Là đơn vị hành chính có vị trí chiến lược của đất nước nói chung và của tỉnh Yên Bái nói riêng, trong lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước, giành lại độc lập tự do của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải đã một lòng theo Đảng đoàn kết vượt mọi khó khăn, cống hiến sức người, sức của, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ, đập tan âm mưu thổ phỉ hóa của thực dân Pháp và sự can thiệp của đế quốc Mỹ.
Ngay sau ngày thành lập, Đảng bộ, chính quyền đã tập trung lãnh đạo nhân dân xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội. Phát huy truyền thống của huyện anh hùng trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải đã khắc phục khó khăn, luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ đã đề ra. Kinh tế huyện tiếp tục phát triển khá toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Từ một huyện thiếu đói triền miên, đến nay Mù Cang Chải đã đảm bảo về an ninh về lương thực với sản lượng bình quân đạt trên 700kg/người/năm; tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp tăng nhanh, đang từng bước trở thành ngành sản xuất hàng hóa; công tác khoanh nuôi bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm với tỉ lệ che phủ năm 2021 đạt 67,7%.
Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 420 tỷ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 394 tỷ đồng; trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa 294 tỷ đồng.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn miền núi ngày một khang trang; tỉ lệ hộ nghèo những năm gần đây giảm bình quân trên 8%/năm. Trong 9 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 346,33 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, đạt 74% so với kế hoạch; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 292,2 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, đạt 72% so với kế hoạch.
Đến nay, 100% các xã có đường bê tông đến trung tâm; 100% các bản có đường xe máy đi được 4 mùa; tỷ lệ hộ dân nghe, xem truyền hình đạt 95,9%; tỷ lệ phủ sóng mặt đất đạt 91,6%; 85,6% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 14/14 xã, thị trấn đều được phủ sóng điện thoại và mạng Internet; hệ thống thương mại dịch vụ ngày càng phát triển đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa.
Đồng chí Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mù Cang Chải (thứ 2, phải sang) cùng lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện kiểm tra sản xuất cây ngô đồi tại cơ sở.
Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ mới, hằng năm tạo việc làm mới cho trên 1.200 lao động; tỷ lệ dân số tham gia thẻ bảo hiểm y tế đạt 99,1%. Toàn huyện có 40 trường, với 22.716 học sinh; duy trì, nâng cao chất lượng 09 trường đạt chuẩn quốc gia; triển khai thực hiện mô hình "Trường học hạnh phúc”, "Lớp học hạnh phúc” tại 37 đơn vị trường, xây dựng mô hình "Trường học du lịch” tại 6 đơn vị trường; hệ thống cơ sở vật chất ngành y tế được quan tâm đầu tư đồng bộ theo hướng chuẩn hóa, 11 xã đạt các tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đủ các loại vắc xin đạt 98%; công tác dân số kế hoạch hóa gia đình thường xuyên được quan tâm; phong trào thể dục, thể thao, văn hóa văn nghệ tiếp tục duy trì và phát triển, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; quốc phòng - an ninh thường xuyên được tăng cường và giữ vững, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn huyện giải quyết việc làm 940 người, đạt 78,3% kế hoạch, tăng 8,4% so với cùng kỳ; chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp 282 người, đạt 74,2% kế hoạch.
Từ chi bộ ghép thành lập đầu tiên năm 1957 với 3 đảng viên, cuối năm 1960 thành lập được 6 chi bộ các xã với tổng số 40 đảng viên, đến nay, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải có 32 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy với tổng số 177 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở, 3.076 đảng viên.
Việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân” đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, tư tưởng, ý thức tự giác, trách nhiệm trong công việc của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, tập hợp rộng rãi quần chúng nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa huyện Mù Cang Chải không ngừng đổi mới, từng bước rút gần khoảng cách với các huyện vùng thấp.
Với những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải đạt được trong 65 năm xây dựng và phát triển, nhất là 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, năm 2000, Mù Cang Chải được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”; năm 1998, xã Cao Phạ được phong tặng "Anh hùng lực Lượng vũ trang” thời kỳ kháng chiến chống Pháp; năm 2007, Mù Cang Chải được Nhà nước cấp bằng công nhận "Danh thắng Ruộng bậc thang cấp Quốc gia”; năm 2012, huyện đón nhận "Huân chương Lao động hạng Nhất” và đón nhận bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia "Nơi thành lập Đội Du kích Khau Phạ”; năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định xếp hạng Di tích cấp Quốc gia đặc biệt cho Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải và nhiều phần thưởng cao quý khác cho các tập thể, cá nhân, cán bộ và nhân dân huyện Mù Cang Chải.
Những thành tựu đạt được là điểm tựa để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải vững bước trên chặng đường tiếp tục công cuộc đổi mới. Trải qua 19 lần đại hội, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải đã không ngừng tôi luyện, thử thách, tích lũy, đúc rút nhiều bài học quý. Viết tiếp trang sử truyền thống hào hùng, xứng danh với danh hiệu "Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”, Đảng bộ huyện xác định một số nhiệm vụ trọng tâm tập trung thực hiện tốt, cụ thể:
Một là, tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ trước mắt, lâu dài có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thu hút đầu tư vào phát triển nông lâm nghiệp, du lịch và dược liệu; thúc đẩy khởi nghiệp, đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế, trọng tâm phát triển là kinh tế tư nhân, các hợp tác xã, tổ hợp tác kinh tế.
Hai là, cơ cấu lại kinh tế nông - lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững. Trong đó, tập trung phát triển mạnh các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị, tạo sinh kế ổn định, bền vững cho nhân dân. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch gắn với chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông - lâm nghiệp, dược liệu; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tôn tạo, phát huy giá trị Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang; tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên rừng gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái.
Ba là, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kinh tế - xã hội, trước hết là hạ tầng giao thông, hạ tầng y tế, giáo dục theo hướng đồng bộ, phù hợp với yêu cầu phát triển, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tập trung đổi mới tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ du lịch; đồng thời, khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần khởi nghiệp trong nhân dân và thế hệ trẻ.
Bốn là, đẩy mạnh cải cách nền hành chính công, thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lĩnh vực phát triển du lịch theo hướng phát triển: xanh, hài hòa, bản sắc. Đồng thời, triển khai đồng bộ việc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo của một huyện vùng cao Mù Cang Chải. Theo đó, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thi công tuyến đường kết nối Mù Cang Chải với nút giao IC 15, đường Cao tốc Nội Bài - Lao Cai, huyện Mù Cang Chải sẽ tập trung triển khai Đề án xây dựng Mù Cang Chải thành huyện du lịch và Quy hoạch vùng huyện Mù Cang Chải đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050 với 5 tiểu vùng được xác định bao gồm:
Tiểu vùng 1: Trung tâm dịch vụ đô thị - là vùng động lực chính của huyện Mù Cang Chải, bao gồm thị trấn Mù Cang Chải và xã Kim Nọi. Là vùng tập trung các hoạt động thương mại dịch vụ đô thị gắn với đón tiếp du lịch; cung cấp các dịch vụ lưu trú, ẩm thực, giải trí, giao lưu văn hóa, và các tiện ích khác có liên quan dành cho khách du lịch.
Tiểu vùng 2: Vùng kinh tế năng lượng - là vùng động lực phía Tây Bắc của huyện Mù Cang Chải, bao gồm xã Hồ Bốn, xã Lao Chải, xã Khao Mang. Là vùng tập trung các hoạt động khai thác năng lượng đổi mới (thủy điện, phong điện, điện mặt trời) gắn với thủy lợi và nông nghiệp; trồng, khai thác và chế biến cây lương thực, cây hàng năm, cây lâu năm và dược liệu; chăn nuôi gia súc; nuôi cá lồng trên hồ thủy điện. Ngoài ra, đây còn là nơi cung cấp các dịch vụ liên quan đến dịch vụ du lịch, lưu trú nghỉ dưỡng trên hồ.
Tiểu vùng 3: Vùng bảo tồn đa dạng sinh học và dự trữ sinh quyển - là vùng động lực phía Tây Nam của huyện Mù Cang Chải, bao gồm toàn bộ xã Chế Tạo. Là vùng tập trung các hoạt động trồng, khai thác cây lương thực; chăn nuôi dê. Ngoài ra, đây còn là nơi cung cấp các dịch vụ liên quan đến bảo tồn và nghiên cứu về môi trường, sinh vật, du lịch thám hiểm rừng có trách nhiệm: trekking, đạp xe xuyên rừng, trượt zipline, v.v.
Tiểu vùng 4: Vùng trọng điểm phát triển du lịch mạo hiểm và nghỉ dưỡng tự nhiên - là vùng động lực phía Đông Nam của huyện, bao gồm xã La Pán Tẩn, xã Dế Xu Phình, xã Púng Luông, xã Nậm Khắt, xã Cao Phạ. Là vùng tập trung các hoạt động liên quan đến sản xuất hoa (hoa tươi, chế phẩm, hương dược liệu từ hoa, tham quan trải nghiệm...); trồng, khai thác và chế biến các loại cây đặc sản (dược liệu, sơn tra, thảo quả...); trồng, khai thác và chế biến các loại cây lương thực, cây hàng năm khác, cây lâu năm; chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò...), lợn đen bản địa, gà đen, ong mật; nuôi trồng thủy sản nước lạnh (cá tầm, cá hồi...); dự trữ tài nguyên khoáng sản (chì, kẽm, sắt, thạch anh...) cho các ngành sản xuất công nghệ cao trong tương lai.
Tiểu vùng 5: Vùng kinh tế nông lâm nghiệp đặc sản - là vùng động lực phía Đông Bắc trong tương lai của huyện Mù Cang Chải, bao gồm xã Mồ Dề, xã Chế Cu Nha, xã Nậm Có, với trục đường IC15 nối Quốc lộ 32 với Cao tốc Nội Bài - Lào Cai cùng với trung tâm các xã Nậm Có, Chế Cu Nha tạo thành hệ thống động lực hỗ trợ sự phát triển của tiểu vùng. Là vùng cung cấp các dịch vụ liên quan đến du lịch thiên nhiên kết hợp trải nghiệm nông nghiệp (trồng lúa, lâm sản, dược liệu...); du lịch dưới tán rừng. Ngoài ra, đây còn là vùng tập trung các hoạt động trồng cây đặc sản (dược liệu, sơn tra, thảo quả...); trồng lương thực đặc sản (gạo Séng Cù, Nếp Tan...); chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, dê...); dự trữ tài nguyên khoáng sản (chì, kẽm, sắt, thạch anh v.v.) cho các ngành sản xuất công nghệ cao trong tương lai.
Với tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, Mù Cang Chải đã và đang quyết tâm trở thành huyện du lịch - là điểm đến "Bản sắc, an toàn, thân thiện”; phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo.
Nông Việt Yên
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh,
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mù Cang Chải