Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh chủ trì Hội nghị.
Năm 2022, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đã tập trung tham mưu, đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc, các cơ quan tư pháp tỉnh thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Các thành viên Ban Chỉ đạo đã chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy – Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh gợi ý thảo luận tại Hội nghị
Các cơ quan tư pháp đã tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình, hoạch công tác. Hầu hết các chỉ tiêu phòng, chống tội phạm, giải quyết các loại án đều đạt và vượt so với kế hoạch. Chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được nâng lên, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Công tác xây dựng, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác tổ chức, cán bộ tiếp tục được quan tâm; việc kiện toàn tổ chức bộ máy, thực hiện tinh giản biên chế, rà soát, bổ sung quy hoạch đội ngũ cán, lãnh đạo bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, theo đúng quy định.
Hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh từ khi thành lập đến nay đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, quyết tâm chính trị của tỉnh trên lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Với quy định Trưởng ban Chỉ đạo là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các Phó Trưởng ban là thủ trưởng các cơ quan tổ chức, kiểm tra, nội chính, công an và thành viên là thủ trưởng các cơ quan tuyên giáo, Ủy ban MTTQ, thanh tra, kiểm sát, tòa án, tư pháp... đã huy động được sức mạnh, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, phát huy đầy đủ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, tiêu cực và cơ quan phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động cho cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tạo được niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đối với công tác này.
Quang cảnh Hội nghị
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo đã bám sát quy chế hoạt động để triển khai các nội dung theo đúng chương trình công tác đề ra, từng bước đi vào nền nếp. Các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
Năm 2023, Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần tập trung thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo nghị quyết đại hội Đảng các cấp.
Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án sau khi được Bộ Chính trị ban hành; tiếp tục chỉ đạo thực hiện Hướng dẫn số 25, ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về một số nội dung công tác phòng, chống tiêu cực. Đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, trọng tâm là phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực qua việc tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực, địa bàn, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội ở địa phương.
Mạnh Cường