Yên Bái chủ động triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/9/2023 | 2:07:21 PM

YênBái - Từ đầu năm đến nay, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đạt kết quả nhất định. Phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh để làm rõ nội dung này.

Ông Trần Xuân Thủy - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh (thứ hai từ phải sang) trao đổi với đồng bào Mông tại khu tái định cư Táng Khờ, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn.
Ông Trần Xuân Thủy - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh (thứ hai từ phải sang) trao đổi với đồng bào Mông tại khu tái định cư Táng Khờ, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn.

   - Xin ông cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai ra sao?

Với trách nhiệm là Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, chúng tôi đã chủ động tham mưu cho tỉnh, đồng thời phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các ngành liên quan thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. 

Cụ thể, Ban đã tham mưu cho Tỉnh uỷ ban hành Đề án đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất cảnh trái phép ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023-2025 (Đề án số 17-ĐA/TU ngày 24/8/2023); tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 (Kế hoạch số 141/KH-UBND ngày 09/6/2023).

Ban Dân tộc đã chủ động ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022; triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Đồng thời, chúng tôi phối hợp với các huyện, thị xã và các sở ngành liên quan tổng hợp đề xuất nhu cầu, kinh phí tổ chức triển khai thực hiện Chương trình năm 2023.

Ngoài việc tham gia, tổng hợp ý kiến sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của các bộ ngành Trung ương, của tỉnh, thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Dân tộc đã trực tiếp triển khai nội dung đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp; triển khai Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số; biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng… 

Cùng với đó, tổ chức 65 hội nghị tập huấn cho hơn 4.500 lượt người; tổ chức 8 đoàn đi học tập, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm tại một số tỉnh trong nước.

- Ông có thể khái quát một số kết quả thực hiện các dự án thuộc chương trình trên địa bàn tỉnh Yên Bái?

Tính đến hết tháng 8/2023, vốn đầu tư phát triển đã khởi công xây dựng được 222 công trình (trong đó có 84 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng) với kinh phí thực hiện đạt 512 tỷ 302 triệu đồng trong tổng số 603 tỷ 057 triệu đồng, đạt 84,95% kế hoạch; vốn sự nghiệp 60 tỷ 738 triệu/296 tỷ 695 triệu đồng, đạt 20,47% kế hoạch.

Kết quả này khẳng định sự cố gắng quyết tâm của các cấp, các ngành của tỉnh trong triển khai chương trình. Nhờ đó, Yên Bái đứng thứ 3 trong số 14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc về tiến độ giải ngân.  

Nguồn đầu tư tập trung chủ yếu thực hiện một số nội dung như hỗ trợ nước phân tán, mua sắm nông cụ máy móc; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch... 

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, cơ cấu kinh tế của  các địa phương vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, thu nhập được cải thiện, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.

- Quá trình triển khai Chương trình chắc hẳn cũng có những khó khăn, thưa ông?

Cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các dự án của chương trình. Như chúng ta đã thấy, đây là lần đầu tiên chương trình này được ban hành nên có nhiều điểm mới về phương pháp tiếp cận, đối tượng, nội dung, phạm vi hỗ trợ, đặc biệt là việc tích hợp các chính sách liên quan đến nhiều đơn vị tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện.

Thêm nữa, Thủ tướng Chính phủ lại chưa có Quyết định giao kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho địa phương thực hiện Chương trình.

Đối với nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn thì đang tạm dừng chưa triển khai thực hiện do đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung để phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Cùng đó, văn bản hướng dẫn của một số Bộ, ngành về địa bàn thực hiện chính sách có điểm chưa thống nhất, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Đội ngũ cán bộ cơ sở vùng dân tộc có nơi chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Ban Dân tộc tỉnh nhận thấy rằng, mặc dù kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển trong những năm qua, nhưng vẫn là vùng khó khăn của tỉnh, cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ, làm cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Thu nhập bình quân của hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương trong tỉnh vẫn thấp hơn so với bình quân thu nhập của cả nước; tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 57,4% dân số, nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 86,8% trong tổng số hộ nghèo của cả tỉnh.

Chất lượng giáo dục, y tế, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung toàn quốc và các tỉnh lân cận còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ còn ở chừng mực. 

Công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tuy đã được quan tâm thực hiện, song bản sắc văn hóa của một số dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang có nguy cơ bị mai một.

- Để thực hiện chương trình đảm bảo kế hoạch đề ra, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?

Để thực hiện chương trình đảm bảo kế hoạch đề ra, thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như sau: phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đến cộng đồng dân cư nhằm tạo sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng phong trào hiến đất, tham gia đóng góp tự nguyện, bảo đảm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện Chương trình.

Cùng với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư năm 2024 và tổ chức triển khai thực hiện, phân bổ, điều chỉnh kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 theo đúng quy định.

Chúng tôi cũng sẽ phối hợp triển khai tốt chương trình cho vay các đối tượng chính sách, đặc biệt là các chính sách vay vốn cho hộ dân tộc thiểu số là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo…, nhằm góp phần hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Đi đôi với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình ở các cấp; kịp thời tham mưu, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các mục tiêu Chương trình đã đề ra.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quang Tuấn

Tags Yên Bái chủ động Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi

Các tin khác
Trung tâm thành phố Yên Bái

Thành phố Yên Bái đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Yên Bái. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển lịch sử của đô thị tỉnh lỵ Yên Bái, là niềm vinh dự, tự hào to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu. Một thành phố "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” - một đô thị thông minh, hạnh phúc và đáng sống đang dần hiện hữu giữa ngàn trùng Tây Bắc.

Sáng 22/9, với chủ đề "Đoàn kết - Dân chủ- Hội nhập - Hợp tác - Phát triển", Đại hội Hội Nông dân (HND) tỉnh Yên Bái lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã tiên hành phiên làm việc thứ hai và tiến hành bế mạc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò và đóng góp của Tổng Thư ký và Liên hợp quốc cho hòa bình, ổn định, an ninh quốc tế, giải quyết các điểm nóng.

Ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm UBKT Trung ương, chủ trì kỳ họp

Ngày 19 và 20/9 tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương họp kỳ thứ 32. Ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT Trung ương chủ trì kỳ họp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục