Yên Bái xây dựng phong trào nông dân vững mạnh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/4/2023 | 3:37:15 PM

YênBái - Trong những năm qua, hội nông dân (HND) các cấp trong tỉnh đã ngày càng khẳng định được vai trò trung tâm nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Các cấp HND đã góp phần tích cực trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của hội viên nông dân (HVND).


Năm 2023 là năm diễn ra Đại hội đại biểu HND các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu HND tỉnh Yên Bái lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp nông dân và tổ chức HND trong tỉnh. Để hiểu rõ hơn về những kết quả đạt được thông qua tổ chức đại hội đại biểu HND các cấp, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Giàng A Câu - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch HND tỉnh.

P.V: Đồng chí có đánh giá như thế nào về đại hội đại biểu HND cấp cơ sở nhiệm kỳ 2023 - 2028, thưa đồng chí?

Đồng chí Giàng A Câu: Nhìn chung, đại hội HND cấp cơ sở nhiệm kỳ 2023 - 2028 có nhiều đổi mới, thiết thực. Công tác nhân sự được triển khai thực hiện theo đúng quy trình, quy định, có số lượng, cơ cấu hợp lý, đảm bảo tiêu chuẩn. Các đơn vị tổ chức đại hội đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị. 

Thông qua đại hội đã góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó trong hội viên nông dân (HVND); khơi dậy sức sáng tạo, trí tuệ của hội viên trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Tính đến ngày 31/3/2023, đã có 166/173 cơ sở hoàn thành đại hội đúng kế hoạch, bầu ra 9.219 ủy viên ban chấp hành, 1.863 ủy viên ban thường vụ, chủ tịch, phó chủ tịch HND và đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên trực tiếp.

HND tỉnh đã chọn HND huyện Văn Yên để tổ chức điểm. Đại hội đại biểu HND huyện Văn Yên đã diễn ra thành công tốt đẹp là tiền đề để HND các huyện, thị, thành phố tiếp tục tổ chức thành công Đại hội đại biểu HND cấp huyện, tiến tới Đại hội đại biểu HND tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028. 

Thông qua tổ chức đại hội điểm Đại hội đại biểu HND huyện Văn Yên cho thấy, công tác tuyên truyền, xây dựng văn kiện, công tác nhân sự… đã được triển khai thực hiện nghiêm túc theo sự chỉ đạo của Ban Thường vụ HND tỉnh và Huyện ủy Văn Yên. 

Nội dung tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội được triển khai thực hiện thường xuyên, sâu rộng, đúng trọng tâm, trọng điểm. Việc xây dựng văn kiện, nội dung chương trình Đại hội được chuẩn bị chu đáo. 

Báo cáo chính trị trình Đại hội đã bám sát đề cương hướng dẫn, có đầu tư công sức, trí tuệ, đánh giá đúng tình hình, kết quả hoạt động của HND trong nhiệm kỳ 2018 - 2023; chỉ rõ ưu, khuyết điểm, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm, xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ mới. Nội dung, chương trình, kịch bản điều hành Đại hội đầy đủ, hợp lý, đảm bảo về mặt thời gian tổ chức. 

Việc xây dựng đề án, danh sách nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, các chức danh chủ chốt được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo tiến độ, có số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, đảm bảo tính kế thừa, ổn định và phát triển. Các báo cáo tham luận có sự đa dạng về đối tượng, phù hợp với các lĩnh vực công tác Hội và Phong trào nông dân, phản ánh được kết quả trong nhiệm kỳ đã qua và đưa ra được các nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ tới…



Từ thành công của đại hội điểm Đại hội đại biểu HND huyện Văn Yên, trong thời gian tới, HND các huyện, thị, thành phố cần tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp và Hội cấp trên; chủ động, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị để cấp ủy và HND cấp trên phối hợp chỉ đạo giải quyết; khuyến khích các đơn vị tham mưu, đề xuất với cấp ủy cùng cấp quyết định thành lập ban chỉ đạo đại hội và các tiểu ban giúp việc đại biểu HND cấp mình. 

Cùng với đó, Báo cáo chính trị trình đại hội phải phản ánh được những nét riêng địa phương; dung lượng cân đối giữa kết quả và phương hướng nhiệm vụ; các biểu số liệu được tổng hợp đầy đủ, chính xác, kết quả có sự so sánh giữa đầu nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ. Chương trình tổ chức đại hội được thực hiện đủ các nội dung theo hướng dẫn, có sắp xếp phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, đảm bảo nguyên tắc. 

Đối với nội dung bầu cử đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu HND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2023 - 2028 nên để ở phiên thứ hai của đại hội; sau báo cáo kiểm điểm ban chấp hành cần bố trí các tham luận trước khi bầu cử ban chấp hành khóa mới. 

Về tham luận phải được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; công tác kiểm duyệt các bài tham luận cần phân công cụ thể để đảm bảo về chất lượng. Slide minh họa cho báo cáo chính trị và phóng sự được đưa vào trình chiếu tại đại hội cần cân đối hài hòa. 

Về công tác điều hành, sau khi chuẩn bị xong nội dung, kịch bản đại hội cần sắp xếp thời gian chạy thử toàn bộ các nội dung theo chương trình đại hội để rà soát nội dung, thời gian và phần điều hành của đoàn chủ tịch, ban kiểm phiếu, chủ tọa phiên họp thứ nhất cũng như các nội dung có sự tham gia của đại biểu chính thức dự đại hội theo kịch bản.

Theo kế hoạch, đại hội đại biểu HND cấp huyện sẽ hoàn thành trong quý II/2023 và Đại hội đại biểu HND tỉnh Yên Bái lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028 dự kiến tổ chức vào tháng 9/2023. 

P.V: Đồng chí kỳ vọng gì đối với việc thực hiện các nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân trong nhiệm kỳ mới?

Đồng chí Giàng A Câu: Trong những năm qua, HND các cấp trong tỉnh đã ngày càng khẳng định được vai trò trung tâm nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Các cấp HND đã góp phần tích cực trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của HVND. Nhiệm kỳ 2023 - 2028, tôi mong muốn các cấp HND tiếp tục phát huy vai trò của Hội và giai cấp nông dân trong "phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Đổi mới toàn diện và mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động theo hướng giải quyết tốt lợi ích thiết thực của HVND, luôn dựa vào nông dân, vì nông dân; quan tâm chỉ đạo xây dựng mới và nâng cao chất lượng các mô hình: chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, chi hội nông dân hạnh phúc; quan tâm, xây dựng mẫu người nông dân mới có ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên; đổi mới, nâng cao chất lượng Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. 

Đẩy mạnh tuyên truyền làm chuyển biến tư duy của nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; vận động HVND tham gia thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh Phong trào nông dân chuyển đổi số; vận động nông dân tích cực tham gia xây dựng các mô hình kinh tế tập thể; tổ chức có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh... 

Cùng đó, tôi cũng mong muốn các cấp ủy địa phương thường xuyên lãnh đạo, định hướng chỉ đạo kịp thời để tổ chức Hội hoạt động thuận lợi; phát huy quyền làm chủ của nông dân, bảo đảm cho Phong trào nông dân phát triển, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Yên Bái ngày càng giàu  đẹp, văn minh. 

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!



Những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã lan tỏa sâu rộng trên địa bàn tỉnh, động viên, khích lệ hội viên, nông dân (HVND) tích cực thi đua phát triển kinh tế trên tất cả các lĩnh vực: sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. 

Từng là hộ có cuộc sống khó khăn, song nay gia đình anh Bàn Văn Minh ở thôn Làng Câu, xã Tân Hợp đã trở thành tỷ phú ở huyện Văn Yên. Gia đình anh Minh hiện có trên 50 ha quế, trong đó có trên 20 ha quế trên 20 năm tuổi, hàng năm cho thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập từ 7 - 9 triệu đồng/tháng. 

Anh Minh chia sẻ: "Thực hiện Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, gia đình tôi đã đầu tư phát triển trồng quế. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định từ cây trồng này mà gia đình có điều kiện chăm lo cho con cái học hành, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều đồ dùng tiện ích phục vụ sinh hoạt. Tôi cũng sẽ cố gắng để giúp đỡ nhiều hộ gia đình hơn nữa về vốn, giống, kỹ thuật trồng quế để cùng nhau làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”. 

Cùng chung suy nghĩ với anh Minh, anh Sùng A Páo ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải  dù tuổi đời còn khá trẻ song đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa để vươn lên thoát nghèo. 

Sinh sống ở vùng cao đặc biệt khó khăn, ít có điều kiện tham quan, học hỏi trực tiếp các mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả cao, anh Páo đã tự tìm hiểu kiến thức chăn nuôi thông qua sách, báo, đài, ti vi, rồi bàn với vợ vay mượn thêm để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn đảm bảo kỹ thuật, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh. 


Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Mù Cang Chải tham quan mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Sùng A Páo ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn. 
 
Thực hiện phương châm "lấy ngắn nuôi dài” và tiết kiệm chi phí chăn nuôi, gia đình anh Páo nuôi lợn nái để có lợn con làm giống và chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp. Trung bình mỗi năm, gia đình anh nuôi 3 lứa lợn, mỗi lứa từ 20 - 30 con, xuất bán được 4 - 5 tấn lợn hơi/lứa; sau khi trừ chi phí thu về trên 100 triệu đồng tiền lãi mỗi năm. 

Vừa qua, anh Sùng A Páo đã được UBND tỉnh tặng bằng khen điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái năm 2022 và trở thành tấm gương sáng trong phát triển chăn nuôi được nhiều hộ gia đình trên địa bàn đến tham quan học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế.

Trong những năm qua, Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” luôn được các cấp HND rất quan tâm chú trọng triển khai thực hiện. 

Qua đó, đã khích lệ, động viên hàng ngàn hộ nông dân phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư vốn, giống vào sản xuất, kinh doanh. Qua Phong trào, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, thực sự là những tấm gương sáng về tinh thần bền bỉ vượt khó, không cam chịu đói nghèo. 

Tiêu biểu như hộ ông Lê Mai Hiền, thôn Tiến Minh, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình với mô hình trồng và chế biến gỗ rừng trồng cho thu nhập 3 tỷ đồng/năm; hộ ông Ngô Thành Đông, thôn Đức An, xã Đông An, huyện Văn Yên với mô hình trồng quế, cây ăn quả cho thu nhập 3 tỷ đồng/năm; hộ ông Nguyễn Đức Toàn, thôn Trực Bình 1, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái với mô hình chế biến gỗ rừng trồng cho thu nhập 1 tỷ đồng/năm… 

Thông qua thực hiện Phong trào, đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành nên một số vùng chuyên canh nông, lâm nghiệp hàng hóa quy mô lớn như vùng trồng ngô trên đất nương đồi ở các xã: Trạm Tấu, Pá Hu, Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu; trồng măng tre Bát độ ở huyện Trấn Yên; trồng bưởi ở huyện Yên Bình; trồng lạc đỏ ở huyện Lục Yên; trồng quế ở huyện Văn Yên...

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” , HND tỉnh chỉ đạo các cấp hội cơ sở tăng cường đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm những mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả; vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong sản xuất. Đặc biệt là quan tâm tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, thiết bị, vật tư phục sản xuất, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản và tổ chức dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân.



Những năm qua, các cấp Hội nông dân (HND) tỉnh luôn chú trọng đẩy mạnh việc nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân, qua đó Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” phát triển toàn diện, có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, giúp cho nhiều hộ nông dân vượt khó, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hiệu quả từ trồng lúa nếp 87, tẻ đỏ, nuôi lợn thương phẩm của HND xã Hát Lừu, hay như vùng chuyên canh ngô trên đất nương đồi ở các xã: Trạm Tấu, Pá Hu, Tà Xi Láng (Trạm Tấu); mô hình chăn nuôi thủy sản xã Phù Nham, trồng ớt ngọt tại các xã Thanh Lương, xã Phù Nham huyện Văn Chấn; mô hình trồng nấm rơm phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ... là những mô hình điển hình phát triển kinh tế hiệu quả được các cấp HND tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn, trực tiếp hỗ trợ xây dựng phù hợp với thế mạnh, tiềm năng sẵn có tại địa phương. 


Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh giải ngân Dự án "Trồng và chăm sóc quế” từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tại xã Xuân Ái, huyện Văn Yên. 

Những năm qua, HND tỉnh đã xây dựng được hơn 180 mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả trên lĩnh vực nông nghiệp gắn với hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT). Trong đó, có 53 mô hình được xây dựng từ vay vốn từ nguồn Quỹ HTND. Nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới, đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất, chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. 

Một số mô hình điển hình khác phải kể đến như: trồng rau trong nhà màng, nhà lưới tại xã Đào Thịnh (Trấn Yên), xã Yên Hợp (Văn Yên); mô hình nuôi cá lồng tại xã Hán Đà, xã Vĩnh Kiên (Yên Bình); trồng sâm Hoàng sin cô, trồng cây sơn tra ghép tại xã Xà Hồ, xã Bản Công (Trạm Tấu); mô hình chăn nuôi vịt bản địa ứng dụng chế phẩm sinh học tại xã Khao Mang (Mù Cang Chải)... 



Bên cạnh đó, hàng năm các cấp HND tỉnh chủ động tuyên truyền đến hội viên, nông dân về nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân thông qua sinh hoạt chi, tổ hội, giao ban công tác Hội và hoạt động tập huấn, tuyên truyền trên nhóm Zalo, fanpage Tỉnh hội... với gần 1.200 buổi, trên 82.000 lượt hội viên, nông dân tham gia.

Ngoài ra, các cấp HND tỉnh cũng chủ động tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân bằng nhiều hình thức, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, ứng dụng khoa học, công nghệ cao; xây dựng và phát triển các hình thức kinh tế tập thể; thành lập 40 HTX, 461 THT về lĩnh vực dịch vụ tổng hợp, nông, lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ, tạo sự liên kết, hợp tác, giúp đỡ nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chia sẻ thông tin về thị trường, về kiến thức, kinh nghiệm; hỗ trợ giúp đỡ nhau về vốn, tư liệu sản xuất và lao động... Đến nay, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt trên 31,2 tỷ đồng. 

Năm 2022, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã giải ngân 29 dự án với số tiền 12 tỷ đồng; Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện cho vay 118 dự án, 368 hộ vay với số tiền trên 10 tỷ đồng. 

Được biết, ngoài Quỹ Hỗ trợ nông dân, HND tỉnh chỉ đạo các cấp hội tập trung lãnh chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chương trình phối hợp ủy thác, tín chấp cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất theo Nghị định 55 và 116 của Chính phủ; giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng các nguồn vốn vay và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các nguồn vốn vay của các huyện, thị, thành phố. 

Từ các dự án vay Quỹ Hỗ trợ nông dân đã tạo điều kiện về nguồn lực cho các hội viên nông dân mở rộng quy mô, xây dựng các mô hình kinh tế hộ theo hướng liên doanh, liên kết, hình thành các tổ, nhóm liên kết trong sản xuất, kinh doanh là tiền đề để phát triển các THT, HTX sản xuất nông, lâm nghiệp.



Những kết quả mà các cấp HND tỉnh đạt được trong nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân đã góp phần nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội trong các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân; tạo điều kiện giúp nông dân chủ động trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, tham gia xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh. 

Bài: Hồng Oanh - Mai Linh
Ảnh: Hồng Oanh - Mai Linh - Tư liệu
Đồ họa: Thành Trung

Tags Yên Bái nông dân mô hình vay vốn sản xuất kinh doanh giỏi

Các tin khác
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái

Sáng 7-4, Đảng ủy Công an Trung ương phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 4-2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối từ điểm cầu Bộ Công an đến Công an các tỉnh, thành phố cả nước.

Toàn cảnh cuộc họp.

Ngày 7/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Sáng 7/4, Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức dâng hương báo công với Bác tại Khu di tích lịch sử quốc gia Lễ đài sân vận động thành phố Yên Bái nhân dịp kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2023), 137 năm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và chuẩn bị Đại hội Công đoàn Cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Quang cảnh buổi sinh hoạt

Ngày 6/4, đồng chí Nguyễn Minh Toàn - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã dự sinh hoạt tại Chi bộ Quản lý đô thị - Trật tự đô thị thuộc Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ. Cùng dự có đồng chí Lê Trí Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND Thị xã Nghĩa Lộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục