Giữa những ngày tháng Tư lịch sử này, cùng với nhân dân cả nước, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đang ra sức thi đua lao động, sản xuất, lập nhiều thành tích xuất sắc chào mừng kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021), 135 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2021) và chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong không khí vui tươi phấn khởi ấy, mỗi người dân Yên Bái lại bồi hồi nhớ về những năm tháng hào hùng "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" của cả dân tộc.
Với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", trong những năm tháng hào hùng ấy, LLVT và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã vượt lên mọi khó khăn, thách thức, tập trung sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên Chiến thắng lịch sử 30/4 vô cùng oanh liệt, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất giang sơn, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Những năm tháng ấy, tinh thần "Tất cả vì miền Nam ruột thịt” của người dân cả nước nói chung, LLVT và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói riêng càng được nhân lên gấp bội bởi các phong trào thi đua: "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Tay cày tay súng", "Tay búa tay súng", "Mỗi người làm việc bằng hai", "Nghìn việc tốt", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người"... hừng hực khí thế đấu tranh cách mạng, đã động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng sôi nổi tham gia lên đường đi đánh Mỹ.
Kết quả, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại ấy của dân tộc, nhân dân Yên Bái tự hào vì đã đóng góp được 29 vạn tấn lương thực, 15 vạn tấn thực phẩm; tiễn đưa gần 25.000 thanh niên lên đường nhập ngũ. Trong đó, có 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu giang sơn về một mối.
Cụ thể, tháng 6/1967, Yên Bái xây dựng Tiểu đoàn Yên Ninh 1 với trên 700 cán bộ, chiến sĩ được tổ chức huấn luyện ở xã Tân Hương (Yên Bình) vào Nam chiến đấu. Năm 1968, Yên Bái xây dựng một lúc 3 tiểu đoàn, trong đó tiểu đoàn 2 và tiểu đoàn 3 đều tổ chức huấn luyện tại xã Tân Hương.
Tiểu đoàn Yên Ninh 2 thành lập tháng 2 với trên 700 quân số vào chiến trường miền Nam tháng 5. Sau hơn 5 tháng hành quân bộ dài ngày, tháng 11/1968, Tiểu đoàn vào đến Long An. Suốt từ khi vào chiến trường đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đã cùng quân và dân Long An chiến đấu bám trụ kiên cường, tham gia nhiều chiến dịch lớn như: Bình Tân, Thủ Thừa, Kênh Bo Bo, Sân bay Đức Hòa, chiến dịch giúp bạn Campuchia và các trận đánh tàu địch trên sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn...
Tiểu đoàn Yên Ninh 3 thành lập tháng 4 với 650 quân số, vào chiến trường tháng 12/1968 bổ sung cho mặt trận Thừa Thiên - Huế. Từ năm 1969, tiểu đoàn đã cùng quân và dân Thừa Thiên - Huế tham gia nhiều chiến dịch và các trận đánh lớn như: Bình Độ 400, Cô Ca Va 1078, đường 9 Nam Lào 1971 - 1972 và trực tiếp tham gia giải phóng thành phố Huế ngày 26/3/1975.
Riêng Tiểu đoàn Yên Ninh 4 thành lập tháng 6/1968, với 650 quân số huấn luyện tại Hán Đà, Đại Minh (Yên Bình), vào chiến trường tháng 1/1969, được bổ sung cho chiến trường miền Đông Nam Bộ, trực tiếp tham gia các chiến dịch và trận đánh lớn như: Đồng Dù, núi Bà Đen năm 1969, Thiện Ngôn, Sa Mát năm 1970; Téc Ních, Bình Long năm 1972, Đồng Xoài - Phước Long năm 1973, Xuân Lộc - Long Khánh năm 1975...
Bộ đội hướng dẫn nhân dân xã Nga Quán, huyện Trấn Yên phá bom giải phóng đồng ruộng năm 1970. Ảnh T.L
Trong cuộc sống hạnh phúc và thanh bình hôm nay, dư âm của những chiến thắng oanh liệt đó vẫn đang là động lực tinh thần to lớn cổ vũ, khích lệ các LLVT và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái kiên định, vững bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn để tiếp tục công cuộc đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo đó, nhiệm kỳ 2015 – 2020 vừa qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, với ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng, LLVT và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội.
Đời sống của đồng bào nhân dân các dân tộc từ vùng thấp tới vùng cao được cải thiện rõ rệt nhờ thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới cùng các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội mà Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện hỗ trợ.
Quan hệ đối ngoại của tỉnh ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng chặt chẽ, gắn bó. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực; quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Đặc biệt, các tiềm năng, lợi thế của tỉnh được khai thác tối đa bằng những chính sách đầu tư ưu việt, thông thoáng, cởi mở; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh, huy động sử dụng mọi nguồn lực cho địa phương ngày càng phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Đồng thời, phát huy cao giá trị văn hóa xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 80/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, cao gấp 1,35 lần bình quân chung của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng gấp 2 lần so với năm 2015…
Một điểm mới cũng là điểm nhấn đặc biệt có ý nghĩa đó là nhiệm kỳ 2020 – 2025, Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước đã mạnh dạn đưa "chỉ số hạnh phúc” của người dân vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Theo đó, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái được đánh giá trên 3 tiêu chí: sự hài lòng về cuộc sống, chỉ số tuổi thọ trung bình và sự hài lòng về môi trường sống. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới 2021, Yên Bái đã tổ chức lễ khánh thành công trình cầu Cổ Phúc, góp phần tạo điều kiện thuận lợi giao thông, giao thương của người dân và tạo động lực thu hút đầu tư, xây dựng để thị trấn Cổ Phúc sớm trở thành vùng động lực phát triển kinh tế của huyện nông thôn mới vùng Tây Bắc Tổ quốc.
Kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế Lao động 1/5 năm nay đúng vào thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang nô nức thi đua đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026 thành công tốt đẹp.
Phát huy tinh thần đại thắng mùa xuân năm 1975 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng chung sức, đồng lòng, đoàn kết, ra sức thi đua phấn đấu lao động, học tập, lập nhiều thành tích cao hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, vì mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thanh Hương