Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ hân hạnh đón tiếp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tại Nhà Quốc hội Việt Nam; nhấn mạnh, chuyến thăm của Tổng Thư ký có ý nghĩa đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc.
Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Liên Hợp Quốc là một đối tác quan trọng hàng đầu của đối ngoại đa phương, đã hỗ trợ rất thiết thực để Việt Nam tái thiết đất nước sau chiến tranh, phá thế bao vây, cấm vận, đổi mới toàn diện đất nước và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Liên Hợp Quốc đã hỗ trợ Việt Nam cả về tài chính, kỹ thuật, cải cách thể chế kinh tế, hành chính công, luật pháp, giảm nghèo, thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống HIV/AIDS, phát triển hệ thống tài chính, ngân hàng...
Trong đại dịch Covid-19, thông qua cơ chế COVAX, Liên Hợp Quốc đã cung cấp cho Việt Nam hơn 61,7 triệu liều vaccine, là nhân tố quan trọng hỗ trợ Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh, phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng và đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Liên Hợp Quốc là diễn đàn quan trọng hàng đầu để Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế bằng việc tham gia, đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào hoạt động của Liên Hợp Quốc.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, kết quả chuyến thăm sẽ tạo xung lực mới, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam – Liên Hợp Quốc tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ vui mừng sang thăm Việt Nam và Nhà Quốc hội Việt Nam. Ông chia sẻ, Việt Nam là đất nước ông đã luôn dõi theo và hết sức khâm phục từ những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cho đến giai đoạn phát triển như ngày nay với những thành công rất lớn, trở thành tấm gương trong cộng đồng quốc tế về xóa đói giảm nghèo, phát triển và hội nhập quốc tế.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, Việt Nam luôn là một trong những thành viên hết sức năng động và có nhiều cống hiến cho Liên Hợp Quốc. Những thành công mà Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và những đóng góp với cộng đồng quốc tế đã góp phần khỏa lấp khoảng cách giữa các nước giàu và các nước nghèo, nhất là vào thời điểm hiện nay khi thế giới đang có nhiều biến động, các nguồn lực hiện không còn dồi dào sau đại dịch Covid – 19.
"Việt Nam là một tấm gương vô cùng đặc biệt. Tất cả những nỗ lực mà Việt Nam đã thể hiện trong thời gian vừa qua là một sự đột phá. Việt Nam hoàn toàn tự hào vì tiếng nói của các bạn được tất cả các quốc gia tôn trọng. Các bạn là tấm gương về sự thống nhất để mang lại những lợi ích cho người dân”. Nhấn mạnh điều này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cũng cho rằng, "trên con đường phát triển của mình, Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển tốt hơn. Tiếng nói của các bạn là tiếng nói của phát triển”.
Phân tích những thách thức với cộng đồng quốc tế, nhất là các quốc gia đang phát triển hiện nay, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng, Việt Nam và Liên Hợp Quốc cần phải sát cánh bên nhau để có được sự bình đẳng trong phát triển kinh tế, không phải chỉ trong giai đoạn hiện nay mà còn mang lại sự công bằng, bình đẳng, tránh khoảng cách ngày càng lan rộng giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc tiếp tục quan tâm, thúc đẩy tăng cường kết nối giữa Quốc hội Việt Nam với các hoạt động của Liên Hợp Quốc, giữa các cơ quan của Liên Hợp Quốc với Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) cũng như các cơ chế đa phương liên quan khác.
Về vấn đề biển và đại dương, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là Hiến pháp về biển và đại dương có tính toàn vẹn và phổ quát, điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển. Việt Nam sẵn sàng ủng hộ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đối phó với các thách thức chung làm ảnh hưởng đến hòa bình hữu nghị, an ninh, an toàn và tự do hàng hải.
Chia sẻ các đề xuất của Chủ tịch Quốc hội, về vấn đề biển Đông, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc hoan nghênh các sáng kiến của Việt Nam; khẳng định Liên Hợp Quốc luôn hỗ trợ hết sức Việt Nam theo khuôn khổ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
(Theo ANTD)