Đứng về phía những người viết báo, ai cũng muốn mình là cây bút giỏi, có uy tín cao đối với người đọc, người xem. Do đó, rèn luyện, phấn đấu để trở thành nhà báo giỏi là công việc hàng ngày của mỗi người viết báo và của tập thể tòa soạn báo.
Trước khi luận bàn về nhà báo giỏi, cần khẳng định một điều: Một tờ báo hay (kể cả báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử) là một tờ báo được công chúng mến mộ, họ tìm mua, tìm đọc, tìm xem; có chỗ đứng trong lòng bạn đọc; đó là một tờ báo có đường lối chính trị đúng đắn; nhanh nhạy, kịp thời, chắc chắn, luôn luôn có mặt ở đầu nguồn các sự kiện; biết hướng vào những điều quần chúng quan tâm; giải đáp một cách thuyết phục những vấn đề mà người đọc mong đợi, đặc biệt là những vấn đề nóng bỏng đang còn có nhiều ý kiến khác nhau.
Một tờ báo muốn làm được điều đó trước hết phải có sự chỉ đạo chặt chẽ, sâu sắc, nhạy bén của lãnh đạo, phải có một đội ngũ phóng viên, biên tập viên mạnh và đương nhiên là không thể thiếu các cây bút giỏi, có uy tín cao.
Đối với báo in, báo nói, báo hình còn có một yếu tố quan trọng khác đó là cách trình bày ma két, sắp xếp chương trình, làm sao cho những vấn đề nổi bật đập vào mắt người đọc, người xem, người nghe. Chính vì vậy mà tổng biên tập là người duyệt cuối cùng trước khi đem in hoặc đưa lên sóng. Phải nói một cách chính xác rằng, đã là người làm báo chính thống, nhất là người làm báo Đảng đều phải là người có uy tín và cần thiết phấn đấu để có những nhà báo giỏi, có uy tín cao, có tên tuổi trong lòng bạn đọc.
Trong thời đại bùng nổ khoa học, công nghệ, sự cạnh tranh đang diễn ra gay gắt giữa báo chí chính thống và mạng xã hội và các kênh báo chí khác; trong đó, có không ít tờ báo, đài phát thanh và các kênh của thế lực thù địch, chống phá cách mạng.
Trên mặt trận này, báo chí chính thống nắm chắc và phát huy lợi thế vốn có của mình là tính đúng đắn, chân thật, chính xác, tính định hướng chính trị mà các kênh thông tin khác không thể có được. Báo chí chính thống với những nhà báo vốn có uy tín với bạn đọc phải vào cuộc trong cuộc cạnh tranh này với tâm thế của người chiến sĩ cách mạng, phải nhanh nhạy, chính xác với tốc độ ngang bằng hoặc cao hơn mạng xã hội và cần sự có mặt của các cây bút giỏi, có uy tín cao.
Vậy, thế nào là nhà báo giỏi, cây bút có uy tín cao với bạn đọc. Hiện tại, chưa có một định nghĩa chuẩn xác nhưng có thể thống nhất được với nhau rằng: nhà báo giỏi - cây bút có uy tín cao là những người viết báo có được sự tin cậy của người đọc, người xem. Uy tín ấy được hình thành từ sự đánh giá của người đọc, người xem, người nghe.
Họ không nhất thiết phải có bậc lương cao trong thang lương báo chí hoặc là người phải làm báo lâu năm. Mà họ là những người, những cây bút thường xuất hiện trên mặt báo mỗi khi có những sự kiện phức tạp bạn đọc đang quan tâm; sự phân tích, lý giải của họ có sức thuyết phục cao, hoặc lời giải đáp của họ dễ hiểu, dễ đồng tình giống như một lời tâm sự chạm đến trái tim của người đọc, người nghe; khiến cho người đọc, người nghe không được đọc, không được nghe hết tác phẩm của họ bạn đọc lấy làm tiếc nuối, thậm chí là không thể chịu nổi. Xin được viện dẫn một ví dụ: Tôi có một anh bạn làm Chánh văn phòng Tỉnh ủy. Buổi sáng hôm ấy gặp nhau, anh hỏi tôi:
- Đã đọc bài báo thửa ruộng nhỏ giữa cánh đồng lớn của H.T chưa?
Tôi trả lời anh:
- Đọc rồi hay lắm, thửa ruộng nhỏ nhưng lại là cả vấn đề lớn của nông nghiệp, nông thôn ở nước ta hiện nay đấy.
Chánh văn phòng Tỉnh ủy bảo:
- Tôi chưa kịp đọc, nhưng đã đánh dấu để đọc, H.T đúng là một nhà báo giỏi, không có bài báo nào của ông ấy mà tôi bỏ qua được. Bài báo nào của ông ta cũng có một phát hiện hay, ông ấy nhìn ra những vấn đề mà người khác chưa thể nhìn ra được. Chính cây bút như ông ta đã góp phần làm cho tờ báo có uy tín. Khi có tác phẩm của ông ta đăng trên báo tôi phải "giấu” số báo ấy đi khi nào đọc xong mới đưa cho người khác đọc vì sợ thất lạc không được đọc thì tiếc, tựa hồ như cây bút ấy có một quyền lực nào đó với bản thân tôi.
Đúng thế, thông thường trong tâm lý người đọc, khi cầm một tờ báo lên tay, trước hết là nhìn lướt qua từ trang đầu đến trang cuối, xem các đầu đề và xem trong từng bài báo xem là ai viết, bài báo ấy đề cập đến vấn đề gì. Có thể nói, vấn đề bài báo đề cập đến và người viết là ai là hai yếu tố tạo ra sự hấp dẫn ban đầu đối với bạn đọc.
Người đọc báo, xem đài, nghe đài rất công bằng. Họ rất nhớ tên tuổi của những cây bút quen thuộc, nhưng rồi chính họ cũng chóng quên đi tên tuổi của những cây bút đã từng nổi tiếng, hoặc có được những giải thưởng báo chí nào đấy, nếu như anh ta không còn giữ được tính sắc sảo của mình. Và rồi bạn đọc lại đi tìm những "tên tuổi” mới của những cây bút mới.
Báo chí là những vấn đề của hôm nay. Cho nên, thông thường mỗi thời có những cây bút có uy tín khác nhau. Giải thưởng báo chí là sự đánh giá đúng đắn và công bằng về giá trị của từng cây bút, từng tác phẩm ở một thời điểm nhất định. Chính vì vậy, không thể xem giải thưởng như là một tờ giấy thông hành không thời hạn để đi đến với bạn đọc hoặc tìm được chỗ đứng trong lòng bạn đọc để chứng tỏ là một cây bút giỏi.
Bạn đọc có thể không còn nhớ tên tuổi của anh, nếu như anh ta không phấn đấu, rèn luyện để giữ vững tay bút của mình. Bạn đọc không còn tìm tên tuổi anh trên mặt báo mà họ lại tìm kiếm những tên tuổi mới. Ấy là sự thật, là sự nghiệt ngã đối với người cầm bút. Đó cũng là một bài học cho tất cả những người viết báo trong việc tự rèn luyện, phấn đấu hàng ngày.
Phóng viên Báo Yên Bái tác nghiệp tại Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái”. (Ảnh: Thu Hiền)
Cuộc sống hiện đại rất phong phú và đa dạng, hàng ngày, hàng giờ có nhiều sự kiện xảy ra, trên nhiều lĩnh vực. Thường khó có những cây bút toàn năng viết giỏi tất cả mọi lĩnh vực, mọi vấn đề. Chỉ có thể có những cây bút viết về một vài vấn đề, một vài đề tài chuyên sâu hơn, ví dụ mở tờ báo Đảng Yên Bái ra xem thường thấy cây bút Thanh Hương viết về xây dựng Đảng, nhà báo Thanh Phúc chuyên sâu về kinh tế, nông nghiệp; nhà báo Thanh Ba, Thanh Chi viết về giáo dục, xã hội, nhà báo Quang Thiều viết về tài chính ngân sách, Lê Phiên viết nhiều về nội chính, an ninh; Thông Nguyễn viết về lâm nghiệp, Thu Hiền viết về văn hóa thể thao, Minh Tuấn viết về y tế… Đấy mới là hướng chuyên sâu.
Và từ chuyên sâu theo các đề tài để vươn lên thành các cây bút giỏi, có tên tuổi trong lòng bạn đọc là cả một quá trình phấn đấu, rèn luyện không mệt mỏi của mỗi nhà báo. Bạn đọc là người thẩm định, họ tự ghi tên các cây bút vào trong lòng họ thông qua các tác phẩm, thông qua những đề tài và sự giải đáp trước các vấn đề có sức thuyết phục đến đâu.
Như trên đã đề cập, đứng về phía những người viết báo, ai cũng mong muốn trở thành các cây bút giỏi, có uy tín, có chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Muốn hiện thực ước mơ cao đẹp của mình không có cách nào khác là phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, rèn luyện qua từng tác phẩm và tuyệt đối không được tự mãn, không được dễ dãi.
Bạn đọc không chấp nhận, thậm chí tỏ ra khó chịu với những bài viết dễ dãi, không có gì mới, không có phát hiện gì cho người đọc. Từ đó cho thấy, muốn trở thành cây bút giỏi, có uy tín cao trước hết người viết phải tự rèn luyện, phấn đấu, tìm tòi, sáng tạo đi sâu vào thực tiễn để tìm ra vấn đề, lý giải vấn đề một cách thuyết phục nhất.
Để có được những cây bút giỏi, tầm cỡ, có uy tín cao đi liền với sự rèn luyện của bản thân phải có sự giúp đỡ của cơ quan báo chí và của đồng nghiệp. Đó là, cơ quan báo chí tạo điều kiện cho nhà báo hoạt động, giao cho họ những đề tài nghiên cứu có giá trị, giúp đỡ họ thể hiện đề tài và chủ đề tư tưởng ấy.
Đồng nghiệp giúp đỡ chân thành tạo điều kiện bằng cách góp ý, giới thiệu những chủ đề hay cho các cây bút giỏi đi vào nghiên cứu, thể hiện. Bởi lẽ, tập thể phóng viên, biên tập viên mạnh có sự chỉ đạo sắc sảo, nhạy bén, đầy bản lĩnh của ban biên tập, những cây bút giỏi sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng của tờ báo, tạo nên uy tín của tờ báo, được bạn đọc mến mộ, tìm mua, tìm đọc.
Hải Đường