Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối ĐĐKTDT’’.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: "Phát huy sức mạnh ĐĐKTDT, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Động viên và phát huy khối ĐĐKTDT luôn gắn liền với yêu cầu mở rộng dân chủ và giữ vững kỷ cương phép nước trong đời sống xã hội. Để thực hiện thành công, thắng lợi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”, cần tiếp tục phát huy sức mạnh ĐĐKTDT, ý chí, nghị lực và sức sáng tạo của con người Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Theo đó, cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể cần chăm lo, phát huy và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở.
Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Hai là, ĐĐKTDT phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về ĐĐKTDT; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách để phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước; bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân...
Ba là, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cần đầu tư, quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng, chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp của công nhân. Xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp nông dân, chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp và cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; thực hiện có hiệu quả, bền vững công cuộc xóa đói, giảm nghèo, khuyến khích làm giàu hợp pháp. Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo.
Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài của đất nước. Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Chăm lo bồi dưỡng và phát huy vai trò của thế hệ trẻ, đội ngũ doanh nhân, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, các cá nhân tiêu biểu, các nhân sĩ, trí thức, người dân tộc thiểu số, các tín đồ, chức sắc tôn giáo và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển nhanh, bền vững đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.
Bốn là, đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển.
Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung. Cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp một cách công khai, minh bạch. Chống kỳ thị dân tộc, nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối ĐĐKTDT của các thế lực thù địch...
Năm là, tiếp tục hoàn thiện và thực thi quy định về đạo đức công vụ trong công tác dân vận, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên.
Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân, "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin’’; trân trọng, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước theo định hướng XHCN.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; phê phán, xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức, viên chức thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu dân; tăng cường ý thức, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân.
Sáu là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp ĐĐKTDT bằng Cương lĩnh, chiến lược, các chủ trương chính sách lớn, bằng công tác tổ chức, cán bộ, bằng công tác kiểm tra, giám sát, bằng công tác lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Quy định cụ thể Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Phát huy quyền làm chủ, tinh thần đoàn kết, sức sáng tạo của nhân dân trong công cuộc đổi mới đồng bộ, toàn diện đất nước.
Đổi mới phương thức, phương pháp, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả những nội dung, nhiệm vụ về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Để thực hiện tốt các nội dung trên, cần quán triệt, thấm nhuần sâu sắc ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đi lên theo định hướng XHCH là một quá trình không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy các nhân tố XHCN để các nhân tố đó ngày càng chi phối, áp đảo và chiến thắng. Thành công hay thất bại là phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”.
(Theo dangcongsan.vn)