Đối với khái niệm "lấy phiếu tín nhiệm”, đại biểu cho rằng quy định như dự thảo nghị quyết của Quốc hội chủ yếu là đưa nội dung về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm. "Tôi đề nghị định nghĩa lại theo hướng lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động giám sát của Quốc hội, của HĐND để đánh giá cán bộ, làm cơ sở để quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi chức hoặc là từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ. Như vậy là bảo đảm đầy đủ các nội dung của công tác quản lý cán bộ” - đại biểu nêu ý kiến.
Nội dung thứ hai là quy định về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu cho biết hiện nay trong dự thảo nghị quyết quy định là thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội hoặc HĐND bầu, phê chuẩn thực hiện vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ. Cho rằng quy định này phù hợp với Quốc hội nhưng với HĐND các cấp, thì nên điều chỉnh theo hướng thực hiện vào kỳ họp thường lệ giữa năm thứ ba của nhiệm kỳ.
Trường hợp như nhiệm kỳ này do hiện nay Quốc hội mới ban hành nghị quyết cho nên có thể phải thực hiện muộn hơn thì cũng nên thực hiện vào khoảng giữa năm thứ ba.
Theo đại biểu, quy định 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định đối với các địa phương là lấy phiến tín nhiệm ở HĐND trước, sau đó mới lấy phiếu tín nhiệm ở cấp ủy. Nếu như quy định vào kỳ họp cuối năm, tức là HĐND cấp tỉnh vào khoảng đầu tháng 12, HĐND cấp huyện, cấp xã là vào khoảng giữa tháng 12, sau đó rồi mới lấy phiếu tín nhiệm ở cấp ủy thì chúng ta sẽ tập trung thực hiện vào thời điểm cuối năm thứ ba, có thể kéo sang đầu năm thứ tư của nhiệm kỳ, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của các địa phương trong gian đoạn cuối năm.
Nêu thời gian nhiệm kỳ của đại hội Đảng bộ cấp huyện, từ thời điểm tiến hành đại hội vào khoảng tháng 5, tháng 6 của năm đầu nhiệm kỳ, thì đến cuối của năm thứ ba đã được khoảng ba năm rưỡi, tương đương 2/3 nhiệm kỳ chứ không phải giữa nhiệm kỳ. Do vậy, đại biểu đề nghị điều chỉnh thời điểm lấy với phiếu tín nhiệm đối với HĐND các cấp nên vào kỳ họp thường lệ giữa năm thứ ba của nhiệm kỳ là hoàn toàn phù hợp.
Về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Đỗ Đức Duy đề nghị cân nhắc điều chỉnh về thời gian của các bước trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm của HĐND các cấp theo hướng giảm còn bằng khoảng 2/3 so với thời gian thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội.
Thứ nhất số lượng người được lấy phiếu ít hơn, thứ hai là ở HĐND các cấp thì đại biểu HĐND thường xuyên theo dõi và đánh giá được cán bộ mà mình sẽ lấy phiếu tín nhiệm, khác với tại Quốc hội là đại biểu Quốc hội có thể ở các địa phương khác nhau trên cả nước, việc đánh giá đối với người được lấy phiếu là các thành viên Chính phủ hoặc Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội thì cần phải giành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu hồ sơ, tìm hiểu về người được lấy phiếu tín nhiệm. Do vậy, đại biểu cho rằng đối với HĐND thì rút ngắn thời gian các bước trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm, còn khoảng 2/3 là phù hợp.
Trong thảo luận, đại biểu Đỗ Đức Duy đặt vấn đề về thủ tục đề nghị, kiến nghị Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm quy định tại Điều 14. Theo dự thảo, tại Điều 14 có hai khoản, khoản 1 quy định việc đề nghị, kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; khoản 2 quy định việc đề nghị, kiến nghị HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Nhưng thiết kế thì không tương thích với nhau, đại biểu đề nghị thiết kế theo hướng là tương thích về nội dung của 2 khoản này.
Viện dẫn tại khoản 1, hiện quy định có ba trường hợp đề nghị, kiến nghị Quốc hội thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm. Thứ nhất là Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự quyết định việc bỏ phiếu tín nhiệm; thứ hai, qua hoạt động giám sát, các cơ quan giám sát kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm; thứ ba là các đại biểu Quốc hội có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu đặt vấn đề: "Đối với HĐND thì chỉ áp dụng duy nhất một trường hợp, đó là có các đại biểu HĐND gửi văn bản đến Thường trực HĐND đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm, tôi đề với HĐND cũng thiết kế ba trường hợp tương tự như với Quốc hội”.
Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy phát biểu thảo luận ở tổ.
Đối với trường hợp thông qua giám sát, các cơ quan giám sát đề nghị thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm - đại biểu Đỗ Đức Duy đề nghị chỉ nên áp dụng với các trường hợp qua giám sát thì phát hiện người giữ chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn tuy không vi phạm khuyết điểm, nhưng mà chất lượng, hiệu quả làm việc hạn chế.
"Họ không có vi phạm gì cả, việc gì giao cũng làm nhưng hiệu quả thấp dẫn đến tín nhiệm thấp thì có thể thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm. Trường hợp đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước như nêu trong dự thảo thì phải thực hiện quy trình xử lý kỷ luật cán bộ theo quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước, chứ không cần thực hiện bước bỏ phiếu tín nhiệm rồi mới xử lý các bước tiếp theo” – đại biểu đặt vấn đề.
Một vấn đề khác, đại biểu dẫn chứng, theo dự thảo chỉ cần có 20% số đại biểu Quốc hội có văn bản đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm thì Quốc hội sẽ thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm. Nhưng đối với HĐND thì dự thảo quy định phải có 1/3 số đại biểu HĐND có văn bản đề nghị, tương đương với 33% số đại biểu có văn bản đề nghị thì HĐND mới tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm. Do vậy, đại biểu đề nghị nên quy định giống nhau về tỉ lệ đại biểu đề nghị để Quốc hội, HĐND quyết định việc bỏ phiếu tín nhiệm, Quốc hội áp dụng tỉ lệ là bao nhiêu, thì HĐND cũng áp dụng tương tự như vậy.