Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm chính sách hỗ trợ đối với tổ hợp tác

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/11/2022 | 4:32:02 PM

YênBái - Chiều 1/11, thảo luận ở tổ cùng đại biểu các tỉnh Quảng Nam, Đồng Tháp, Hòa Bình, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã tham gia ý kiến vào Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng thủ dân sự.


Về dự án Luật hợp tác xã sửa đổi, đại biểu Đỗ Đức Duy cho rằng cả hai phương án đưa ra tên gọi thì đều có cơ sở. Đối với phương án tên gọi thì giữ nguyên như tên gọi hiện nay là Luật Hợp tác xã sửa đổi như nhiều đại biểu có ý kiến đã quen thuộc, đã được thể hiện trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách khác nhau, cho nên dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ thực hiện. 

Tuy nhiên, nếu như theo giải trình của Chính phủ thì Luật về các tổ chức kinh tế hợp tác, thứ nhất là phù hợp với thông lệ quốc tế; thứ hai là phù hợp với Nghị quyết của Trung ương Đảng về phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, trong đó hợp tác xã là nòng cốt; thứ ba là phù hợp với việc mở rộng phạm vi. Đại biểu cho là tên gọi là một vấn đề nhưng quan trọng là phạm vi điều chỉnh và nội hàm được điều chỉnh trong dự án luật cần thể hiện rõ hơn.

Đại biểu nhấn mạnh, "Nếu như chúng ta tiếp cận theo xu thế hội nhập phù hợp với Nghị quyết của Trung ương Đảng thì ta đặt tên là Luật các tổ chức kinh tế hợp tác. Được hiểu là điều chỉnh với các tổ chức kinh tế mà hoạt động theo hình thức hợp tác giữa các pháp nhân, các thể nhân, các tổ chức, cá nhân với nhau”.

Nội dung thứ hai, đại biểu cũng đồng tình với một số đại biểu, thấy rằng điểm mới của luật lần này đó là đưa vào nội dung điều chỉnh với tổ hợp tác. Tuy nhiên, các nội dung điều chỉnh trong dự án luật đối với tổ hợp tác thì còn khá sơ sài. Đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định rõ hơn về địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân, người đại diện, con dấu, tài khoản, đặc biệt là quyền và trách nhiệm của tổ hợp tác trong thực hiện các giao dịch dân sự các giao dịch kinh tế, giải quyết tranh chấp trong các giao dịch dân sự, giao dịch kinh tế với chủ thể là tổ hợp tác. 

Hiện nay, trong dự thảo luật quy định tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân nhưng lại quy định tổ hợp tác được tham gia các giao dịch dân sự, các giao dịch kinh tế tương tự như hợp tác xã, tức là tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân. Ngoài ra, chế độ chính sách hỗ trợ đối với tổ hợp tác theo dự thảo luật còn rất hạn chế, chỉ có duy nhất một chính sách, đó là khi tổ hợp tác chuyển đổi thành mô hình hợp tác xã thì được hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ khác đối với hợp tác xã như đào tạo nguồn nhân lực, các chính sách hỗ trợ về tín dụng, về hạ tầng, về đất đai… thì tổ hợp tác lại chưa có quy định được tiếp cận các chính sách này, đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm chính sách hỗ trợ đối với tổ hợp tác.

Vấn đề thứ ba, liên quan đến quản lý nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác, đại biểu cho rằng Bộ luật đang điều chỉnh về hoạt động của một loại hình kinh tế, đó là tổ chức kinh tế hợp tác. Vì vậy, nên quy định theo hướng cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư kinh doanh nói chung và cũng là cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, đồng thời cũng là cơ quan quản lý nhà nước về các tổ chức kinh tế hợp tác, trong đó có hợp tác xã. 

Cụ thể như hiện nay, ở Trung ương là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ở địa phương là Sở Kế hoạch và Đầu tư và cấp huyện là Phòng Kế hoạch Tài chính, tức là cơ quan đăng ký kinh doanh. Vì đây bản chất là quản lý với một loại hình kinh tế nó cũng giống như doanh nghiệp, tổ chức kinh tế là doanh nghiệp hoặc các hộ gia đình, cá thể hiện nay đều do ngành kế hoạch và đầu tư quản lý mà không giao cho Liên minh hợp tác xã. 

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy phát biểu tham gia vào Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng thủ dân sự chiều 1/11.

Tham gia đối với Luật Phòng thủ dân sự, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, trong dự thảo quy định về các loại thảm họa, sự cố hiện nay trong dự thảo luật đưa ra 3 loại thảm họa, sự cố bao gồm:  thảm họa, sự cố do chiến tranh; thảm họa, sự cố do thiên nhiên hoặc con người và thảm họa, sự cố khác theo quy định của pháp luật. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm thảm họa, sự cố do dịch bệnh vì quy định này cũng phù hợp với giải thích từ ngữ tại Điều 2 trong các loại thảm họa, sự cố thì có loại hình thảm họa, sự cố cho dịch bệnh; nhất là trong thời gian vừa qua khi xảy ra dịch bệnh COVID-19 thì đây thực sự là một loại hình thảm họa sự cố. 

Đối với quy định về kế hoạch phòng thủ dân sự cấp quốc gia và kế hoạch phòng thủ dân sự của các địa phương, đại biểu đề nghị cũng quy định hoặc là có dẫn chiếu các nội dung để làm rõ, kế hoạch phòng thủ dân sự có thay thế các kế hoạch khác như kế hoạch phòng, chống thiên tai hay kế hoạch phòng, chống dịch bệnh này chúng ta đang thực hiện theo quy định của các bộ luật khác hay không. Bởi vì hiện nay theo dự thảo luật, kế hoạch phòng thủ dân sự được hiểu là thực hiện giải quyết các sự cố thảm họa do cả thiên tai, cả dịch bệnh, cả chiến tranh…

Trong dự thảo luật có quy định về việc đánh giá mức độ rủi ro về thảm họa, sự cố để làm cơ sở xác định cấp độ phòng thủ dân sự và để cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban bố, công bố bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự. Nhận thấy, hiện nay quy định về việc công bố các loại hình thảm họa, sự cố được giao cho nhiều cơ quan nhà nước khác nhau mà thường là các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ở Trung ương và UBND các cấp, chưa có sự thống nhất, đại biểu cho rằng trong nội dung của dự thảo luật cần quy định rõ; nếu có thể được thì nên có quy định sửa đổi, bổ sung các bộ luật khác liên quan đến việc công bố, cung cấp thông tin về tình trạng, cấp độ của thảm họa, của sự cố để làm cơ sở kích hoạt các cấp độ phòng thủ khu vực, các hệ thống phòng thủ khu vực. 

Quy định trong dự thảo luật chưa rõ, sẽ khó cho các địa phương khi căn cứ theo các thông tin của các cơ quan trung ương công bố về tình trạng thảm họa, công bố về sự cố để quyết định cấp độ phòng thủ dân sự, cần có quy định theo hướng là dễ vận dụng, dễ thực hiện. 

Đại biểu nêu tình huống , cấp độ dịch bệnh như thế nào thì được kích hoạt hệ thống phòng thủ dân sự cấp huyện, đến cấp độ nào thì kích hoạt hệ thống phòng thủ dân sự cấp tỉnh. Ngoài việc kích hoạt hệ thống phòng thủ dân sự theo các cấp còn liên quan đến nhiều hoạt động khác, ví dụ như thực hiện các thủ tục quản lý nhà nước về xây dựng các công trình trong tình trạng khẩn cấp hay trong hệ thống phòng thủ dân sự thì cần quy định rõ hơn.

Nội dung thứ tư, liên quan đến quỹ phòng thủ dân sự, đại biểu đề nghị cân nhắc không quy định hình thành quỹ phòng thủ dân sự về chức năng thì quỹ này có trùng lắp về chức năng với một số loại quỹ mà hiện nay đã hình thành và đang thực hiện, như Quỹ phòng, chống thiên tai, Quỹ cứu trợ khẩn cấp, quỹ trợ giúp nhân đạo, quỹ vì người nghèo. 

Trên thực tế hiện nay các quỹ này đang tồn tại và hoạt động không có vướng mắc gì. Nếu như chúng ta quy định hình thành quỹ phòng thủ dân sự cùng chức năng với các qũy đó thì liệu rằng có duy trì các quỹ ấy hay không? hay ta chỉ tập trung vào quỹ phòng thủ dân sự. 

"Trên thực tế có một vấn đề từ kinh nghiệm của địa phương, chúng tôi thấy rằng nếu như chúng ta hình thành quỹ phòng thủ dân sự thì sẽ rất khó huy động các nguồn lực từ quốc tế. Nhưng nếu như quỹ về phòng, chống thiên tai, quỹ trợ cứu trợ khẩn cấp hay quỹ trợ giúp nhân đạo thì rất thuận tiện trong việc huy động các nguồn lực từ ngoài nước” - đại biểu cho biết.

Đại biểu đề nghị cân nhắc không quy định loại quỹ này để không phát sinh thêm tổ chức bộ máy, không chồng lấn về chức năng với các loại quỹ đang vận hành ổn định và thuận lợi trong việc huy động các nguồn ủng hộ, tài trợ từ nước ngoài. 

Minh Quang - Hoàng Sâm (lược ghi)

Tags Luật Hợp tác xã Luật Phòng thủ dân sự thảo luận ở tổ kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV Đỗ Đức Duy Nguyễn Quốc Luận Khang Thị Mào đại biểu Quốc hội Yên Bái

Các tin khác
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy - Tổ trưởng tổ thảo luận phát biểu tham gia vào Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng thủ dân sự chiều 1/11.

Chiều 1/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng thủ dân sự. Các đại biểu Quốc hội: Đỗ Đức Duy, Nguyễn Quốc Luận và Khang Thị Mào đã tham gia ý kiến tại tổ thảo luận cùng đại biểu các tỉnh Quảng Nam, Đồng Tháp, Hòa Bình.

Đồng chí An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện trao Quyết định thành lập Ban Tổ chức Huyện ủy.

Chiều 1/11, Huyện ủy Yên Bình tổ chức Hội nghị công bố các Quyết định của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện về công tác tổ chức, cán bộ.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội bắt đầu từ chiều 3/11.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV chính thức diễn ra từ chiều 3/11 và kết thúc vào chiều 5/11. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bày tỏ hết sức vui mừng được gặp lại Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiệt liệt chào mừng Tổng Bí thư sang thăm chính thức Trung Quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục