Sự ra đời của chi bộ Đảng đầu tiên của Khu căn cứ cách mạng Vần - Hiền Lương đánh dấu một sự kiện quan trọng, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng - nhân tố quyết định cho mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Chiến khu Vần - Hiền Lương, ngày 6/5/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ đã chỉ đạo thành lập một chi bộ Đảng tại Nang Sa gồm 3 đồng chí là: Hoàng Quang Minh (Ngô Minh Loan) và hai đảng viên dự bị là Đặng Bá Lâu và Lê Huy Ấm, do đồng chí Hoàng Quang Minh làm Bí thư. Ngày 7/5/1945, Chi bộ Đảng thị xã Yên Bái được thành lập gồm 3 đồng chí là: Mai Văn Ty, Nguyễn Minh Đăng, Nguyễn Chí Dũng do đồng chí Mai Văn Ty làm Bí thư.
Cùng thời gian đó, một chi bộ Đảng ở Đan Thượng được thành lập gồm 4 đảng viên, do đồng chí Trịnh Xuân Tiền làm Bí thư. Các chi bộ Đảng lần lượt ra đời là một sự kiện hết sức có ý nghĩa đối với Chiến khu Vần - Hiền Lương trong việc xây dựng, củng cố cơ sở và khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, sau khi xin ý kiến của Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Ngô Minh Loan đã hợp nhất 3 chi bộ thành một chi bộ gồm các đảng viên chính thức là: Ngô Minh Loan, Đào Đình Bảng, Mai Văn Ty, Nguyễn Hữu Minh, Trần Văn Cần, Nguyễn Minh Đăng… và một số đảng viên dự bị như Đặng Bá Lâu, Lê Huy Ấm, Ma Văn Quế…; đồng chí Ngô Minh Loan được bầu làm Bí thư. Sự ra đời của chi bộ Đảng đầu tiên của Khu căn cứ cách mạng Vần - Hiền Lương đánh dấu một sự kiện quan trọng, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng - nhân tố quyết định cho mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Tại Hội nghị hợp nhất 3 chi bộ, các đồng chí trong chi bộ đã bàn kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ. Hội nghị đã ra Nghị quyết xác định nhiệm vụ trước mắt gồm 3 điểm, trong đó xây dựng lực lượng vũ trang bằng cách lựa chọn anh em khỏe mạnh, hăng hái trong các đoàn thể cứu quốc; chuẩn bị lực lượng cướp chính quyền…
Sau một thời gian rất ngắn, ngày 14/5/1945, tại chùa Hiền Lương, trước sự chứng kiến của đông đảo quần chúng nhân dân các làng, xã vùng xung quanh, Đội du kích Âu Cơ được thành lập và ra mắt gồm 33 đội viên với 11 khẩu súng, hàng nghìn viên đạn.
Lần đầu tiên, trước cửa chùa, lá cờ cách mạng xuất hiện tung bay trước gió, được quần chúng nhân dân vỗ tay hò reo đón nhận. Đội du kích vinh dự được mang tên: Đội du kích Âu Cơ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, Đội du kích Âu Cơ liên tiếp giành thắng lợi.
Sáng ngày 30/6/1945, lãnh đạo Chiến khu Vần - Hiền Lương tổ chức một cuộc mít tinh ở đình Hiền Lương với sự tham gia của đông đảo nhân dân quanh vùng và đại diện Đội du kích Âu Cơ để mừng chiến thắng của lực lượng vũ trang, vừa cổ vũ lực lượng vũ trang, vừa gây thanh thế cho Đội du kích Âu Cơ. Tại cuộc mít tinh, đồng chí Ngô Minh Loan công bố Quyết định của Xứ ủy Bắc Kỳ thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú - Yên.
Ban cán sự gồm 4 đồng chí: đồng chí Ngô Minh Loan được cử làm Bí thư Ban cán sự Đảng; đồng chí Bình Phương là Ủy viên - phụ trách quân sự; đồng chí Lê Quang Ấn là Ủy viên - phụ trách phong trào ở Phú Thọ; đồng chí Trần Quang Bình là Ủy viên. Ngay buổi chiều hôm ấy, Ban Cán sự Đảng Phú - Yên họp và quyết định thành lập "Ủy ban Giải phóng”.
Trước sức áp đảo cả về chính trị, quân sự, Tri phủ Văn Chấn Nguyễn Công Thuyết cùng Quản Nhượng mang cờ trắng ra đón quân cách mạng tại cầu ngòi Thia. Ngày 6/7/1945, Nghĩa Lộ được giải phóng hoàn toàn.
Chính quyền cũ ở Nghĩa Lộ đã bàn giao toàn bộ sổ sách, giấy tờ, 60 khẩu súng trường, 14 hòm đạn, 1 máy chữ, cùng kho tàng của cải cho lực lượng cách mạng. Trong khi lực lượng vũ trang cách mạng đang tấn công giải phóng Nghĩa Lộ, Ban lãnh đạo quyết định chia lực lượng ra làm nhiều mũi, cướp thời cơ giành chính quyền ở nhiều nơi khác.
Lực lượng chính do đồng chí Ngô Minh Loan chỉ huy tiến quân ra lập Sở chỉ huy ở Âu Lâu, chuẩn bị kế hoạch đánh chiếm thị xã Yên Bái.
Đêm 17 rạng sáng 18/8/1945, quân giải phóng vượt sông tấn công vào thị xã. Hai bên giao tranh quyết liệt cho đến 9 giờ sáng, quân Nhật phải gửi thư xin đầu hàng. Ngày 19/8, tại dinh Tri phủ Trấn Yên, quân Nhật ký biên bản đầu hàng Việt Minh vô điều kiện trước khí thế cách mạng như vũ bão của quân giải phóng và các tầng lớp nhân dân. Ngày 21/8, quân giải phóng tiếp quản thị xã.
Ngày 22/8/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Vườn hoa Nhà Kèn mừng cuộc khởi nghĩa thành công giành chính quyền về tay nhân dân, chấm dứt ách thống trị của thực dân phong kiến và phát xít Nhật.
Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân Yên Bái cũng như nhân dân cả nước từ thân phận của người nô lệ đã trở thành người dân của một nước độc lập, có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Nhà cụ Trần Đình Khánh - Trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến đầu tiên của tỉnh Yên Bái vẫn giản dị bên bìa rừng; cây vải cổ thụ vẫn tỏa bóng; vùng quê Việt Hồng vẫn sắt son truyền thống cách mạng anh hùng… nhưng cuộc sống đã có nhiều đổi thay, no ấm, hạnh phúc thể hiện trên những khuôn mặt rạng ngời của người dân vùng Chiến khu xưa.
Lê Phiên