Chị Phạm Thị Thùy đã có 20 năm làm công nhân tại Nhà máy gia công chế biến Giấy Nguyễn Phúc thuộc Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái. Trong thời gian làm việc tại đây, chị Thùy được Công ty trả lương đầy đủ, đúng thời gian, được tham gia đầy đủ các chính sách về BHYT, BHXH và các chế độ ưu đãi khác từ tổ chức công đoàn.
Chị Thùy chia sẻ: Với sự quan tâm của Ban giám đốc Công ty, bản thân tôi luôn cố gắng phấn đấu, hoàn thành tốt mọi công việc được giao; tích cực tham gia các hoạt động xã hội mà Công ty tổ chức. Đã gắn bó với Công ty 20 năm và cũng 20 năm tham gia BHXH nên tôi rất yên tâm khi gắn bó với nhà máy bởi mức lương hàng tháng ổn định và được tổ chức công đoàn quan tâm đến đời sống.
Không chỉ riêng chị Thùy mà gần 450 lao động tại 8 nhà máy của Công ty đều yên tâm lao động sản xuất, mong muốn gắn bó lâu dài.
Ông Lê Long Giang - Giám đốc Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái cho biết, đơn vị được thành lập từ năm 1972, năm 2004 bắt đầu chuyển đổi theo hướng cổ phần hóa.
Hiện đơn vị có quy mô 8 nhà máy sản xuất (chế biến tinh bột sắn, tinh dầu quế, giấy đế...) đặt tại 5 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với 447 lao động; thu nhập bình quân của người lao động hiện đạt 9,2 triệu đồng/tháng. Tiền lương bình quân đóng BHXH tại Công ty đạt 72% lương thực tế của người lao động.
Công nhân làm việc tại Nhà máy gia công, chế biến Giấy Nguyễn Phúc thuộc Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái
Qua 4 tháng đầu năm, Công ty đã đóng BHXH, BHYT với tổng số tiền 4,6 tỷ đồng. Quyền lợi BHXH của người lao động được đảm bảo đầy đủ: đã có 288 lượt người lao động được hưởng chế độ ốm đau; 12 người được hưởng chế độ thai sản; 4 người được hưởng chế độ dưỡng sức.
"Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc và các tổ chức đoàn thể trong Công ty sẽ tiếp tục duy trì, phối hợp tốt với cơ quan BHXH tỉnh để triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp; đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động. Mong cơ quan BHXH tỉnh tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, mở rộng, đa dạng hóa hình thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao hơn. Nghiên cứu, triển khai các nền tảng, giải pháp kĩ thuật mới phục vụ chuyển đổi số để phục vụ tốt nhất quyền lợi cho các doanh nghiệp và người lao động tham gia BHXH”, ông Giang cho biết.
Còn tại Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, hiện thu nhập bình quân của người lao động là 8,1 triệu đồng/tháng; đơn vị đóng BHXH cho 201 lao động; lương bình quân đóng BHXH là gần 5,5 triệu/tháng, chiếm khoảng 69% thu nhập. Từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã đóng BHXH, BHYT cho người lao động với số tiền 1,4 tỷ đồng.
Theo thống kê, tổng số tiền người lao động tại đơn vị được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe là trên 471 triệu đồng. "Những tháng đầu năm, công suất của nhà máy chỉ đạt khoảng 30%, lương bình quân của người lao động có xu hướng giảm xuống (khoảng 5,5 triệu); dù vậy, đơn vị vẫn cố gắng đóng BHXH, BHYT đầy đủ cho người lao động theo quy định. Tỉnh Yên Bái cũng rất quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt và thực hiện hiệu quả chính sách BHYT, BHXH” - Tổng giám đốc Công ty Nguyễn Thanh Hà cho biết.
Tại Yên Bái, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; công tác BHXH, BHYT, BHTN luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự phối hợp, vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương trong việc tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia, công tác quản lý và thực hiện các chính sách về BHXH, BHYT, BHTN.
Tính đến 31/12/2022, tổng số tham gia BHXH của toàn tỉnh là 79.628 người, đạt 19,28% số lao động trong độ tuổi, tăng 23.663 người so với năm 2018. Trong đó, tổng số người tham gia BHXH bắt buộc là 54.631, tăng 5,04% so với cùng kỳ năm 2018; tổng số người tham gia BHXH tự nguyện là 24.997, tăng 531,8% so với năm 2018; tỷ lệ nông dân và lao động phi chính thức tham gia so với lực lượng lao động trong độ tuổi năm 2022 là 6,05%, tăng 5,05% so với năm 2018.
Yên Bái đứng thứ 3 trong 6 tỉnh khu vực Tây Bắc về tỷ lệ người tham gia BHXH bắt buộc, đứng thứ nhất về tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện. Đến 31/12/2022, số lao động trong độ tuổi tham gia BHTN là 46.188 người, chiếm tỷ lệ 11,18% , tăng 0,58% so với năm 2018.
Công tác giải quyết chế độ chính sách, chi trả các chế độ về BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia đảm bảo đúng, đủ, kịp thời; thủ tục hành chính về BHXH, BHYT, BHTN ngày càng được rút ngắn thời gian giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức; quản lý quỹ BHYT được tăng cường quản lý, qua đó hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Tạo hình sản phẩm sứ cách điện tại Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn
Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện Nghị quyết 28 trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Trí Đại cho biết: Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 28. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người lao động và nhân dân về vai trò của chính sách BHXH để người dân nhận thức được ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHTN là nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm cho người dân khi gặp rủi ro trong cuộc sống khi hết tuổi lao động.
Nâng cao năng lực, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, tập trung vào việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính; xây dựng hệ thống BHXH, BHTN hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia, thụ hưởng các chế độ chính sách BHXH, BHTN.
Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và thực hiện BHXH, BHTN, trọng tâm là lĩnh vực quản lý đối tượng tham gia BHXH cấp sổ BHXH; quản lý người hưởng lương hưu, hưởng các chế độ BHXH, BHTN hàng tháng; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về BHXH, BHTN tại địa phương.
Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 28 trong thời gian tới, Yên Bái tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 28, hàng năm, cấp uỷ, chính quyền, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đưa chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể về BHXH, BHTN vào chương trình hành động, kế hoạch hoạt động hàng năm, xem đây là nội dung quan trọng trong lãnh đạo, điều hành góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN; tăng cường quản lý đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện. Đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHTN; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động đối với người lao động khu vực phi chính thức, khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số trong việc tham gia BHXH tự nguyện.
Triển khai các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, rà soát xác định nhu cầu tham gia BHXH, BHYT của các đối tượng, hướng dẫn người dân tham gia các loại hình bảo hiểm phù hợp với nhu cầu, điều kiện kinh tế của gia đình. Giải quyết kịp thời, đầy đủ, đúng quy định chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người dân và người lao động.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành BHXH; sử dụng và phát huy hiệu quả các phần mềm nghiệp vụ trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.
Cùng với đó, Yên Bái sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, người lao động; các tổ chức chính trị, đoàn thể chính trị xã hội tập trung giúp đỡ nhóm người yếu thế trong thực hiện các chính sách về BHXH, BHYT.
Mạnh Cường