Theo TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam: Muốn đất nước phát triển bền vững đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao thì toàn Đảng, toàn dân phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Sự lãnh đạo tài tình của Đảng, vai trò của Mặt trận Việt Minh
PV: Thưa ông, là một cán bộ đảng viên làm trong lĩnh vực văn hóa nhiều năm, cảm nhận của cá nhân ông về ngày 2/9/1945 như thế nào?
TS Nguyễn Viết Chức: Đầu tiên chúng ta phải hiểu được tại sao Tuyên bố độc lập vào ngày 2/9/1945 lại nhanh như thế. Bởi Cách mạng Tháng Tám vừa thành công vào ngày 19/8 vậy mà chỉ ít ngày sau Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là kết tinh của một nghệ thuật lãnh đạo tài tình của Đảng trong lãnh đạo nhân dân đấu tranh chứ không phải thành công bởi sức mạnh vũ khí. Đó là nghệ thuật chớp thời cơ, bởi để chậm, mọi chuyện sẽ rất khác. Đây chính là sự tài tình của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng.
TS Nguyễn Viết Chức
Đảng tuyệt đối tin vào nhân dân, tin vào Mặt trận Việt Minh. Giành được chính quyền, giành được độc lập có thể nói vai trò của Mặt trận Việt Minh trong Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 là vô cùng to lớn.
Đảng tin vào khát vọng, ý chí nguyện vọng của Nhân dân và khát vọng độc lập, tự do và hạnh phúc. Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 là bước đi vô cùng tài tình của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh ra một Nhà nước hoàn toàn mới, đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của người dân. Lúc đó người dân chưa biết xã hội mới là như thế nào, chưa hiểu hết về cộng hoà và dân chủ là như thế nào nhưng khi giải thích không còn chế độ phong kiến, thực dân nữa thì người dân vô cùng phấn khởi, phấn chấn tin theo Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tin vào cách mạng.
Sức mạnh ấy chính là nền tảng to lớn. Cho nên giữa Quảng trường Ba Đình, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Nhân dân có một niềm tin rất lớn vào sự nghiệp cách mạng.
Hàng vạn người dân Thủ đô quần áo chỉnh tề, tề tựu trước Quảng trường Ba Đình, lắng nghe bản Tuyên ngôn Độc lập mà Bác Hồ đọc. Giọng của Bác thật ấm, đó là giọng của non nước, của độc lập và tự do. Ngày 2/9/1945 đã đi vào lịch sử nước nhà như một bản hùng ca, và trong lịch sử hiếm có nước nào trên thế giới có được bản Tuyên ngôn Độc lập tuyệt vời như thế.
Đứng về phía nhân dân
- Phải chăng từ đó cho thấy bài học đại đoàn kết, dựa vào dân đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thưa ông?
Thời điểm đó lực lượng của chúng ta rất ít, mới chuyển từ chiến khu Việt Bắc về. Kể cả có chuyển cán bộ về thì lúc đó vũ trang vẫn chưa có gì, vì ngày 22/12/1944 Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân mới được thành lập (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) nhưng sức mạnh của Nhân dân là rất lớn.
Trong bản Tuyên ngôn Độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình năm xưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng ngay chính các luận điểm, quan điểm trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp là hai bản tuyên ngôn nổi tiếng của nhân loại để khẳng định rằng người Việt Nam có quyền được hưởng độc lập, tự do. Và Bác còn suy rộng ra là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có quyền được hưởng hòa bình và độc lập chứ không chịu làm nô lệ, và sự thật Việt Nam đã trở thành nước độc lập.
Rõ ràng bản Tuyên ngôn Độc lập được Bác Hồ đọc có ý nghĩa to lớn khi lúc bấy giờ Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh để đánh đuổi thực dân phong kiến, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Như vậy, chúng ta khẳng định một nhà nước non trẻ, có chủ quyền đã đánh đuổi một đội quân xâm lược. Một nhà nước độc lập có chủ quyền đứng về phía Nhân dân đã đánh đuổi thực dân, đánh đuổi thực dân phong kiến. Điều mà trước đây nhà nước phong kiến không làm được. Đến bây giờ nhiều địa phương, gia đình vẫn tổ chức ăn "Tết Độc lập”, thời điểm mở ra ngày mới, chương mới trong lịch sử Việt Nam.
- Vậy chúng ta cần phát huy bài học đó như thế nào trong thời điểm hiện nay thưa ông? Ông đánh giá như thế nào về sự đổi thay của đất nước trong thời gian qua?
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Quán triệt tư tưởng của Bác, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, quan tâm chăm lo nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân; chú trọng phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những nhiệm vụ trọng tâm đó là sự thống nhất giữa quyền và lợi ích dân tộc với quyền, lợi ích và nghĩa vụ của con người, của công dân.
Bây giờ chúng ta có thể có quyền tự hào mà nói rằng, độc lập mang lại tự do và hạnh phúc cho Nhân dân ta. Hiện cuộc sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ta đã được nâng lên rõ rệt. Như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Chúng ta phải hiểu sâu sắc vấn đề trên, rõ ràng về kinh tế đã được nâng lên nhưng chưa phải là mạnh, nhưng vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ta chưa bao giờ có được như bây giờ. Chúng ta có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước lớn, các nước phát triển và các nước Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; các nước lớn trong khu vực ASEAN và trên thế giới, tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Như vậy rõ ràng không chỉ phát triển về kinh tế, mà cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của chúng ta đã được bạn bè, nhân dân thế giới ca ngợi, đồng tình ủng hộ về mọi đường lối chính sách của nước ta. Khi được nhân dân thế giới đồng tình, ủng hộ, tin cậy thì đó là món quà vô giá, khẳng định vị thế để phát triển bền vững kinh tế cũng như an ninh quốc phòng. Và, chúng ta là thế hệ đi sau phải kế cận, kế thừa và phát huy thật tốt để xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, dân chủ, dân giàu, nước mạnh sánh vai với các cường quốc, năm châu giống như mong ước của Bác Hồ trước lúc đi xa.
Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc
- Từ sự đổi thay của đất nước trong giai đoạn vừa qua, theo ông làm sao để biến những khát vọng đưa đất nước phát triển trở thành hiện thực?
Sự đổi thay của đất nước chúng ta đã thấy rõ. Khát vọng phát triển đất nước đã được đề cập rất cụ thể trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng với các mốc thời gian. Theo đó, xác định các mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước thì nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Bên cạnh đó cũng xác định khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc gắn liền với quá trình xây dựng và phát huy hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và giá trị chuẩn mực, cùng sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới, gắn liền với phát huy đồng bộ hệ động lực phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa; đại đoàn kết toàn dân tộc; sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là khát vọng to lớn có tính lịch sử của đất nước Việt Nam. Do đó muốn đạt được mục tiêu đó thì toàn Đảng, toàn dân phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Trong lịch sử dựng nước đã khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chỉ có đoàn kết mới có thể chiến thắng mọi kẻ thù. Do đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Bài học thành công của Cách mạng Tháng Tám; của Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 cũng chính là sức mạnh đoàn kết dân tộc.
Theo tôi, đại đoàn kết chính là yếu tố trên hết và trước hết. Về vấn đề này MTTQ Việt Nam càng phải phát huy vai trò của mình. Thành công của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 đã cho thấy vai trò to lớn của Mặt trận trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Trước yêu cầu hiện nay, vai trò của Mặt trận cũng phải được nâng lên, và bản thân những người làm công tác Mặt trận cũng phải phấn đấu làm sao thực hiện đúng vai trò của mình đó là một tổ chức đại đoàn kết toàn dân tộc.
Lời nói của Mặt trận bây giờ là lời nói của trái tim mình, lời nói của sự đoàn kết toàn dân tộc. Muốn thế, mỗi cán bộ Mặt trận phải thực sự gương mẫu, làm sao góp phần để cán bộ trong toàn Đảng, toàn hệ thống bộ máy Nhà nước, cùng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh.
Mặt trận đóng vai trò rất to lớn trong xây dựng Đảng. Có như thế mới thực hiện được khát vọng đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Nếu không đoàn kết, cá nhân chủ nghĩa, người chỗ này, chỗ kia mất dân chủ thì làm sao chúng ta có thể phát triển được.
- Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không có những khó khăn, thách thức, thưa ông?
Hạn chế lớn nhất là vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không xứng đáng với niềm tin của Nhân dân. Chúng ta thắng được giặc chính là có được niềm tin của dân, dân tin Đảng. "Lãnh đạo tin dân, dân tin lãnh đạo” thì cái gì cũng thắng lợi. Vừa rồi có tình trạng một bộ phận không nhỏ đã làm "xói mòn” niềm tin của Nhân dân. Đó là cái nguy hiểm, dứt khoát chúng ta phải tiếp tục đấu tranh chấm dứt tình trạng đó.
"Hai Quốc sách”
- Thưa ông, để phát triển đất nước nhanh và bền vững thì giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ được xem là yếu tố then chốt. Vậy cần giải pháp nào để thúc đẩy giáo dục và khoa học công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo?
Trong nghị quyết của Đảng đã nói rất rõ đó là giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Chính sách của Đảng và Nhà nước cũng thể hiện rất rõ, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng giáo dục trong nhiều năm nay chưa đáp ứng được yêu cầu toàn diện, phát triển trong thời kỳ mới. Gần đây nhất nổi lên chuyện sách giáo khoa chẳng hạn. Sách giáo khoa chỉ là một vấn đề còn làm thế nào để giáo dục thật sự là quốc sách hàng đầu là vấn đề không hề đơn giản. Ngay việc giáo viên xin nghỉ hàng loạt, xin ra khu vực tư là cả một vấn đề. Tất nhiên trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, người ta có quyền lựa chọn. Nhưng câu chuyện ở đây là làm sao cho giáo viên yêu nghề, sống được với nghề thì đó mới là giải pháp lâu dài.
Với chính sách như vậy chúng ta cần xem lại làm sao để giáo dục phát triển bền vững. Bên cạnh đó, văn hoá cũng là yếu tố quan trọng, cấu thành nên sự phát triển bền vững. Chứ nếu đặt văn hóa giáo dục, với phát triển kinh tế ra một bên, tách rời nhau thì chắc chắn sẽ không có sự phát triển.
Tương tự, khoa học công nghệ là yếu tố then chốt, có tính quyết định. Đặc biệt thế giới đã bước vào một cuộc cách mạng mới về công nghệ - cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Một cuộc cách mạng công nghệ như thế đòi hỏi phải có năng lực, tiềm lực để phát triển và phải có tầm nhìn lâu dài chiến lược cho phát triển khoa học công nghệ. Nếu không phát triển khoa học công nghệ, không đuổi kịp được, không bắt nhịp được trong điều kiện hiện nay thì Việt Nam có nguy cơ sẽ bị lỡ nhịp trong cuộc cách mạng mới của thế giới.
Giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ liên quan đến nhau. Thậm chí kể cả văn hoá vì văn hoá liên quan đến khoa học công nghệ. Văn hoá là môi trường sáng tạo, khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
- Thế nhưng, muốn có khoa học công nghệ hiện đại để tăng tốc trong phát triển thì chúng ta phải có "con người công nghệ” thưa ông?
Chúng ta đang tập trung cho phát triển giáo dục, trong đó gắn với phát triển khoa học công nghệ. Vấn đề là chính sách như thế nào, tầm nhìn ra sao, để hướng đến một kế hoạch, quy hoạch mang tính tổng thể, tầm nhìn.
Ví dụ như đào tạo, trang thiết bị thế nào? Khuyến khích sáng tạo ra sao? Sự gắn bó hợp tác giữa các cơ quan, cá nhân làm khoa học công nghệ như thế nào? rồi hợp tác quốc tế ra sao... Tất cả phải trở thành một chiến lược tổng thể, chứ không phải một cá nhân hay một ngành có thể làm được. Mặc dù ngành giáo dục rất quan trọng trong việc đào tạo nhưng không phải "khoán” cho ngành giáo dục mà khoa học công nghệ có thể làm tốt được.
Ví dụ trong phát triển khoa học công nghệ, bên cạnh giáo dục thì Bộ Khoa học và Công nghệ làm cái gì? Bên cạnh đó, trong đổi mới sáng tạo có cái sáng tạo làm 1.000 lần mới đạt kết quả chứ không phải vừa làm đã đi đến kết quả ngay. Tất cả các chính sách về khoa học công nghệ cũng như giáo dục đào tạo cần phải cập nhật, cần phải có đổi mới căn bản. Cần đổi mới tư duy của chính những người "hoạch định chính sách” chứ không phải chỉ đổi mới chính sách đơn thuần. Đổi mới ngay cả những người hoạch định chính sách thì mới có thể bắt kịp được sự phát triển của khu vực cũng như của thế giới.
Thu hút, trọng dụng nhân tài
- Một vấn đề quan trọng góp phần đưa đất nước phát triển theo khát vọng đã đặt ra là thu hút và trọng dụng nhân tài. Cá nhân ông có lưu ý gì trong vấn đề này?
Trọng dụng nhân tài là câu chuyện của cả thế giới chứ không phải chỉ riêng nước ta. Trọng dụng được nhân tài là hồng phúc của cả dân tộc. Không có thời thái bình, thịnh trị nào mà nhân tài không được trọng dụng. Dù thời đại nào, điều kiện nào, thì quốc gia nào cũng nghĩ đến thu hút, chăm lo, đãi ngộ và sử dụng người tài. Trọng dụng nhân tài là vấn đề khó chứ không hề dễ.
Tuyển dụng nhân tài theo cách chúng ta tuyển dụng nhiều năm nay, ở nhiều địa phương chưa phải là cách để trọng dụng nhân tài. Tuyển dụng nhưng phải trọng dụng, phải biết sử dụng. Điều đó đòi hỏi người sử dụng người tài phải "sáng suốt”. Bây giờ đã phân cấp rất nhiều, trên trung ương đã "sáng suốt” thì tất cả các cấp, các địa phương cũng phải "sáng suốt” thì mới trọng dụng được nhân tài.
Trong thu hút nhân tài đưa ra vật chất để thu hút cũng không phải là cách tốt. Đương nhiên phải có đãi ngộ thích đáng, đồng lương phải đủ sống. Nhưng phải có cách sử dụng nhân tài. Nhân tài thường có cách nghĩ, cách làm khác. Vậy trong cách quản lý và sử dụng nhân tài cũng phải phù hợp chứ không được theo kiểu bao cấp như: đi làm đúng giờ, ngày làm 8 tiếng, theo chỉ đạo này, chỉ đạo khác. Chúng ta phải tạo ra mảnh đất "dụng võ” cho nhân tài mới là điều quan trọng. Đặc biệt, thu hút nhân tài theo kiểu "con ông cháu cha”, chưa tài đã phong cho thành tài thì không những không có kết quả mà còn làm cho công việc tồi tệ thêm, gây ra những mâu thuẫn không đáng có trong cơ quan, trong quá trình phát triển chung của đất nước.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(Theo Đại đoàn kết)