Cánh đồng thung lũng thôn Nậm Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải những ngày này không chỉ rực rỡ sắc màu của hoa hồng, hoa cúc mà còn xanh mướt rau mầm đá - loại cây trồng mới được thử nghiệm. Trên cánh đồng này, ngay trong những ngày đầu xuân mới, những người nông dân vất vả "một nắng hai sương” đã phấn khởi khi gặp gỡ và chia sẻ những niềm vui của họ với Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy.
Dừng tay gom những bó rau chuyển ra xe đưa về Hà Nội, chị Hảng Thị Sú - người dân bản Nậm Khắt cho biết: "Loại rau này tuy mới nhưng lại rất dễ trồng. Mình được cán bộ hướng dẫn cách chăm sóc, bón phân, rồi tham gia liên kết với hợp tác xã, vừa có thu nhập cao hơn, vừa được trả tiền thuê đất, vừa được nhận làm công với mức thu nhập một ngày từ 130.000 đồng trở lên, tùy theo công việc. Ruộng này, trước nhà mình chỉ cấy một vụ lúa rồi bỏ không, giờ trồng rau, trồng hoa cho thu nhập cao hơn, có nhiều tiền hơn để mua sắm quần áo mới cho con đến trường, sắm ti vi, xe máy”.
Anh Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau và nấm dược liệu Nậm Khắt cho biết: "Ngoài trồng nấm dược liệu, HTX triển khai trồng rau vụ đông và cà chua trái vụ. Đây là năm đầu tiên thử nghiệm trồng rau mầm đá, tôi thấy rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Sản lượng đạt khoảng 30 tấn/ha với chất lượng tốt ngang so với nhập khẩu từ Trung Quốc về. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hà Nội, Hải Phòng với giá bán tại ruộng từ 25 - 30 nghìn đồng/kg, tùy vào thời điểm.
"Chỉ với 4 ha ruộng thuê lại của người dân, HTX áp dụng tốt khoa học kỹ thuật, mỗi năm thu hoạch được 600 triệu đồng/ha, trừ kinh phí đầu tư, còn lãi 350 - 400 triệu đồng/ha/vụ, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương” - anh Anh phấn khởi nói.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm mô hình trồng hoa hồng của HTX Hoa Hồng Nậm Khắt.
Mô hình trồng hoa hồng của HTX Hoa Hồng Nậm Khắt, từ 4 ha thử nghiệm ban đầu, sau hai năm đã mở rộng diện tích lên 43 ha với 18 thành viên tham gia. Mỗi ha đầu tư khoảng 500 triệu đồng, cho thu về từ 800 - 900 triệu đồng/ha, trừ chi phí thu lãi tới 400 - 500 triệu đồng/ha.
Người đưa giống hoa hồng lên vùng cao Nậm Khắt là anh Nguyễn Xuân Thiện, hiện là Giám đốc Hợp tác xã Hoa Hồng Nậm Khắt. Anh Thiện cho hay: "HTX ký hợp đồng với người dân 10 năm một với giá 35 triệu đồng/ha/năm, tương đương với 5 tấn thóc. Đồng bào không phải làm lúa mà vẫn có tiền. Ngược lại, HTX còn thuê họ làm nhân công chăm sóc hoa với mức lương 130.000 đồng/ngày. So với trồng lúa, mỗi ha trồng hoa cho thu nhập cao gấp 30 - 35 lần. Hơn nữa, việc trồng hoa cũng tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng”.
Qua trao đổi, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy rất phấn khởi khi các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, sản phẩm được tiêu thụ tại các thị trường lớn như Hà Nội, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Hải Phòng...
Bí thư Tỉnh ủy đặc biệt đánh giá cao việc các hộ nông dân là người Mông ở đây đã đổi mới tư duy, biết liên kết sản xuất mang lại thu nhập cao. Các mô hình đã phát huy được những tiềm năng sẵn có về khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây để tạo ra những sản phẩm hàng hóa, sản phẩm du lịch độc đáo, mang lại thu nhập, việc làm ổn định cho người dân, mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Chia tay những nông dân người Mông trên cánh đồng Nậm Khắt, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác đã gặp những du khách từ Hà Nội, Đà Nẵng, Sóc Trăng say sưa trong tiếng sáo, tiếng khèn Mông réo rắt tại mô hình du lịch cộng đồng ở xã La Pán Tẩn của gia đình anh Giàng A Dê; hay mê mẩn ngắm những sắc hoa văn thổ cẩm trên chất liệu vải lanh của HTX Dệt thổ cẩm xã Chế Chu Nha. Bí thư Tỉnh ủy phấn khởi khi biết từ một mô hình du lịch cộng đồng riêng lẻ được thành lập vào năm 2017 nay đã nâng cấp thành Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải.
Nhờ năng động, dám nghĩ, dám làm, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, mô hình du lịch của anh Dê đã thu hút rất nhiều khách du lịch tới đây trải nghiệm. Anh Dê đã liên kết, kết nối với các hộ dân trên địa bàn xã La Pán Tẩn hình thành các tour, tuyến, dịch vụ hậu cần để phục vụ du khách tham quan.
Trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy, chị Lý Thị Ninh - Quản lý HTX Dệt thổ cẩm xã Chế Cu Nha, người kết nối đưa thổ cẩm của người Mông vươn ra thế giới cho hay: "HTX có 23 thành viên là người dân tộc Mông, người cao tuổi nhất đã gần 70, trẻ nhất cũng mới qua 16. Làm dệt thổ cẩm mỗi người có khoản thu nhập riêng, mỗi tháng từ 1,5 đến 2 triệu đồng, có tiền mua sắm đồ đạc, có tiền cho con ăn học và đặc biệt có thể tự làm đẹp cho mình. Chị em phấn khởi lắm!".
Cuộc sống ấm no của đồng bào Mông đang được hiện hữu không chỉ ở Mù Cang Chải mà cả ở Trạm Tấu. Đồng bào Mông Trạm Tấu đã biết làm du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, mạo hiểm thu hút du khách. Không chỉ làm du lịch, họ còn biết liên kết trong sản xuất, hỗ trợ nhau trong làm ăn, phát triển kinh tế gia đình từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy thăm mô hình chăn nuôi trâu bò của hộ gia đình anh Giàng A Mua ở thôn Khấu Ly, xã Bản Mù.
Mô hình chăn nuôi trâu bò của hộ gia đình anh Giàng A Mua ở thôn Khấu Ly, xã Bản Mù là một điển hình như thế. Đây là mô hình được hỗ trợ theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh từ năm 2021. Gia đình anh Mua đang nuôi 17 con trâu, bò theo hình thức nuôi nhốt, bán chăn thả bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không những vậy, anh Mua còn hỗ trợ, liên kết với nhiều hộ trong thôn để mở rộng sản xuất. Nhờ được hướng dẫn, anh đã trồng cỏ voi, trồng ngô sinh khối để ủ men chua làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò; chuồng trại được xây dựng kiên cố đủ ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè.
"Cách làm mới thế, có khó cho anh không và thu nhập thế nào?” - Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy hỏi.
"Cũng không khó lắm, Bí thư à. Mình hỏi thì cán bộ hướng dẫn ngay. Năm đầu tiên, trừ chi phí đã lãi được 210 triệu đồng rồi. 100 triệu đồng thì đưa vợ làm ngay cái sổ đỏ, à quên... là sổ tiết kiệm. Số còn lại, dành một ít để sinh hoạt, còn thì mua thêm trâu, bò giống về nuôi. "Nuôi trâu, nuôi bò thế này còn dễ hơn đi làm nương mà thu nhập lại cao hơn. Làm nương mấy ai có được trăm triệu đút túi như mình đâu!” - anh Mua phấn khởi.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cũng rất vui khi thấy chính sách hỗ trợ chăn nuôi theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh được người dân vùng cao đón nhận và thực sự là một "điểm tựa” nữa cho bà con trong phát triển sản xuất. Tiền hỗ trợ không nhiều song đã giúp họ có thêm động lực vươn lên.
Bí thư Tỉnh ủy đã trao đổi với Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu Giàng A Thào cần nhân rộng mô hình này ra các xã khác để nhiều hộ chăn nuôi được thụ hưởng; liên kết các hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ hướng đến thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã. Bí thư Thào cho biết, Trạm Tấu đã có 42 mô hình chăn nuôi được hỗ trợ; có 8 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 6 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp quyền xác nhận bảo hộ; các sản phẩm chủ lực, đặc sản của huyện đã bước đầu giúp người dân xóa đói, giảm nghèo nâng cao thu nhập...
Bừng khát vọng vươn lên
Non cao đang bừng sáng, vươn mình mạnh mẽ với sức xuân, vùng cao Yên Bái đang đổi mới đi lên. Dọc tuyến đường lên Trạm Tấu, Mù Cang Chải, những người nông dân tích cực ra đồng gieo cấy lúa xuân. Trên công trường, xưởng máy, không khí lao động vẫn duy trì như chưa từng qua đợt nghỉ tết. Không lơ là công việc sau tết, Yên Bái tập trung thực hiện ngay các nhiệm vụ chính trị, nhanh chóng đưa các hoạt động trở lại bình thường, đảm bảo các hoạt động an toàn thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân.
Qua kiểm tra thực tế, nắm bắt tình hình từ cơ sở và nghe báo cáo của hai địa phương khó khăn nhất tỉnh về kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị từ đầu nhiệm kỳ đến nay; công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả tổ chức tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, mới thấy hai địa phương này cần phải có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn để sớm thực hiện mục tiêu ra khỏi huyện nghèo.
Tại các buổi làm việc với cán bộ chủ chốt hai huyện, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đánh giá: từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đảng bộ các huyện đã chủ động, linh hoạt, triển khai đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo các giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhiệm vụ chính trị, thực hiện thắng lợi mục tiêu vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả dịch bệnh COVID-19; tổ chức thành công toàn diện cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã vượt lên những khó khăn, thách thức của những huyện nghèo của cả nước mà triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị thể hiện rõ nét thông qua kết quả thực hiện Chương trình hành động số 18 của Tỉnh ủy.
Mù Cang Chải là một trong hai đơn vị đứng đầu, Trạm Tấu đứng thứ 5/9 địa phương trong toàn tỉnh. Đây chính là cơ sở, tiền đề quan trọng để các địa phương phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị của năm 2022 và của cả nhiệm kỳ.
Chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục như công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ ở cơ sở, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, sản lượng, chất lượng nông sản còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thiên nhiên, thời tiết; thương mại, dịch vụ phát triển chậm, thiếu bền vững; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông còn thiếu và chưa đồng bộ, một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước…; đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy yêu cầu các đại biểu tham dự buổi làm việc với cán bộ chủ chốt hai huyện tham gia ý kiến, đề xuất các giải pháp để làm sao thực hiện cho bằng được mục tiêu đến năm 2025 Trạm Tấu cơ bản không còn là huyện nghèo và Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch và cơ bản thoát nghèo.
Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên cho biết: Mù Cang Chải tập trung thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm thúc đẩy khởi nghiệp; khuyến khích thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo phương châm tích cực và bền vững; huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng phát triển du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển.
Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu Giàng A Thào xác định: Trạm Tấu tập trung thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung đổi mới phương thức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa; hình thành các chuỗi liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với người nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng bán chăn thả, kinh tế trang trại hộ gia đình.
Đại tá Đặng Hồng Đức - Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp phụ trách huyện Trạm Tấu thì trăn trở làm sao để Trạm Tấu sớm thoát nghèo. Tỉnh đã rất quan tâm và đầu tư mở rộng con đường nối quốc lộ 32 từ thị xã Nghĩa Lộ với tỉnh lộ 174 giúp Trạm Tấu phá được thế độc đạo, kết nối với Nghĩa Lộ nhanh hơn. Cơ hội đã có, Trạm Tấu cần tập trung vào công tác đào tạo nghề, nhất là nghề phi nông nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Để hiện thực hóa mục tiêu thoát nghèo, Trạm Tấu cần thể hiện khát vọng mạnh mẽ hơn nữa, quyết tâm lớn hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong công tác giảm nghèo; mỗi cán bộ, đảng viên phải là tấm gương sáng trong công tác giảm nghèo để người dân học tập và làm theo.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại buổi làm việc, trong đó tất cả lãnh đạo các xã, thị trấn của hai huyện đều có ý kiến phát biểu, tập trung nêu ra những khó khăn, kiến nghị với những người đứng đầu tỉnh để tìm giải pháp thực hiện, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy các cấp thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, khơi dậy mạnh mẽ ý chí, khát vọng lớn hơn, quyết tâm cao hơn trong cán bộ, đảng viên, lan tỏa sâu rộng khát vọng và ý chí thoát nghèo tới các tầng lớp nhân dân cùng quyết tâm nỗ lực đưa huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải thoát nghèo nhanh và bền vững.
Đảng bộ hai địa phương cần cơ cấu lại kinh tế trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; đẩy mạnh liên kết sản xuất.
Từ các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện chỉ đạo, hướng dẫn người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đặc sản của địa phương; phát triển chăn nuôi theo hướng bán chăn thả, kinh tế trang trại hộ gia đình; tận dụng tối đa lợi thế về tài nguyên rừng, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển lâm sản ngoài gỗ, các giống cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao dưới tán rừng tự nhiên, rừng phòng hộ để bảo vệ tài nguyên rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; tăng cường thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư liên doanh, liên kết với các hộ nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông - lâm nghiệp theo chuỗi giá trị.
Trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế về văn hóa, cảnh quan, địa hình để phát triển du lịch, Trạm Tấu và Mù Cang Chải cần xác định đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, có kinh nghiệm đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc như du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, mạo hiểm; phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong tỉnh, các công ty du lịch để tăng cường kết nối các tour du lịch với các địa phương lân cận.
Cây rau mầm đá - loại cây trồng mới được thử nghiệm tại cánh đồng thôn Nậm Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải đã mang lại thu nhập cao cho người dân.
Đối với Mù Cang Chải, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch đưa huyện Mù Cang Chải sớm trở thành huyện du lịch, là điểm đến "bản sắc, an toàn, thân thiện”; tập trung thu hút, hỗ trợ tối đa các tập đoàn, nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm, năng lực tài chính, đầu tư bài bản để phát triển du lịch, quyết tâm đưa Mù Cang Chải trở thành trung tâm du lịch của cả vùng Tây Bắc.
"Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” - lời phát biểu ấy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thấm và ngấm vào từng cán bộ, đảng viên Yên Bái. Những người đứng đầu tỉnh "gần dân, bám cơ sở” về với những vùng đất khó khăn nhất để thổi bùng lên ngọn lửa, ý chí quyết tâm cao hơn nữa của những cán bộ ở cơ sở... Lộ trình đã có, giải pháp đã rõ, những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới cũng đã về với dân để tiếp thêm sinh lực mới cho vùng cao Yên Bái ngày càng khởi sắc.
Mạnh Cường