Sáng 5-5, Ngân hàng Nhà nước kỷ niệm 70 năm thành lập ngành, đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất.
70 năm thực hiện tốt sứ mệnh cung cấp tín dụng, dịch vụ
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trải qua 70 năm, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 15/SL, ngày 6-5-1951 thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, các thế hệ cán bộ, công chức người lao động của ngành ngân hàng đã luôn cố gắng, nỗ lực phấn đấu bảo vệ vững chắc nền tiền tệ độc lập, tự chủ của quốc gia, thực hiện tốt sứ mệnh cung cấp nguồn lực tài chính, tín dụng, dịch vụ cho sự phát triển của đất nước.
Trong 35 năm đổi mới, ngành phát huy tốt vai trò là hệ thống huyết mạch cung cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế quốc dân, có nhiều đóng góp quan trọng trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, huy động và phân bổ nguồn lực tài chính để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách, biện pháp sáng tạo, có tính khả thi cao để quản lý, vận hành có hiệu quả thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng an toàn, ổn định, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tạo thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Trong 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế 2011-2020, đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 và đến nay vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa có hồi kết. Ngành ngân hàng tiếp tục điều hành chủ động linh hoạt hơn các công cụ chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Thanh khoản các thị trường tiền tệ, ngoại hối luôn ổn định và thông suốt. Các chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước giúp mặt bằng lãi suất giảm, cung cấp đầy đủ và kịp thời nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch…
Tổng bí thư yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải quan tâm công tác đổi mới và công tác cán bộ
Ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ ngân hàng phải được nâng cao
Tổng bí thư yêu cầu, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, ngành ngân hàng cần phải tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặt khác, ngành ngân hàng nỗ lực phấn đấu hơn nữa, phát huy thật tốt những kết quả đạt được và quyết liệt khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém còn tồn đọng để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong thời kỳ mới.
Theo Tổng bí thư, trong những năm tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong khu vực sẽ còn tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường. Do tác động đại dịch COVID-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt. Kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn.
Dù đạt được những thành tựu rất quan trọng, rất đáng tự hào nhưng đất nước ta, trong đó có ngành ngân hàng, vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và không ít những hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giao nhiệm vụ cho ngành ngân hàng tiếp tục phát huy những thành quả mà các thế hệ trước đã để lại, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức đạo đức nghề nghiệp, nỗ lực đổi mới mạnh mẽ tư duy để tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, khắc phục tồn tại, hạn chế, bất cập, phấn đấu nâng cao hơn nữa để góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Nhấn mạnh vào các nhiệm vụ cụ thể, Tổng bí thư lưu ý ngành ngân hàng cần tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa các chính sách khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định thị trường tiền tệ.
"Tiền tệ, ngân hàng là một lĩnh vực quan trọng và cũng rất nhạy cảm, có tính hệ thống và ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm đến công tác đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách và công tác cán bộ để vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước" - Tổng bí thư phát biểu.
Mặt khác, chất lượng hệ thống phải được đảm bảo an toàn. Đặc biệt, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ ngân hàng phải được nâng cao để ngăn ngừa rủi ro, vi phạm trong hoạt động ngân hàng.
"Các đề xuất đổi mới phải được cấp ủy, chính quyền bàn bạc, xem xét kỹ lưỡng, cho làm thí điểm theo thẩm quyền. Cái gì đổi mới đúng thì phải được bảo vệ, tiếp tục triển khai. Cái gì chưa đúng thì phải kịp thời chấn chỉnh, sửa chữa, rút kinh nghiệm. Tuyệt đối không chủ quan, tự mãn", Tổng bí thư nhấn mạnh.
(Theo TTO)