Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ngành của tỉnh.
Buổi làm việc được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tới các điểm cầu tại các huyện, thị, thành uỷ trong tỉnh.
Yên Bái tăng 13 bậc xếp hạng chuyển đổi số
Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, công tác tham mưu, thực thi quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định. Nổi bật trong đó là nhiệm vụ chuyển đổi số, bước đầu đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp. Ngành đã tham mưu cho tỉnh ban hành Nghị quyết số 51/NQ-TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình hành động số 15/CTr-UBND ngày 26/10/2021 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU. Đây là 2 văn bản mang tính chất nền tảng, tạo lập con đường chuyển đổi số cho tỉnh Yên Bái.
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo kết quả tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành từ đầu nhiệm kỳ tới nay.
Buổi làm việc được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tới các điểm cầu tại các huyện, thị, thành uỷ trong tỉnh.
Cùng với đó, ngành tham mưu, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các mô hình, nền tảng ứng dụng công nghệ số, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần đưa thứ hạng chuyển đổi số của tỉnh đứng thứ 27/63 tỉnh, thành năm 2021, tăng 13 bậc so với năm 2020.
Ngành cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông phát triển, mở rộng hạ tầng phục vụ chuyển đổi số. Đến hết tháng 7/2022, tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 96%. Yên Bái hiện đứng thứ 10/63 tỉnh, thành về số lượng tài khoản hoạt động trên sàn thương mại điện tử; đứng thứ 9/63 tỉnh, thành có tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số và đứng tứ 6/63 tỉnh, thành trong việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Toàn tỉnh có 2/9 đơn vị cấp huyện đã ban hành đề án về chuyển đổi số; 9/9 huyện, thị xã, thành phố lựa chọn những mô hình chuyển đổi số phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương; 100% xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố đã thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng với trên 10.800 thành viên.
Ngành cũng đã có nhiều nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu và tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin và truyền thông. Công tác cải cách hành chính được quan tâm thực hiện tốt…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Tạ Văn Long phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tham gia ý kiến làm rõ về các kết quả hoạt động của ngành thông tin và truyền thông từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ của ngành, địa phương trong thời gian tới.
Tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 51
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Đức Duy ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà tập thể cán bộ, đảng viên ngành thông tin và truyền thông đạt được trong thời gian qua, đã góp phần tích cực, quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.
Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Đức Duy phát biểu kết luận buổi làm việc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Đó là, còn những hạn chế, bất cập về hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là công tác quản lý thông tin, báo chí;hạn chế trong hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số; chuyển đổi số mới chỉ đạt được một số kết quả ban đầu, chưa thực sự đi vào chiều sâu; hạn chế trong tư duy, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về chuyển đổi số, nhất là ở những địa bàn khó khăn…
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu, ngành thông tin và truyền thông xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng, tiên phong, dẫn dắt của ngành trong việc tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cấp ủy và chính quyền các cấp trong quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin và truyền thông và thực hiện chuyển đổi số. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành cần tích cực, chủ động hơn nữa, không ngừng đổi mới tư duy, năng động, chủ động, sáng tạo, bứt phá trong công tác tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng yêu cầu ngành cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 51/NQ-TU của Tỉnh ủy, Chương trình hành động số 15/CTr-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh năm 2022; trong đó, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh.
Phát huy vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh, tích cực hướng dẫn, tham vấn và phối hợp với các huyện, thị, thành ủy, đảng uỷ trực thuộc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Tổ chức sơ kết việc thí điểm và đề xuất nhân rộng các mô hình chuyển đổi số bảo đảm thiết thực, hiệu quả; tiếp tục học tập các mô hình hay, cách làm hiệu quả của các địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số để nghiên cứu, triển khai phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.
Cùng với đó, tham mưu và tổ chức thực hiện các giải pháp đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng đề nghị ngành cần tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Chương trình hành động số 56-CTr/TU của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin, báo chí và xuất bản. Quan tâm xây dựng, tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cho tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính. Tập trung chỉ đạo triển khai tích cực sử dụng các nền tảng, ứng dụng phục chuyển đổi số cho công chức, viên chức, lao động trong ngành…
Thu Trang - Đức Toàn