Phát biểu thảo luận, đại biểu Đỗ Đức Duy đánh giá cao sự chuẩn bị báo cáo của Chính phủ, đồng tình với quan điểm, chỉ tiêu, định hướng trong báo cáo của Chính phủ đã nêu; thống nhất cao báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính -Ngân sách, đặc biệt là những vướng mắc ở nhóm giải pháp.
Tham gia vào nhóm nhiệm vụ, giải pháp, ông Duy chung quan điểm, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về ngân sách Nhà nước, pháp luật về quản lý tài sản công và pháp luật các tổ chức tín dụng. Với Luật Ngân sách nhà nước thì đổi mới cơ chế quản lý phân vùng ngân sách nhằm đạt mục tiêu ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo, ngân sách địa phương thực sự chủ động.
Nhấn mạnh thực tế hiện nay do pháp luật chưa quy định đầy đủ và có nhiều vướng mắc nên thứ nhất là bị động và thứ hai là ảnh hưởng đến hiệu quả vốn đầu tư, đại biểu Đỗ Đức Duy cho rằng cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý sử dụng tài sản công.
Đại biểu nêu vướng mắc trong thực tế về việc tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện chi đầu tư theo định hướng của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Đại biểu khẳng định với cơ chế hiện tại thì không ai có động lực nhiều để tiết kiệm.
Đồng tình với ý kiến đại biểu Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ về đổi mới cơ chế tài chính trong đơn vị sự nghiệp công lập, ông Đỗ Đức Duy viện dẫn việc chậm ban hành cơ chế tự chủ trong lĩnh vực sự nghiệp công lập; rồi trong thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng, các địa phương không làm được do không có hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, khung giá, đơn giá…
Đại biểu cho biết: "Việc thực hiện khoán chi với khu vực hành chính và đấu thầu đặt hàng với khu vực sự nghiệp thì sẽ đỡ vất vả hơn nhiều về việc phải lo quản lý về tổ chức bộ máy biên chế, lo dự toán, rồi quyết toán…".
Về phương thức cân đối ngân sách địa phương, đại biểu đề nghị cùng với cân đối ngân sách địa phương nên chăng đưa ra mặt bằng của vùng. Địa phương nào tính toán tiêu chí thấp hơn thì có sự điều tiết để ít nhất ngang bằng với mặt bằng chung của vùng. Thứ nữa là tính đúng, tính đủ theo định mức các nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.
Vấn đề này, đại biểu Duy cho rằng: "Ngoài phân bổ ngân sách theo dân số, biên chế như hiện nay thì cần tính thêm các tiêu chí khác như mật độ dân số, điều kiện địa hình, số lượng đơn vị hành chính, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ che phủ rừng…".
Theo đại biểu, cũng nên tính toán các nhiệm vụ chi ngân sách địa phương với một tỷ lệ nhất định để thực hiện các nhiệm vụ chi phát sinh, ví dụ như thiên tai, dịch bệnh. Khi có các chính sách ban hành mới mà chưa điều chỉnh về kế hoạch tài chính trung hạn thì có nguồn cho địa phương thực hiện, nhất là địa phương có nguồn thu thấp, vùng khó khăn.
Ngày 23/7, các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái thảo luận ở tổ cùng đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Gia Lai.
Trong thảo luận, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đề nghị tập trung rà soát, sắp xếp các quỹ tài chính ngoài ngân sách, nhưng vấn đề là phải có cơ chế để giải quyết các vướng mắc. Cụ thể như giải quyết hậu sắp xếp như thế nào, xử lý tài chính đối với thất thoát vốn Nhà nước trong doanh nghiệp được sắp xếp ra sao. Đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp để giải quyết nợ xấu.
Về cổ phần hóa thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp vốn Nhà nước, đại biểu kiến nghị Chính phủ có rà soát, đánh giá khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó đưa ra định hướng, giải pháp cụ thể đối với một số ngành, lĩnh vực mà hiện nay triển khai ở các địa phương đang có những lúng túng.
Nhóm thứ nhất đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công ích như: cung cấp nước sạch, thu gom xử lý chất thải rắn, nước thải đô thị, công trình thủy lợi… , đại biểu Duy nêu ra sự mâu thuẫn: "Chúng ta muốn chuyển sang quản lý theo cơ chế thị trường, nhưng liên quan đến an sinh xã hội nên Nhà nước đang kiểm soát về giá. Và như vậy mâu thuẫn là nếu theo cơ chế thị trường thì giá do thị trường quy định, nhưng hiện chúng ta quản lý về giá nước sạch; quản lý giá mà kinh doanh không có lãi thì không thu hút được các nhà đầu tư. Nếu thu hút được nhà đầu tư mà để giá theo cơ chế thị trường thì ảnh hưởng đến an sinh xã hội"
Nhóm thứ hai- các doanh nghiệp liên quan đến nông lâm trường, đại biểu Đỗ Đức Duy lập luận: Theo Nghị định 126 -NĐ-CP (Quy định việc chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần), đây là lĩnh vực không có nhà đầu tư chiến lược. Nhưng không có nhà đầu tư chiến lược thì rất khó để cổ phần hóa các công ty nông lâm nghiệp vì vốn rất nhỏ, đất đai không tính vào tài sản doanh nghiệp, tài sản trên đất thì chủ yếu của xã viên, của nhân dân, của nông lâm trường.
"Các địa phương thì rất muốn cổ phần hóa, có nhà đầu tư chiến lược đầu tư vốn vào đây; liên quan đến vướng mắc này mong Chính phủ sớm có định hướng và tháo gỡ” - đại biểu Duy kiến nghị.
Cùng đó, ông Duy cũng đề nghị cần có cơ chế bàn giao các tài sản và các dự án đi theo khi thực hiện cổ phần với doanh nghiệp công ích và hoàn thiện thêm cơ chế tài chính cho các doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Quang Tuấn (lược ghi)