Chiều 4/11, tại phiên chất vấn đối với lĩnh vực Nội vụ, đại biểu Quốc hội Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) đã nêu vấn đề lương tối thiểu theo vùng, đội ngũ nhân viên làm công tác đơn vị hành chính sự nghiệp như văn thư, thủ quỹ, kế toán thì mức lương cơ bản thấp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đưa ra giải pháp cho vấn đề này?
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Chính phủ trình tại Kỳ họp Quốc hội mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng, tức là tăng lên 20,8%; như vậy, nhân viên đơn vị hành chính cũng trong diện được điều chỉnh mức lương này.
Sau khi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, nếu điều kiện đất nước năm 2023 và những năm tới ổn định tốt, tăng trưởng tốt thì sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương, đảm bảo cao hơn lương tối thiểu vùng.
Tiếp tục nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Quốc hội Tao Văn Giót (đoàn Lai Châu) cho rằng, mục tiêu tinh giản biên chế là nâng cao năng lực bộ máy, thực hiện chính sách tiền lương.
"Vậy, việc tinh giản biên chế có tác động thế nào đến cải cách tiền lương, để bảo đảm đời sống cho cán bộ công chức, viên chức? Việc tinh giản biên chế 10% và kết quả đạt được thời gian qua là rất đáng ghi nhận, nhưng báo cáo của Bộ trưởng chỉ ra còn tình trạng tinh giản cơ học, cào bằng giữa các đơn vị, lĩnh vực, dẫn đến thiếu cục bộ ở một số lĩnh vực. Đâu là nguyên nhân chính, giải pháp?”, đại biểu Tao Văn Giót nêu câu hỏi.
Trả lời đại biểu Tao Văn Giót, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Đây là câu hỏi rất hay, vì suốt thời gian vừa qua, chúng ta sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đơn vị hành chính cấp huyện, xã, giảm một loạt các đơn vị sự nghiệp, cơ cấu lại, giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách... mục tiêu để cải cách lại tổ chức bộ máy, cải cách lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Điều này đã tác động lớn để có điều kiện nâng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Bộ trưởng, chỉ tính từ năm 2019 cho đến nay, chúng ta đã tiết kiệm được trên 25.600 tỷ đồng, đây là nguồn để đưa vào cải cách tiền lương. Do vậy, mối quan hệ giữa việc sắp xếp bộ máy, tinh gọn biên chế tác động rất rõ để tạo ra được nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện việc này để có thêm nguồn lực, cơ cấu lại đội ngũ gọn hơn, đầu mối các cơ quan, đơn vị, cũng như các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tinh gọn hơn. Đây cũng là điều kiện để chúng ta có nguồn lực lớn cải thiện đời sống của người lao động trong khu vực công, là điều kiện để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Về việc tinh giản biên chế, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, giai đoạn vừa qua, việc giảm biên chế là sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị vì chưa bao giờ chúng ta làm được việc sắp xếp tổ chức bộ máy và giảm biên chế được như vậy. Thời gian qua, đã giảm được 10,1% biên chế công chức, giảm 11,67% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, góp phần quan trọng vào việc tinh gọn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giảm được số người hưởng lương từ ngân sách.
"Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua, đúng là có cào bằng và một mặt nào đó chúng ta vẫn giảm theo hướng cơ học. Vì trong số giảm, tinh giản chỉ khoảng 22%, còn lại là nghỉ hưu. Thêm nữa, biên chế giao các đơn vị không tiếp tục sử dụng và tuyển nữa. Quá trình cơ cấu lại đội ngũ, thực hiện tinh giản thì bước đầu phải làm theo hướng cơ học như vậy, phải giao chỉ tiêu cho các đơn vị để thực hiện mục tiêu là giảm 10% vì nhiều năm trước đó chúng ta không làm được", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ.
Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, sau khi có các Nghị quyết của Bộ Chính trị, việc này đã triển khai được. "Tôi cho rằng còn có những hạn chế, có cào bằng, có cơ học nhưng chúng ta đã đạt được mục tiêu này và đây cũng là cơ sở để chúng ta tiếp tục thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
(Theo CLO)