Khắc phục vướng mắc của Luật Giao dịch điện tử

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/10/2022 | 7:45:17 AM

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cần khắc phục vướng mắc, bất cập của Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Sáng ngày 25/10, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Theo đó, cần thiết ban hành luật, nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước; khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Xây dựng luật nhằm tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Qua đó, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Đồng thời, khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực. Ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh, chi phí thấp, tiếp cận dễ, được bảo đảm an toàn, tin cậy hơn.

Về bố cục và nội dung chính, Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có 8 chương và 57 điều, trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 9 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP. Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung mở rộng phạm vi điều chỉnh; chính sách về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; chính sách về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, chính sách về dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử; sửa đổi, bổ sung quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử; sửa đổi quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước và về dữ liệu và dữ liệu số; sửa đổi quy định về an toàn, an ninh, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử.

Theo đó dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dẫn chiếu, yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng, bổ sung quy định về an toàn thông điệp dữ liệu. Về điều khoản thi hành, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành để đảm bảo việc thực thi Luật sau khi được ban hành phù hợp với thực tế.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) năm 2005.


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, về cơ bản, các quy định của dự thảo Luật phù hợp với cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) có liên quan. Tuy nhiên, vẫn có một số quy định chưa hoàn toàn bám sát các yêu cầu của cam kết hoặc còn thiếu các quy định so với yêu cầu của cam kết.

Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cũng chưa thể hiện toàn diện các nguyên tắc và chính xác khái niệm thông điệp dữ liệu (khoản 3 Điều 3 dự thảo Luật) như Luật mẫu về thương mại điện tử 1996 (UNCITRAL). Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm tính tương thích với điều ước quốc tế.

Đa số ý kiến Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật trong bối cảnh công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam. Đồng thời, cơ bản tán thành với quy định về đối tượng áp dụng như tại Điều 2 dự thảo Luật, có sự kế thừa của Luật hiện hành.

(Theo GD&TĐ)

Các tin khác
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, Tổ trưởng tổ thảo luận đã tham gia ý kiến vào Dự án luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Thảo luận ở tổ chiều 24/10, cùng đại biểu các tỉnh Quảng Nam, Đồng Tháp, Hòa Bình, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Tổ trưởng Tổ thảo luận đã tham gia ý kiến vào Dự thảo nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Ông Phùng Xuân Nhạ

Ngày 24/10, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Phùng Xuân Nhạ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận phát biểu ý kiến tại tổ thảo luận.

Chiều nay - 24/10, các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái thảo luận ở tổ cùng đại biểu các tỉnh Quảng Nam, Đồng Tháp, Hòa Bình về Dự thảo nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức. Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy – Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, Tổ trưởng tổ thảo luận chủ trì thảo luận.

Chiều 24/10, UBND tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị giao ban báo chí quý III, triển khai nhiệm vụ quý IV năm 2022.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục