Qua thảo luận, các đại biểu đều tán thành cao với sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Đất đai hiện hành đồng thời góp ý vào nhiều nội dung cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật. Dự thảo Luật gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.
Liên quan đến lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đồng tình cao với cơ quan soạn thảo về nguyên tắc hệ thống, thời gian, cách thức tổ chức thực hiện lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc nội dung trong dự thảo Luật yêu cầu quy hoạch sử dụng đất thể hiện đến từng thửa đất; trong quy hoạch, kế hoạch phải xác định quy mô địa điểm công trình, dự án cấp quốc gia và cấp tỉnh sử dụng đất vào các mục.
Đại biểu cho rằng, quy định này là không khả thi trong quá trình áp dụng, nhất là đối với các tỉnh miền núi. Bởi lẽ, việc thể hiện đến từng thửa đất trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện rất khó thực hiện, nhất là ở các địa phương miền núi khi chưa hoàn thành xong công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính chính quy, phủ kín diện tích đất và xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai.
Thực tế một số công trình, dự án phát triển hạ tầng, nhất là các công trình theo tuyến chỉ mang tính chất định hướng nên rất khó khăn trong việc xác định thể hiện thông tin chi tiết đến từng thửa đất. Những thông tin này chỉ có thể có được khi khảo sát thực tế, thiết kế hay là lập báo cáo kinh tế kỹ thuật; thậm chí trong nhiều trường hợp một tuyến đường giao thông địa bàn miền núi còn phải điều chỉnh hướng tuyến trong quá trình thi công. Như vậy chưa thể hiện thông tin chi tiết đến từng thửa đất trong quy hoạch.
Hơn nữa, tại thời điểm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng chưa thể liệt kê chi tiết quy mô, địa điểm công trình, dự án cấp quốc gia và cấp tỉnh được mà cơ bản chỉ xác định được chỉ tiêu sử dụng đất theo nhu cầu của từng ngành, từng cấp hoặc nhóm loại hình dự án cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Đại biểu đề nghị cân nhắc điều chỉnh quy định này theo hướng là danh mục công trình, dự án cấp quốc gia xác định trong quy hoạch, kế hoạch chỉ mang tính chất định hướng, có thể xem xét điều chỉnh, bổ sung trong quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật và khả năng nguồn lực. Việc liệt kê chi tiết về quy mô, địa điểm được xác định trong quá trình chuẩn bị đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái băn khoăn về chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số quy định tại Điều 22. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định về giao cho UBND cấp tỉnh theo điều kiện thực tế của địa phương, quy định cụ thể chính sách về đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu cho rằng quy định việc giao UBND cấp tỉnh quy định như vậy có thể dẫn đến áp dụng không thống nhất giữa các địa phương.
Mặt khác, trong thời gian qua Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số, đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn có những khó khăn, vướng mắc liên quan đến Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học và các luật khác. Do vậy, nếu giao cho UBND tỉnh quy định cụ thể như vậy sẽ rất vướng. Vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu có thể quy định rõ hơn về các chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Đất đai hiện nay để các địa phương triển khai thực hiện thuận lợi.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đề nghị cân nhắc nội dung trong dự thảo luật yêu cầu quy hoạch sử dụng đất thể hiện đến từng thửa đất.
Đại biểu Khang Thị Mào nêu trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện. Trong Dự thảo Luật quy định hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống xen kẽ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng nhưng chưa có điều kiện chuyển ra khỏi phân khu đó thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong phân khu đó.
Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ hạn chế trong việc chuyển nhượng, cho, tặng cho những hộ gia đình, cá nhân sinh sống, phân khu lân cận giáp ranh có nhu cầu sản xuất nông nghiệp lâm nghiệp khi cá nhân, hộ gia đình không sinh sống xen kẽ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng vì hiện nay khu vực miền núi phía Bắc, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số là địa bàn có tỷ lệ che phủ rừng cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước với nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên.
Trong thực tế có một số bộ phận người dân sinh sống xen kẽ trong phân khu bảo vệ, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng chủ yếu sinh sống bằng đất rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.
Đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét có thể bổ sung thành: "hộ gia đình, cá nhân. đang sinh sống xen kẽ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng nhưng chưa có điều kiện chuyển ra khỏi phân khu đó thì được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong phân khu và các phân khu lân cận giáp ranh thuộc địa phương đó để đảm bảo đời sống cho người dân tại phân khu và vùng lân cận giáp ranh".
Khẳng định, thu hồi đất là một chế định rất quan trọng trong Luật Đất đai, đại biểu Nguyễn Thành Trung - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc điều kiện, tiêu chí cụ thể để Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 18. Theo đó, Nghị quyết 18 yêu cầu cần quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Cho biết, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội là một khái niệm rất rộng, đại biểu đề nghị rà soát kỹ các trường hợp liệt kê tại Điều 86 để đảm bảo tính chính xác và phù hợp, tránh việc lạm dụng trong thực tiễn.
Đại biểu ý kiến, cần cân nhắc quy định Nhà nước thu hồi đất đối với dự án khu đô thị, khu nhà thương mại. Theo đại biểu, trường hợp này nên áp dụng theo cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết 18. Đó là thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại. Đại biểu đề nghị trường hợp này không nên đưa vào diện thu hồi đất mà để cơ chế thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp.
Minh Quang (lược ghi)