay vào đó là đầu tư, cải tạo...
Cùng với đó, Yên Bái sẽ chú trọng phát triển công nghiệp và kinh tế nông nghiệp ở những vùng thấp. Đặc biệt, kinh tế nông nghiệp phải nâng cao giá trị gia tăng, phát triển đa mục tiêu nhưng hướng tới sự hài hòa.
Một mùa xuân mới đang đến với đất trời, với bà con các dân tộc vùng cao Yên Bái, dù còn không ít gian nan, song, trong mùa Xuân này, khó khăn, nghèo đói đã dần được thay bằng cuộc sống mới no đủ hơn.
Với những định hướng, chiến lược và tầm nhìn mới, tin rằng Yên Bái sẽ tiếp tục đổi thay, phát triển vượt bậc trong tương lai không xa.
(Theo Đại biểu nhân dân)