Đơn vị bầu cử, ấn định đơn vị bầu cử, khu vực bầu cử

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/3/2021 | 2:17:41 PM

YênBái - Đó là những thắc mắc của cử tri trước thềm Ngày hội bầu cử Đại biểu quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lục Yên tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai. Ảnh minh họa
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lục Yên tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai. Ảnh minh họa

Ông Hà Tiến Mạnh ở huyện Trấn Yên hỏi: Đơn vị bầu cử là gì? Có bao nhiêu loại đơn vị bầu cử trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp? Số đại biểu được bầu cử ở mỗi đơn vị bầu cử ĐBQH, đơn vị bầu cử đại biểu HĐND? Khu vực bỏ phiếu và việc khu vực bỏ phiếu? 

Trả lời: Đơn vị bầu cử

Các cuộc bầu cử phải được tiến hành theo các đơn vị bầu cử. Đơn vị bầu cử là khái niệm chỉ một phạm vi địa lý hành chính tương ứng với một lượng dân cư nhất định để bầu một số lượng ĐBQH hay đại biểu HĐND xác định. Theo quy định tại Điều 10 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND thì có các loại đơn vị bầu cử sau đây:

- Đơn vị bầu cử ĐBQH. Theo đó, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử ĐBQH. 

- Đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh. Theo đó, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh. 

- Đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện. Theo đó, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện. 

- Đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã. Theo đó, xã, phường, thị trấn được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã. 

Việc ấn định số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử

Đối với bầu cử ĐBQH: Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND thì tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử ĐBQH. Số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng ĐBQH được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử ĐBQH được tính căn cứ theo số dân, do Hội đồng Bầu cử quốc gia ấn định theo đề nghị của Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và được công bố chậm nhất là ngày 04 tháng 3 năm 2021 (80 ngày trước ngày bầu cử).

Đối với bầu cử đại biểu HĐND: Theo quy định tại khoản 3 Điều 10 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND thì số đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử do ủy ban bầu cử ở cấp đó ấn định theo đề nghị của UBND cùng cấp và được công bố chậm nhất là ngày 04 tháng 3 năm 2021 (80 ngày trước ngày bầu cử). 

Số đại biểu được bầu cử ở mỗi đơn vị bầu cử ĐBQH, đơn vị bầu cử đại biểu HĐND

Tại khoản 4 Điều 10 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định:

- Mỗi đơn vị bầu cử ĐBQH được bầu không quá 03 đại biểu.

- Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND được bầu không quá 05 đại biểu.

Khu vực bỏ phiếu là gì? Việc xác định khu vực bỏ phiếu được tiến hành như thế nào?

Khu vực bỏ phiếu là phạm vi địa lý hành chính có số dân nhất định. Việc chia khu vực bỏ phiếu mang ý nghĩa kỹ thuật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri thực hiện quyền bầu cử của mình. Chính vì vậy, khu vực bỏ phiếu có phạm vi hành chính nhỏ hơn đơn vị bầu cử. 

Thông thường, các khu vực bỏ phiếu được thành lập theo các đơn vị hành chính cơ sở như xã, phường hoặc thôn, tổ dân phố, khu phố (cá biệt cũng có một số trường hợp đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã chỉ có duy nhất 01 khu vực bỏ phiếu).

Theo quy định tại Điều 11 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND thì mỗi đơn vị bầu cử ĐBQH, đơn vị bầu cử đại biểu HĐND chia thành các khu vực bỏ phiếu. Khu vực bỏ phiếu bầu cử ĐBQH đồng thời là khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu HĐND các cấp. 

Mỗi khu vực bỏ phiếu có từ 300 cử tri đến 4.000 cử tri. Ở miền núi, vùng cao, hải đảo và những nơi dân cư không tập trung thì dù chưa có đủ 300 cử tri cũng được thành lập một khu vực bỏ phiếu. 

Bệnh viện, nhà hộ sinh, nhà an dưỡng, cơ sở chăm sóc người khuyết tật, cơ sở chăm sóc người cao tuổi có từ 50 cử tri trở lên; đơn vị vũ trang nhân dân; cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, trại tạm giam có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng.

Việc xác định đơn vị vũ trang nhân dân là khu vực bỏ phiếu riêng do ban chỉ huy đơn vị quyết định. Việc xác định các khu vực bỏ phiếu còn lại do UBND cấp xã quyết định và được UBND huyện phê chuẩn. Đối với những huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì việc xác định khu vực bỏ phiếu do UBND huyện quyết định. 

Số cử tri làm căn cứ để xác định thành lập khu vực bỏ phiếu là số lượng cử tri được xác định một cách tương đối tại thời điểm thành lập, phê chuẩn việc thành lập khu vực bỏ phiếu đó. 

Trên cơ sở các khu vực bỏ phiếu đã được xác định, UBND cấp xã tiến hành việc lập và công bố danh sách cử tri. 

Sau khi danh sách cử tri đã được công bố, nếu có cử tri ở nơi khác chuyển đến và đăng ký bỏ phiếu tại địa phương thì UBND bổ sung tên cử tri vào danh sách cử tri và số cử tri này được tính vào tổng số cử tri của khu vực bỏ phiếu đó khi lập biên bản kết quả kiểm phiếu; trường hợp cử tri bị xóa tên trong danh sách cử tri, cử tri đã được chứng nhận đi bỏ phiếu ở nơi khác thì không được tính vào tổng số cử tri của khu vực bỏ phiếu.    
                                                                                                           
B.T

Các tin khác

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 29/3, sau khi nghe định hướng thảo luận của Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy tại Hội nghị đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Đề án số 11 của Tỉnh ủy Yên Bái, đã có 15 ý kiến phát biểu thảo luận của lãnh đạo các ngành, địa phương và cán bộ tham gia Đề án về kết quả 3 năm thực hiện Đề án đối với công tác cán bộ và sự phát triển của địa phương, đơn vị; kiến nghị những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án trong thời gian tới.

Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.

Sáng 29/3, Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Đề án 11 ngày 8/8/2018 của Tỉnh ủy về “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn - Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh chủ trì Hội nghị triển khai công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Thời điểm này, công tác chuẩn bị cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện bảo đảm đúng theo tiến độ và đúng quy định của pháp luật.

Kỳ họp 11 Quốc hội khoá XIV.

Ngày 29/3, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV bước sang tuần làm việc thứ 2. Ngày 29/3, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV tiếp tục làm việc tại hội trường để thảo luận về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước và Chính phủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục