Việt Nam được bầu vào Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/11/2021 | 7:41:20 AM

Với số phiếu nhận được rất cao, Việt Nam chính thức được các nước thành viên UNESCO bầu vào Hội đồng chấp hành, một trong những cơ quan điều hành quyền lực nhất của Tổ chức, trong phiên họp toàn thể của Đại hội đồng UNESCO ngày 17/11 tại trụ sở ở thủ đô Paris, Pháp.

Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO thông báo kết quả bầu vào Hội đồng chấp hành.
Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO thông báo kết quả bầu vào Hội đồng chấp hành.

"Tôi xin nhắc lại, danh sách trúng cử theo thứ tự, gồm Trung Quốc, đảo Cook, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam”. 16h55 chiều ngày 17/11 theo giờ Paris, Chủ tịch kỳ họp lần thứ 41 Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) chính thức thông báo kết quả cuộc bầu cử vào Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025.

Với số phiếu nhận được là 163 trên tổng số 178 phiếu bầu, Việt Nam không chỉ trở thành một trong sáu quốc gia đại diện cho nhóm 4 (châu Á-Thái Bình Dương) tham gia vào Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ mới mà còn là một trong những nước giành số phiếu cao nhất trong đợt bầu cử này.        

Trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau khi kết quả bầu cử được thông báo, Đại sứ - Đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh tổ chức UNESCO - Lê Thị Hồng Vân nhận định, kết quả bỏ phiếu rất cao mà Việt Nam nhận được chính là phản ánh uy tín mà Việt Nam đã giành được trên các diễn đàn quốc tế đa phương trong nhiều năm qua, từ vai trò của một Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc cho đến các đóng góp trong nhiều năm ở các vai trò khác nhau tại UNESCO.

"Việt Nam luôn được UNESCO và các quốc gia thành viên của tổ chức đánh giá cao vì luôn là một trong những nước triển khai hiệu quả nhất những chương trình hợp tác của UNESCO. Chúng ta cũng đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc tham gia các cơ quan điều hành của UNESCO các nhiệm kỳ trước. Những kinh nghiệm đó cũng sẽ là cơ sở rất tốt cho Việt Nam tiếp tục tham gia, nâng tầm đóng góp của Việt Nam cho công việc của UNESCO cũng như cộng đồng quốc tế trong thời gian tới”, bà Lê Thị Hồng Vân cho biết.

Với kết quả bầu cử lần này, Việt Nam cũng sẽ lần thứ 5 trở thành thành viên của Hội đồng chấp hành, một trong hai cơ quan quyền lực quan trọng nhất của UNESCO. Hội đồng chấp hành UNESCO bao gồm 58 thành viên, là cơ quan thay mặt Đại hội đồng UNESCO trong thời gian giữa hai kỳ họp, giám sát việc thực hiện chương trình hoạt động và quản lý ngân sách, duy trì quan hệ với Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác thuộc LHQ, lập chương trình nghị sự và chuẩn bị cho Đại hội đồng, đề nghị kết nạp thành viên mới, giới thiệu người ứng cử vào chức vụ Tổng Giám đốc đồng thời bầu Tổng Giám đốc... Các ủy viên Hội đồng chấp hành có vai trò quan trọng trong việc hoạch định chiến lược và xây dựng chương trình hành động của UNESCO.

Do Hội đồng chấp hành UNESCO có vai trò và quyền lực rất lớn trong việc hoạch định chính sách của tổ chức nên sức ép và trách nhiệm của các nước được bầu vào Hội đồng chấp hành UNESCO cũng sẽ rất lớn. Tuy nhiên, theo ông Mai Phan Dũng, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, với uy tín và kinh nghiệm của mình, Việt Nam sẽ tiếp tục đảm đương tốt trách nhiệm kép, với UNESCO và với cộng đồng quốc tế, trong thời gian tới.

Về các ưu tiên hành động cũng như các đóng góp của Việt Nam đối với UNESCO trong vai trò mới, ông Mai Phan Dũng cho biết: "Việt Nam sẽ có những đóng góp của mình cho những vấn đề lớn, cho việc thực hiện các chương trình hoạt động lớn mà UNESCO dự kiến triển khai trong thời gian tới, đó là kế hoạch tiếp tục cải tổ UNESCO để tổ chức hoạt động dân chủ, hiệu quả hơn, sát hơn với nhu cầu của các quốc gia thành viên. Tiếp đến là triển khai chiến lược trung hạn của UNESCO với những định hướng lớn đã được xác định rất cụ thể trên tất cả các lĩnh vực của UNESO, trong giáo dục, khoa học, văn hóa, thông tin-truyền thông, ví dụ như trong kỳ Đại hội đồng lần này UNESCO đã xác định các định hướng lớn về khoa học mở, đạo đức trong trí tuệ nhân tạo hay tương lai của giáo dục”.

(Theo VOV)

Các tin khác
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh Yên Bái cùng nhân dân tham gia cổ vũ trò chơi đẩy gậy trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và ra mắt xã nông thôn mới Tân Hợp, huyện Văn Yên.  (Ảnh: Quang Thiều)

Năm nào cũng vậy, bước vào những ngày đầu tháng 11, người dân ở tất cả các khu dân cư, tổ dân phố, các thôn, bản từ vùng thấp tới vùng cao của tỉnh lại nô nức đón chờ Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Thường được tổ chức vào trung tuần của tháng, nhưng không khí Ngày hội đến với bà con từ rất sớm với nhiều hoạt động hưởng ứng, chào mừng bởi giá trị tinh thần và ý nghĩa to lớn của nó.

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10.

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Chiều 17/11, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái do đồng chí Nguyễn Quốc Luận - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn đã tiếp xúc cử tri các xã: Tân Lập, Tân Lĩnh, Phan Thanh, huyện Lục Yên để báo cáo kết quả chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Sáng 17/11, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đến thăm và chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Hội Cựu giáo chức tỉnh và Hội Khuyến học tỉnh nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2021).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục