Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc” phát động phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc. Bác nói: "Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều… và "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất”…
Trong "Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng mục đích của thi đua, yêu cầu thi đua phải toàn diện, cụ thể và phong trào phải "ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt trong mọi tầng lớp nhân dân”. Người mong các cụ phụ lão, các cháu nhi đồng, đồng bào phú hào, công nông, trí thức, nhân viên Chính phủ, bộ đội dân quân "ai cũng thi đua”, "ai cũng tham gia kháng chiến kiến quốc”, thi đua "Diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” để tiến tới đạt được mục đích lâu dài: "Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Thi đua yêu nước, "cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân” đó là mục đích lớn nhất, cao cả nhất.
Thực hiện lời dạy của Bác, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Bái hăng hái thi đua trên tất cả các lĩnh vực. Có thể nói, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trên địa bàn không ngừng được đẩy mạnh, có sức lan tỏa, trở thành động lực thúc đẩy quá trình đổi mới, góp phần quan trọng để Yên Bái phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tốc độ tăng tổng sản phẩm kinh tế GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 6,65%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 – 2020 đạt trên 62.500 tỷ đồng. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 3.600 tỷ đồng, vượt 20% so mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVIII.
Toàn tỉnh hiện có 75 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã); huyện Trấn Yên đạt huyện nông thôn mới; thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành xây dựng nông thôn mới và có 10 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Yên Bái đã hình thành và phát triển một số vùng sản xuất hàng hóa gắn với chuỗi giá trị như: vùng lúa chất lượng cao 3.000 ha, vùng trồng dâu nuôi tằm 900 ha, vùng cây ăn quả có múi trên 5.000 ha, vùng quế vỏ xuất khẩu 78.000 ha, vùng tre măng Bát độ 5.000 ha, vùng sơn tra 9.200 ha, vùng rừng nguyên liệu trên 90.000 ha...
Giá trị sản xuất tính trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 65 triệu đồng/ha/năm; giá trị sản xuất tính trên một đơn vị diện tích đất nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm, đạt 100% kế hoạch; giá trị sản xuất tính trên một đơn vị diện tích đất rừng trồng bình quân đạt 50 triệu đồng/ha/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 32,21% năm 2016 xuống còn 7,56% năm 2020.
Nhiều tập thể, cá nhân tiên tiến, tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực đã xuất hiện thông qua các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, có 105 tập thể và 304 cá nhân được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ khen thưởng; Chủ tịch UBND tỉnh đã khen thưởng cho trên 4.700 tập thể và 7.500 cá nhân, từ đó tạo sức lan tỏa để cổ vũ, nhân lên những điển hình tiên tiến trong giai đoạn mới.
Để tiếp tục các phong trào thi đua, ngày 21/5/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn đã ra Chỉ thị số 11/CT-UBND phát động phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái 5 năm 2021 – 2025 với chủ đề: "Nhân dân và cán bộ tỉnh Yên Bái đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc, quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá của khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2025”. Các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong đó tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược và 7 nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị.
Phấn đấu tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 7,5%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 65 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp, thủy sản 20,5%; công nghiệp - xây dựng 32%; dịch vụ 27,5%.
Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 7.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt trên 100.000 tỷ đồng. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng lợi thế; phát triển mạnh mẽ dịch vụ, thương mại, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng...
Đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; phát triển mạnh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đặc biệt chính sách giảm nghèo bền vững, phấn đấu mỗi năm giảm 4% hộ nghèo. Nâng cao đời sống tinh thần nhân dân và chỉ số hạnh phúc cho nhân dân; phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”...
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra, nhằm thực hiện "mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa tận dụng tốt các cơ hội, nguồn lực phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá của khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2025.
Thanh Phúc