Tham gia thảo luận, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy đề nghị bổ sung khái niệm cụm từ "Tái định cư tại chỗ” để áp dụng thống nhất, do hiện nay đang có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau khái niệm này.
Đại biểu cho biết, có thể hiểu là tái định cư tại vị trí thu hồi đất của người sử dụng đất hay tái định cư trong khu vực thực hiện dự án, hay trong cùng đơn vị hành chính cấp xã, phường khi thực hiện các dự án theo tuyến ví dụ như tuyến đường giao thông qua nhiều xã, phường...
Đề nghị bổ sung khái niệm: "Khu vực sử dụng đất theo chức năng trong quy hoạch sử dụng đất”, đại biểu nêu thực tế hiện nay quy hoạch sử dụng đất cho một dự án trong đó bao gồm nhiều chức năng khác nhau, có thể là đất ở, đất thương mại dịch vụ, đất giáo dục… khi có sự điều chỉnh đồ án quy hoạch thì chúng ta sẽ bị vướng nếu chúng ta không làm rõ khái niệm này.
"Về các hình thức tích tụ đất nông nghiệp, đề nghị bổ sung thêm tích tụ thông qua "nhận tặng cho”, chứ không chỉ có nhận chuyển nhượng hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất như dự thảo hiện nay” - Đại biểu Đỗ Đức Duy phát biểu.
Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu đề nghị thay cụm từ "thông tin đến từng thửa đất” thành "thông tin theo từng công trình dự án”, vì có những công trình dự án gồm nhiều thửa đất, trong quá trình thực hiện mới xác định chi tiết đến từng thửa đất.
Các trường hợp Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác, đại biểu đề nghị bổ sung các dự án khu đô thị do tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện”. Cho biết, hiện nay trong dự thảo chỉ quy định các dự án đó là: các dự án khu dân cư nông thôn do tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện. Thực tế ở các địa phương, thị trấn cũng là đô thị, hay các phường có những quỹ đất xen kẹp quy mô cũng lớn có thể giao cho trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện dự án khu đô thị.
Cũng trong nội dung này có quy định: Hiệu lực của thông báo thu hồi đất là 12 tháng tính từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất, đại biểu đề nghị xem xét, loại bỏ quy định này. Vì khi triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội, do các yếu tố khách quan hoặc do quy mô dự án lớn có thể không hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng trong 12 tháng, nếu quy định như dự thảo thì cơ quan Nhà nước lại phải có thủ tục gia hạn thông báo thu hồi đất, trong khi kế hoạch sử dụng đất được thực hiện trong 3 năm hoặc có thể được chuyển tiếp theo quy định tại khoản 5 Điều 76.
Đại biểu Đỗ Đức Duy đề nghị bổ sung thêm tích tụ thông qua "nhận tặng cho”, chứ không chỉ có nhận chuyển nhượng hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất
Tại quy định về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu đề nghị nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung ở phần phương án xử lý thông báo thu hồi đất trong trường hợp người sử dụng đất vắng mặt do yếu tố khách quan như đi nước ngoài, chấp hành thi hành án, hoặc đang có tranh chấp...
Đồng thời quy định bổ sung số lần vận động, thuyết phục trong 10 ngày trước khi thực hiện các thủ tục tiếp theo. "Hiện nay chỉ quy định thời gian là 10 ngày, nhưng không quy định vận động, thuyết phục bao nhiêu lần” - đại biểu cho biết.
Đối với quy định về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, hiện trong dự thảo có quy định các khoản hỗ trợ, bao gồm: Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ tái định cư… Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chỉ có quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm nhưng chưa có quy định về việc hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất và hỗ trợ tái định cư.
Đồng thời đề nghị xem xét bổ sung thêm quy định về hỗ trợ cho nhóm người bị hạn chế khả năng lao động như người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, phụ nữ đơn thân, hộ gia đình nghèo, người già neo đơn...
Về quy định: Khu tái định cư bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Trong dự thảo, đối với hạ tầng xã hội phải đảm bảo trường học, dịch vụ y tế, nhà văn hóa, khu thể thao, chợ, khu thương mại - dịch vụ, đại biểu Đỗ Đức Duy đề nghị cân nhắc bởi hạ tầng xã hội phải căn cứ theo quy hoạch khu vực đó, chứ không phải khu tái định cư là phải có tất cả dịch vụ này. nên sửa lại theo hướng: đối với Hạ tầng xã hội: đảm bảo trường học, dịch vụ y tế, nhà văn hóa, khu thể thao, chợ, khu thương mại - dịch vụ theo quy hoạch chi tiết xây dựng của dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”
Về phát triển quỹ đất, đại biểu đề nghị nội dung đất đưa vào để tạo quỹ đất cần bổ sung thêm trường hợp đất thu hồi theo quy định về "dự án khu dân cư nông thôn do tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện”
Về Đăng ký đất đai, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đại biểu nêu trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày có biến động. Nhưng chưa quy định cụ thể ngày có biến động là ngày nào, ngày ký kết hợp đồng chuyển quyền và được công chứng, chứng thực hay ngày các bên thực hiện thanh toán giá trị hợp đồng và bàn giao đất, cần phải quy định rõ thêm.
Về đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng, ngoài các quy định tại dự thảo Luật, đề nghị tại các nghị định hướng dẫn thi hành Luật phải quy định cụ thể các vấn đề như: Tiêu chí để xác định việc sử dụng đất không hiệu quả hoặc không sử dụng đất (khi vi phạm luật) của các công ty để làm căn cứ thu hồi đất; Các chính sách đối với người dân khi tham gia hoạt động cùng với các công ty và Đối tượng ưu tiên cho các hộ thiếu đất sản xuất được nhận hợp đồng, thuê thầu sử dụng đất phù hợp với trình độ, tay nghề.
Cuối phần thảo luận của mình, đại biểu Đỗ Đức Duy cũng đã bày tỏ quan điểm về các trường hợp sử dụng lớp đất mặt thì khi thăm dò khoáng sản; hay hạn mức sử dụng đất đối với các tổ chức tôn giáo phù hợp...
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Quốc Luận phát biểu thảo luận ở tổ sáng 9/6.
Phát biểu thảo luận, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Quốc Luận đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu và cập nhật thường xuyên vào bản dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu cho biết vấn đề thu hồi đất là một vấn đề rất vướng hiện nay, đặc biệt là thu hồi đất đối với trường hợp doanh nghiệp phải tự thỏa thuận.
Qua thực hiện khảo sát, giám sát thì có thể nói rằng, đối với những dự án Nhà nước thu hồi đất, thực hiện giao đất, cho thuê đất thì cơ bản thuận lợi. Nhưng với những loại hình dự án mà doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với người dân thì hiện nay hết sức vướng; có những dự án đã không triển khai thực hiện được. Nhà đầu tư rất là phiền lòng mà không có biện pháp nào để cưỡng chế vì họ không có thẩm quyền.
Trong dự thảo luật cũng đã có quy định chi tiết hơn, cụ thể hơn, nhưng đề nghị là cơ quan soạn cần phải nghiên cứu cụ thể đối với trường hợp nào? đến mức độ nào? chứ nếu không chúng ta không tháo gỡ được cho nhà đầu tư thì hiệu lực, hiệu quả của Luật Đất đai trong nội dung này chưa được đầy đủ.
Cơ bản nhất trí với quy định bảng giá đất, đại biểu Luận đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm quy định trong trường hợp năm áp dụng bảng giá đất cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo HĐND tỉnh để điều chỉnh. Đây là độ mở rất cao, tạo điều kiện rất thuận lợi cho các địa phương trong triển khai, nhưng có lẽ lại mở quá, đại biểu đề xuất nên có một hệ số điều chỉnh, để tăng ở mức độ nào đấy, chúng ta điều chỉnh chứ không phải là cứ biến động là chúng ta điều chỉnh. Như vậy cũng để thống nhất giữa các địa phương và tính ổn định của bảng giá đất.
Tham gia về quỹ phát triển đất, đại biểu cho rằng phải quy định rõ là cái quỹ này sử dụng để làm gì, nguyên tắc như thế nào? Nên chăng cũng không nên quy định cứng nhắc tỷ lệ tối thiểu 10% phải trích hàng năm mà nên để cái độ mở là: tùy tình hình của từng địa phương thì UBND tỉnh có thể báo cáo HĐND tỉnh để quyết định mức trích này.
Về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, đại biểu Luận đồng tình với quy định với dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10 ha trở lên ở nông thôn và 5 ha trở lên ở khu vực đô thị. Tuy nhiên, đại biểu đặt câu hỏi đối với dưới 5 ha đối với đô thị mà chúng ta lại không thực hiện đấu thầu, nhất là các dự án khu đất vàng, đất kim cương thì có hợp lý không? Có thất thoát ngân sách nhà nước không?.
"Cá nhân tôi đề nghị cơ quan làm thảo nghiên cứu chỗ này để có một cái quy định một cái mức nào hợp lý đối với những những cái trường hợp đặc biệt nào đấy…” - đại biểu Luận nêu ý kiến
Quang Tuấn - Hoàng Sâm (lược ghi)