Nối dài truyền thống anh hùng của cha ông, cùng dòng chảy của lịch sử đất nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã hun đúc truyền thống yêu nước, đoàn kết, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Trong lịch sử, những người con của Yên Bái cũng đã có nhiều tấm gương anh dũng đứng lên chống giặc ngoại xâm.
Với Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, theo tài liệu ghi lại, từ năm 1952 đến năm 1954, gần 2.700 thanh niên ưu tú của 30 dân tộc anh em trong tỉnh đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Tỉnh cũng chú trọng xây dựng lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích phát triển số lượng đi đôi với nâng cao chất lượng, không ngừng nâng cao sức chiến đấu và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong lực lượng vũ trang.
Chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh đã thành lập tiểu đoàn 281 bộ đội chủ lực tỉnh, 5 đại đội bộ đội địa phương huyện, 1 trung đội bảo vệ cầu đường, tất cả các xã đều có từ 1 đến 2 trung đội du kích, 1 trung đội dân quân… Bên cạnh đó, trước tình hình hoạt động ngày càng mạnh của bọn phỉ Cầm Đức, Giàng Páo Của và một số đối tượng phản động người Mông ở địa bàn vùng cao (được Pháp tiếp tế vũ khí và lương thực nhằm gây rối, gây mất đoàn kết giữa các dân tộc anh em), tỉnh đã chỉ đạo lực lượng vũ trang, dân quân du kích và nhân dân tiến hành tiễu phỉ giành thắng lợi; diệt và bắt trên 1.500 tên phỉ, trong đó có cả những tên cầm đầu, thu hơn 2.000 khẩu súng, một số điện đài và nhiều lương thực, tiền bạc…
Đóng góp mồ hôi, xương máu cho Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử đầy oai hùng ấy có biết bao người con của quê hương Yên Bái anh hùng. Giờ đây, thế hệ của các ông bà, các bác cùng năm tháng phôi pha không còn nhiều. Vậy nhưng, những người còn sống vẫn luôn giữ trong mình nhiệt huyết thuở nào với niềm tin mãnh liệt khi nghĩ về một thời son trẻ. Với họ, những hy sinh mất mát, những cống hiến cho Tổ quốc luôn là niềm tự hào, là những bài học cuộc sống quý báu để dạy dỗ các thế hệ con cháu sau này.
Cụ Phạm Văn Xiển - thương binh 2/4, ở số nhà 14, đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái - một trong số những cán bộ tiền khởi nghĩa của tỉnh, năm nay 93 tuổi nhưng vẫn còn khá minh mẫn.
Cụ chia sẻ: "Nhắc đến Chiến dịch Điện Biên Phủ là nhắc đến biểu tượng của tinh thần bất khuất, không chịu lùi bước trước giặc xâm lăng của những người lính Cụ Hồ, của nhân dân các dân tộc Việt Nam. Là người lính từng tham gia chiến đấu và bị thương ở chiến trường Điện Biên Phủ, được chứng kiến công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh, tôi thấm thía hơn hết cái giá để có được nền độc lập hôm nay. Vì thế, cứ đến ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên, trong lòng tôi lại dâng lên cảm xúc bồi hồi, xúc động. Chiến thắng ấy quả thật thần kỳ và vĩ đại, là minh chứng hùng hồn cho sực mạnh đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, sức mạnh quân sự từ nhân dân, của nhân dân”.
Mồ hôi đã rơi, máu đã đổ, hơn ai hết, những người như cụ Phạm Văn Xiển chính là lịch sử, tấm gương sáng cho các thế hệ sau này noi theo, với hành trang là tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng quyết tâm cống hiến xây dựng quê hương, đất nước.
Phát huy truyền thống của quê hương, bước vào giai đoạn cách mạng mới, quân và dân Yên Bái tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển, kết hợp hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu tiến bộ xã hội.
Cùng với đó, việc tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, tập trung xây dựng cơ sở xã, phường vững mạnh toàn diện cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm, ra sức phát triển kinh tế để tạo ra tiềm lực cho quốc phòng, nâng cao đời sống nhân dân, tạo môi trường ổn định, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là tỉnh có địa bàn chiến lược quan trọng cửa ngõ miền Tây của Tổ quốc.
Thiên Cầm