Trong những năm qua, tỉnh thực hiện chính sách trong Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ, NQ số 70/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã mang lại hiệu quả rất thiết thực, góp phần vào việc phát triển GDĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.
Việc thực hiện những chính sách này là nhân tố quan trọng trong huy động học sinh DTTS ra lớp, thực hiện chuyên cần, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, NQ số 70/2020/NQ-HĐND mới chỉ quy định hỗ trợ kinh phí nấu ăn cho học sinh được hưởng chế độ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, chưa quy định hỗ trợ kinh phí nấu ăn cho học sinh được hưởng chế độ theo quy định của NQ số 70/2020/NQ-HĐND.
Bên cạnh công tác giáo dục dân tộc, giáo dục mũi nhọn cũng được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh hết sức quan tâm. Theo đó, những năm qua, tỉnh có học sinh đạt giải tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế; nhiều giảng viên, giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm trong bồi dưỡng học sinh giỏi đã có học sinh đạt giải nhất, nhì tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc đạt giải tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, NQ số 70/2020/NQ-HĐND chỉ áp dụng chính sách đối với lực lượng bồi dưỡng học sinh giỏi là "chuyên gia, giáo sư, phó giáo sư” nên đã gây khó khăn trong bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh.
Tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861 phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; theo đó, học sinh có hộ khẩu tại xã đặc biệt khó khăn đang được hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP sẽ không tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Trên thực tế, những học sinh đang hưởng chính sách đa số là người DTTS, điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, do nhà xa trường không thể đi và về trong ngày nên phải ở lại trường hoặc thuê nhà trọ để học tập.
Khi không được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn, gạo, gia đình học sinh sẽ gặp khó khăn trong việc cho các cháu đi học, ảnh hưởng tới công tác huy động, tổ chức quản lý học sinh vùng đồng bào DTTS. Là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu nên qua trao đổi, thảo luận, các đại biểu nhận thấy đây là các nội dung chính sách rất quan trọng, phù hợp với tình hình thực tế triển khai các nhiệm vụ về giáo dục và khả năng ngân sách địa phương.
Do đó, HĐND tỉnh thống nhất bổ sung chính sách hỗ trợ kinh phí cho trường phổ thông dân tộc bán trú tổ chức nấu ăn trưa cho học sinh học 2 buổi/ngày; hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng đang hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP kể từ khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025 cho đến hết năm học đang hưởng.
Cùng đó, sửa đổi cụm từ "chuyên gia, giáo sư, phó giáo sư” thành cụm từ "chuyên gia, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên, giáo viên không thuộc biên chế của tỉnh Yên Bái” và sửa đổi cụm từ "Đối với chuyên gia, giáo sư, phó giáo sư, giảng viên, giáo viên” thành cụm từ "Đối với chuyên gia, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên, giáo viên”.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của NQ số 70/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh Yên Bái về ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp GDĐT tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để UBND tỉnh tiếp tục triển khai các thủ tục bảo đảm thực hiện các chính sách về GDĐT, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện cho học sinh, chú trọng phát triển giáo dục vùng dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, còn tạo công ăn việc làm tại địa phương, giúp giảm nghèo bền vững đối với trường hợp hộ nghèo tham gia nấu ăn cho học sinh. Duy trì chất lượng giải học sinh giỏi cấp quốc gia, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh.
Thanh Chi