Những ngày tháng 4 lịch sử, hòa trong bầu không khí hân hoan mừng kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta lại bồi hồi, xúc động, tự hào về truyền thống yêu nước được hun đúc ngàn đời cha ông đã được phát huy cao độ để "Bài ca thống nhất” ngân vang. Trong suốt gần 21 năm kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là trong hai cuộc chiến tranh phá hoại, Yên Bái trở thành trọng điểm đánh phá khốc liệt của đế quốc Mỹ với các mục tiêu như: Nhà máy thủy điện Thác Bà, Sân bay Yên Bái, Nhà máy Z183 và tuyến đường sắt huyết mạch từ Vân Nam (Trung Quốc) đi Lào Cai - Yên Bái - Hà Nội vận chuyển lương thực, thực phẩm, khí tài từ nước ngoài viện trợ vào Việt Nam.
Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Yên Bái gắn chặt nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội với nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ; kết hợp nhiệm vụ xây dựng với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc hậu phương. Mặc dù chiến tranh gây nhiều tổn thất to lớn, tác động tới toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, nhưng trước yêu cầu của chiến trường ngày càng cao, quân và dân Yên Bái luôn giữ vững niềm tin chiến thắng, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tỏ rõ sức mạnh, vai trò của hậu phương chiến lược trong sự nghiệp cách mạng chung của toàn dân tộc.
Với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, các Phong trào: "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Tay cày tay súng", "Tay búa tay súng"… nở rộ khắp các khu phố, làng bản, xóm thôn, công trường, nhà máy. Cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã sát cánh cùng bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực tích cực chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu; tổ chức 336 đài quan sát báo động phòng không, hình thành cụm phòng không trọng điểm bảo vệ Sân bay Yên Bái, thị xã Yên Bái và công trình thủy điện Thác Bà.
Các tổ bắn máy bay bằng súng bộ binh được tổ chức và huấn luyện ở hầu hết các xã, cơ quan, công trường, xí nghiệp để hình thành lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp, rộng khắp sẵn sàng tiêu diệt máy bay Mỹ. Toàn tỉnh đã huy động gần 6 triệu ngày công để đào 1.386 hầm cất giấu máy móc, 445 km giao thông hào, 634.403 hầm tập thể, 727.056 hầm trú ẩn cá nhân và chi viện cho công trường thi công Nhà máy Thủy điện Thác Bà, Sân bay Yên Bái, đáp ứng kịp thời cho việc phòng tránh, sơ tán, bám trụ của nhân dân và lực lượng vũ trang, đặc biệt là các vùng trọng điểm.
Vừa khắc phục hậu quả chiến tranh vừa củng cố hậu phương chiến lược, quân và dân Yên Bái đã anh dũng, kiên cường chiến đấu bắn rơi 115 máy bay Mỹ (là tỉnh bắn rơi máy bay Mỹ nhiều nhất trong Quân khu II); phá hủy 724 quả bom nổ chậm, thu nhặt hàng chục vạn bom bi, di chuyển 4 vạn dân, dành 2 vạn ha vùng hồ cho xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà; di dời 450 hộ dân với 1.500 nhân khẩu cho xây dựng Sân bay Yên Bái; phá hàng chục vụ gián điệp, tổ chức phản động, bảo đảm an toàn về chính trị cho hậu phương.
Không chỉ dũng cảm chiến đấu với quân thù trên trận địa phòng không, quân và dân Yên Bái còn cảnh giác, mưu trí, dũng cảm chiến đấu với những toán biệt kích Mỹ, ngụy, điển hình như: bắt gọn các toán biệt kích đột nhập địa bàn các xã: Phong Dụ, Đại Sơn, huyện Văn Yên. Đặc biệt, là vụ bắt gọn toán biệt kích gián điệp nhảy dù xuống thôn Đồng Song, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên với nhiều truyền đơn, điện đài, quân trang, quân dụng. Những chiến công nêu trên, đã làm thất bại hoàn toàn âm mưu xâm nhập của đế quốc Mỹ hòng phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân các dân tộc ở địa phương và góp phần tăng cường khả năng quốc phòng trong tình hình mới, củng cố vững chắc hậu phương xã hội chủ nghĩa.
Cùng đó, Yên Bái còn là hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn. Ngay từ đầu cuộc kháng chiến, vị trí, vai trò của hậu phương Yên Bái nói riêng và miền Bắc nói chung, được xác định là căn cứ địa cách mạng, là hậu phương vững chắc cho cách mạng cả nước. Sau ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, quân và dân Yên Bái phải dồn sức khắc phục hậu quả của chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, sẵn sàng chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Khắp mọi miền quê Yên Bái đều dấy lên phong trào thi đua xây dựng hậu phương vững mạnh trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng - an ninh. Hướng về miền Nam thân yêu, hưởng ứng cuộc vận động kết nghĩa của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tỉnh Yên Bái tổ chức kết nghĩa với tỉnh Ninh Thuận bằng tất cả tình cảm, sự hy sinh xương máu của mình. Phong trào thi đua "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt" được phát động mạnh mẽ.
Hòa chung với khí thế thi đua của cả nước, lực lượng thanh niên Yên Bái hăng hái hưởng ứng Phong trào "ba sẵn sàng". Trong nông nghiệp, thanh niên mở Chiến dịch Nguyễn Văn Trỗi giành danh hiệu "dũng sĩ 5 tấn". Trong công nghiệp, đã phát huy nhiều sáng kiến cải tạo kỹ thuật sản xuất. Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đoàn viên, thanh niên là lực lượng chủ yếu tham gia dân quân tự vệ. Với tinh thần hăng hái của thanh niên, Yên Bái đã thành lập được 129 đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, huy động hàng ngàn đoàn viên nhập ngũ. Phong trào "Ba đảm đang" đã cuốn hút đông đảo chị em trong tỉnh tham gia tích cực phục vụ chiến đấu, đẩy mạnh sản xuất.
Lực lượng phụ nữ làm nòng cốt trong việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội, lo toan việc nước, đảm đang việc nhà, nuôi dạy con cái, động viên chồng con yên tâm chiến đấu. Đại hội "Phụ nữ ba đảm đang” của tỉnh đã tuyên dương hàng nghìn chị em đạt danh hiệu "Ba đảm đang" và "Chiến sĩ Quyết thắng". Phát huy tinh thần "Tuổi cao ý chí càng cao", Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái đã thu hút hàng vạn hội viên; trong đó, có hơn 1.000 cụ tham gia "Bạch đầu quân".
Chiến sĩ Tiểu đoàn Yên Ninh 3 vào Nam chiến đấu.Ảnh: T.L
Trong Phong trào thi đua "Ba giỏi", các cụ phụ lão đã góp phần đắc lực vào việc vận động con cháu xây dựng hợp tác xã, lao động sản xuất, làm tròn nghĩa vụ quân sự, xây dựng nếp sống văn hóa mới, vận động nhân dân lập "Hũ gạo chống Mỹ". Các em thiếu niên Yên Bái tổ chức các phong trào thi đua sôi nổi như "Nghìn việc tốt", "Em yêu quý anh bộ đội", "Căm thù giặc Mỹ xâm lược". Phong trào "Trâu là bạn quý, Mỹ là kẻ thù" của thiếu nhi xã Đại Phác, huyện Văn Yên được Bác Hồ gửi thư khen.
Trong khói lửa của cuộc chiến tranh ác liệt, nhân dân các dân tộc Yên Bái vẫn bám ruộng đồng, nhà máy, trường học để duy trì sản xuất, công tác và học tập, đảm bảo ổn định cuộc sống và tăng cường khả năng quốc phòng. Trong sản xuất nông nghiệp, mỗi xã viên thực sự là một chiến sĩ "vững tay cày, tay súng". Nhằm đáp ứng nhu cầu của chiến trường, Yên Bái đã khẩn trương xây dựng lực lượng, thành lập 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh với quân số gần 3.000 cán bộ, chiến sĩ, xẻ dọc Trường Sơn đi chiến đấu. Công tác huy động dân quân hỏa tuyến được xúc tiến mạnh mẽ, huy động hàng nghìn thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến phục vụ cho các chiến trường B, C.
Với tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Đảng bộ, quân và dân Yên Bái đã huy động cao độ sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, với 29 vạn tấn lương thực, 15 vạn tấn thực phẩm, gần 25.000 người nhập ngũ làm tròn vai trò, nghĩa vụ là hậu phương lớn với tiền tuyến lớn góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hoàn thành nhiệm vụ trọng đại là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thế hệ cha, anh của quê hương Yên Bái đã tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước bằng tất cả tinh thần kiên cường, bất khuất và dũng cảm, hy sinh trên những cánh đồng làng, bên ụ súng phòng không hoặc trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường rực lửa tại Quảng Trị, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Sài Gòn... trong các tiểu đoàn Yên Ninh nghĩa tình và dũng cảm, mãi mãi được lịch sử khắc ghi và được thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tự hào, noi gương, tiếp bước.
Lê Phiên