Bên hành lang Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy đã chia sẻ về một số vấn đề các đại biểu Quốc hội đang cho ý kiến, dư luận đang quan tâm.
- Từ câu chuyện nghẽn giải ngân đầu tư công, Bộ Tài chính phải gửi 1 triệu tỷ đồng vào ngân hàng với lãi suất 0,8%/năm, tại tỉnh Yên Bái có xảy ra tình trạng này không, thưa ông?
Những vướng mắc về khâu chuẩn bị đầu tư đều đã được Chính phủ tháo gỡ thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi và các văn bản hướng dẫn Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các chính sách này phân cấp rất mạnh cho các địa phương. Nói chung về mặt thủ tục ở Yên Bái không có nhiều vướng mắc.
- Nhưng thực tế Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết khâu chuẩn bị thủ tục đầu tư đang có nhiều vướng mắc, còn Bộ Tài chính cũng nói đang có vướng mắc nên 1 triệu tỷ đồng phải gửi ngân hàng?
Khi chưa sửa đổi Luật Đầu tư công thì có vướng mắc trong quá trình chuẩn bị đầu tư dự án. Nhưng thủ tục đầu tư không phải chỉ thực hiện theo Luật Đầu tư công mà nó còn liên quan đến thủ tục về quy hoạch, về đất đai…
Ví dụ, dự án liên quan đến quy hoạch chuyên ngành, thế nhưng quy hoạch chưa được duyệt, thì dự án phải chờ quy hoạch. Hay như vấn đề giải phóng mặt bằng, nhiều dự án phải chờ chuyển mục đích sử dụng đất.
Có thể nói, địa phương nào cũng gặp phải những vấn đề như vậy.
- Được biết tỉnh Yên Bái thuộc nhóm khá trong giải ngân vốn đầu tư công. Là người đứng đầu cấp ủy của Yên Bái, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm để đạt được kết quả như vậy?
Tôi không biết các địa phương khác như thế nào để so sánh. Tỉnh Yên Bái luôn thực hiện theo tinh thần bám sát chỉ đạo của Chính phủ. Chúng tôi cũng luôn nỗ lực làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư. Vì chất lượng hồ sơ dự án quyết định đến quá trình đầu tư.
Quá trình triển khai dự án, chúng tôi thường xuyên kiểm tra để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà chủ đầu tư, đơn vị thi công gặp phải.
Ví dụ như vấn đề giải phóng mặt bằng, ở Yên Bái cũng gặp nhiều vướng mắc. Do vậy, tỉnh quyết định thành lập hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của cấp huyện và giao trách nhiệm đến từng người. Tuy nhiên, năng lực và số lượng cán bộ ở cấp huyện còn khó khăn thì tỉnh phải biệt phái người ở sở, ngành xuống hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc.
- Một vấn đề khác được nhắc đến nhiều thời gian qua, đó là câu chuyện "sợ trách nhiệm", xin hỏi, ông có bao giờ phải làm công tác tư tưởng để cán bộ của tỉnh Yên Bái dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm?
Để cán bộ an tâm công tác, tôi cho rằng phải có sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp ủy, tổ chức đảng cho đến chính quyền, rồi cán bộ công chức cấp dưới.
Ví dụ, trong công tác giải phóng mặt bằng, quy định của pháp luật rất đầy đủ, chi tiết nhưng không bao phủ được hết tất cả các tình huống xảy ra trong thực tế. Để bảo đảm sự đồng thuận giữa người dân bị thu hồi đất, Nhà nước và chủ đầu tư, cần phải vận dụng về cơ chế chính sách.
Tuy nhiên, khi vận dụng có thể đúng nhưng cũng có lúc chỉ đúng một phần. Khi cán bộ, công chức thấy nếu chiểu theo quy định thì không thực hiện được dự án, lúc đó phải báo cáo cấp trên để cùng giải quyết.
Ngoài ra, quyết định đó cũng không được trái với quy định của Nhà nước, không được gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước.
Để có được những quyết định đó, rất cần cán bộ năng động đề xuất. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cấp cũng phải mạnh dạn quyết đáp để anh em cấp dưới yên tâm làm việc. Bởi vì sau này nếu có thanh tra, kiểm tra thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cũng phải đứng ra để giải trình.
- Xin hỏi rất thẳng thắn, để bảo vệ quyết định của cấp dưới, ông đã phải đứng ra giải trình với cơ quan thanh tra, kiểm toán lần nào chưa?
Cũng đã có trường hợp kiểm toán vào và đề nghị giải trình. Khi chúng tôi giải trình, kiểm toán thấy trong trường hợp đó tỉnh đã vận dụng đúng, phù hợp với quy định của pháp luật.
- Theo ông, ngoài ý kiến cho rằng chế độ tiền lương hiện nay chưa thực sự hấp dẫn, còn nguyên nhân nào khác khiến một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm?
Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng trên, trong đó có việc hệ thống luật pháp của chúng ta chưa thống nhất, đồng bộ.
Ví dụ như vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong giai đoạn khác cũng có những quy định khác nhau. Như vậy, có thể thấy hệ thống pháp luật cũng chưa đồng bộ, chưa thống nhất, dẫn đến cán bộ thực thi lúng túng.
Cũng có trường hợp là do năng lực cán bộ cơ sở nên họ chưa nghiên cứu sâu, chưa nắm vững quy định của pháp luật. Đôi khi quy định đã rõ rồi nhưng vẫn thấy băn khoăn, vẫn thấy vướng, vẫn phải hỏi cấp trên.
Ngoài ra, khi chúng ta đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý nhiều cán bộ, tổ chức sai phạm, dẫn đến có trường hợp cán bộ sợ làm sai, sợ trách nhiệm. Từ đó một bộ phận cán bộ có biểu hiện né tránh, đùn đẩy.
- Theo ông, giải pháp nào để cán bộ không né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc?
Tại Yên Bái, việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm không phải là hiện tượng phổ biến. Bởi vì chúng tôi đã làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên thấy rằng mình làm đúng thì không sợ, còn những vấn đề chưa nắm vững, chưa hiểu rõ có thể hỏi cấp trên, hỏi cơ quan chức năng để được hướng dẫn, giải đáp.
(Theo Vietnamnet)