Trong thảo luận, đại biểu cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, việc triển khai một số chính sách của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) còn chậm, chưa đạt yêu cầu, không đảm bảo bảo tiến độ đề ra. Nguyên nhân là do một số quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành chưa kịp thời, chưa đầy đủ; kế hoạch vốn sự nghiệp cho cả giai đoạn 2021-2025 của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được Thủ tướng Chính phủ giao dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong triển khai thực hiện; việc giao vốn hằng năm có mặt chưa hợp lý.
"Từ nội dung trên, tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương rà soát, xem xét sớm ban hành đầy đủ các hướng dẫn, định mức hỗ trợ và các quy định cụ thể về tổ chức triển khai thực hiện các chương trình. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh việc phân bổ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương cho các CTMTQG theo hướng giao vốn cho cả giai đoạn 2021-2025; đề nghị Bộ Tài chính xem xét giao chung vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm (như giai đoạn 2016-2020), không giao theo các lĩnh vực (sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa thông tin, kinh tế, xã hội,…) để tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương trong việc phân bổ chi tiết và triển khai thực hiện”, đại biểu Luận đề nghị.
Đại biểu cũng cho biết: Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì các xã khu vực III, khu vực II nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II. Tuy nhiên, trong các xã này hiện nay vẫn còn có những thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT.
Do vậy, các địa phương rất lúng túng trong việc tiếp tục thực hiện hay không tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; nhất là trong trường hợp tại thời điểm ban hành Quyết định số 861 và Quyết định 612 thì tất cả hoặc hầu hết các thôn trong xã đều là thôn đặc biệt khó khăn.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, Ủy ban Dân tộc sớm ban hành, hướng dẫn chế độ, chính sách về tiếp tục hỗ trợ đối với người dân sinh sống tại các thôn bản đặc biệt khó khăn khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là đối với các xã mà trước khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là xã khu vực III và có 100% số thôn, bản đặc biệt khó khăn theo các quyết định nêu trên.
Liên quan đến tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho biết, hiện nay các tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, việc thu hút các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mạnh mẽ hơn nữa đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tại các tỉnh miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp cho địa phương quyết định một số thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.
Về triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đại biểu cho biết còn có mặt khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng được như kỳ vọng, đặc biệt tại các tỉnh miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Việc các trường tổ chức dạy học theo các tổ hợp lựa chọn không giống nhau đã khiến cho nhiều học sinh gặp khó khăn khi chuyển trường do quy định phải có tổ hợp tương thích giữa trường mới và trường cũ.
Số lượng giáo viên trên địa bàn các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn thiếu nhiều so với định mức, đặc biệt là giáo viên các môn Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật, trong khi nguồn tuyển rất khó khăn. Các trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học chưa đồng bộ, chưa đầy đủ; một số quy định, hướng dẫn còn chưa rõ ràng, gây khó khăn cho nhà trường và học sinh trong thực hiện.
Thời gian trước mắt, để đáp ứng đủ giáo viên, đại biểu đề nghị cho phép các địa phương được tuyển dụng giáo viên các môn Tin học và Tiếng Anh dạy cấp tiểu học có trình độ đào tạo đạt chuẩn của giai đoạn trước (là trình độ cao đẳng), các địa phương sẽ có lộ trình đào tạo, bồi dưỡng để đến năm 2030 đội ngũ giáo viên này bảo đảm đạt chuẩn theo quy định.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn; trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; trường thuộc xã trong lộ trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới để đảm bảo các điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình...
Hoàng Sâm - Quang Tuấn