Trở lại những năm tháng hào hùng suốt hành trình xây dựng và trưởng thành 78 năm qua - kể từ khi chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh được thành lập (ngày 7/5/1945) tại thị xã Yên Bái (nay là thành phố Yên Bái) với 3 đảng viên có nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cách mạng tại thị xã, nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, chỉ sau một thời gian ngắn, phong trào cách mạng tại Yên Bái đã lan rộng khắp các địa phương trong toàn tỉnh.
Khí thế cách mạng dâng cao, ý chí quyết tâm giết giặc cứu nước, giành chính quyền được lan tỏa rộng khắp trong bầu nhiệt huyết của mỗi người dân chính là điều kiện chín muồi để Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định chọn ngày 30/6/1945 thành lập Ban Cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư.
Đây là sự kiện lịch sử trọng đại và nổi bật nhất trong đời sống chính trị của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nửa đầu thế kỷ 20 và là dấu son chói lọi trong lịch sử 78 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh.
Ngay sau khi thành lập, Ban Cán sự Đảng đã đề ra 3 chủ trương tập trung lãnh đạo phong trào cách mạng, lãnh đạo nhân dân kết hợp với lực lượng vũ trang xây dựng cơ sở cách mạng, tiến hành khởi nghĩa, lần lượt giải phóng các châu: Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bình và thị xã Yên Bái. Nhờ đó, Yên Bái trở thành một trong những địa phương của cả nước giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất.
Ngày 22/8/1945, tại Vườn hoa Nhà Kèn (nay là Sân vận động thành phố Yên Bái), trước sự có mặt đông đảo của gần một vạn quần chúng nhân dân đến từ các địa bàn lân cận, Ban Cán sự Đảng đã tổ chức cuộc mít tinh ra mắt UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái.
Tháng 9/1945, Trung ương quyết định giải thể Ban Cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ và thành lập Tỉnh ủy Yên Bái. Từ đó, Tỉnh ủy Yên Bái đã đoàn kết thống nhất, phát huy dân chủ, nêu cao vai trò, ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, quyết tâm, quyết liệt đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương.
Trải qua 19 kỳ đại hội, thực hiện công cuộc đổi mới gần 40 năm mà Đảng khởi xướng và lãnh đạo, 78 năm qua, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã và đang ngày càng thêm trưởng thành, lớn mạnh, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu hơn trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Đồng thời, quyết đoán hơn, tự tin và vững vàng, chủ động hơn trong vai trò hạt nhân lãnh đạo phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, trong đó phải kể đến những chương trình, kế hoạch hành động, những quyết sách đúng đắn, những chủ trương hợp lòng dân mà Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với quyết tâm đổi mới, sáng tạo đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn trên tinh thần phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, tự trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội.
Đó là nền kinh tế phát triển và tăng trưởng khá được đánh dấu bằng các chỉ số thu ngân sách qua từng năm.
Điển hình là năm 2022 vừa qua, tỉnh Yên Bái đã về đích thu ngân sách Nhà nước với kết quả ấn tượng trên 4.600 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2021; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đứng thứ 8/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc; xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số quốc gia, tăng 13 bậc so với năm 2020, góp phần giảm 5,05% hộ nghèo toàn tỉnh, nâng chỉ số hạnh phúc của người dân lên 62,57%, vượt 1,37% so với kế hoạch...
Với sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy sức mạnh nội lực xây dựng nông thôn mới.
Những kết quả ấn tượng đó đã giúp Yên Bái có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên con số 99. Cùng với 2 địa phương đạt chuẩn quốc gia xây dựng nông thôn mới là thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên, một lần nữa - Yên Bái lại vinh dự được ghi tên vào danh sách tỉnh miền núi phía Bắc đầu tiên có huyện đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Đó chính là nền tảng quan trọng để Yên Bái hoàn thành triển khai xây dựng chính quyền điện tử; thành lập, đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã đi vào hoạt động liên thông, giải quyết 100% các thủ tục hành chính với tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp lên đến 99%.
Năm 2019, cũng là năm tăng tốc về đích các mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh Yên Bái có học sinh đạt Huy chương Bạc Kỳ thi Olympic Quốc tế; bình quân toàn tỉnh đã đạt 9 bác sĩ trên 1 vạn dân với tỷ lệ 78% số xã có bác sĩ.
Đời sống của nhân dân ngày càng đi lên, kinh tế ổn định và phát triển, giúp Yên Bái mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng những chính sách cởi mở, ưu đãi và thông thoáng hơn.
Song song với phát triển kinh tế, công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng bộ tỉnh coi là nhiệm vụ then chốt, quan trọng. Từ 1 chi bộ nhỏ ban đầu chỉ có 3 đảng viên, sau 78 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay Yên Bái đã xây dựng được một Đảng bộ mạnh với trên 60.700 đảng viên, đặc biệt 100% thôn, bản, tổ dân phố trong tỉnh đều đã có chi bộ lãnh đạo mọi hoạt động.
Nhờ tích cực xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng và đảng viên, ở tuổi 78, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã và đang khẳng định vai trò lãnh đạo của mình trên cả 4 mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đủ sức lãnh đạo công cuộc đổi mới quê hương Yên Bái phát triển bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” như Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Các tổ chức đảng và đảng viên đã gắn việc thực hiện Chỉ thị 05 với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về xây dựng Đảng và nêu cao vai trò trách nhiệm, góp phần củng cố vững chắc lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Hôm nay, Đảng bộ tỉnh còn luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức có phẩm chất đạo đức, có năng lực và trình độ công tác và thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; công tác vận động quần chúng của Đảng; xây dựng hệ thống chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở vững mạnh.
Phát huy vai trò đoàn kết các dân tộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và phát triển tỉnh Yên Bái. Nhờ đó, mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, nhân dân với Đảng, với chính quyền ngày càng bền chặt và gắn bó.
Thực tế cho thấy, những thành tựu to lớn mà Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc đạt được trên chặng đường 78 năm cùng đồng hành chính là kết tinh trí tuệ, tâm huyết, sức lực, bản lĩnh và ý chí của các thế hệ cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân các dân tộc đã và đang sống, lao động, học tập trên quê hương Yên Bái thân yêu.
Thành tựu đó, công sức đó của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã dần hiện thực hóa lời dạy bảo ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: "Đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc”.
Bởi, sự hài lòng của người dân là chỉ số cải cách hành chính, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mà cấp ủy, chính quyền các cấp đã đạt được trong những năm cuối nhiệm kỳ 2015-2020 chính là nguyên liệu xây nền móng vững chắc cho mục tiêu nhân văn cao đẹp là chỉ số hạnh phúc của người dân mà Đảng bộ tỉnh đang nỗ lực, quyết tâm phấn đấu đạt được trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 này.
Thanh Hương